Nên thu phí điện tử

21:39 | 19/08/2017

658 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một số lái xe chống đối trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) bằng cách dùng tiền mệnh giá nhỏ để trả phí khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng. Có ý kiến cho rằng, cần xử phạt hành vi của các tài xế vì gây cản trở giao thông đường bộ, tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, không thể xử phạt…  

“Hành” nhân viên trạm thu phí

Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã xảy ra tình trạng một số tài xế sử dụng tiền mệnh giá rất thấp như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng để trả phí, thậm chí có trường hợp còn dùng tiền mệnh giá 200 đồng để trả tiền phí. Không chỉ có vậy, một số tài xế còn dùng dung dịch có mùi khó chịu tẩm vào tiền rồi bỏ vào túi nilon khiến nhân viên thu phí rất mệt mỏi khi thu phí. Nhiều tài xế đưa cả chai nhựa chứa đầy tiền lẻ đã vo nát cho nhân viên trạm đếm hoặc lôi kéo nhau cùng đến trả tiền lẻ một lúc khiến nhân viên thu phí phải mất nhiều thời gian trong việc kiểm tiền.

nen thu phi dien tu
Tiền lẻ bị vo tròn bỏ vào chai nhựa khiến nhân viên trạm thu phí “hoa mắt chóng mặt” (ảnh: Vietnamnet)

Tất cả những hành động trên đều nhằm một mục đích là làm khó nhân viên thu phí, gây áp lực với trạm thu phí BOT Cai Lậy. Có thể thấy, sự việc này đang cản trở giao thông trên tuyến đường, vô hình trung còn khiến các tài xế nhiều nơi khác học theo tạo thành “trào lưu” xấu khi tham gia trả phí đường bộ.

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động từ ngày 1-8, thời gian thu phí là 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động. Trạm nằm trong Dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới với hơn 1.000 tỉ đồng, đoạn sửa chữa Quốc lộ 1 trên 300 tỉ đồng.

Anh Nguyễn Minh Lợi (lái xe đường dài quê ở Hưng Yên) chia sẻ, việc làm của những tài xế ở Tiền Giang là không hợp tình hợp lý. Họ bức xúc về mức phí nhưng không thể hành động như vậy, hành động vo tròn tiền rồi cho vào chai nhựa để bắt nhân viên đếm vùa mất thời gian vừa gây ùn tắc giao thông làm ảnh hưởng đến rất nhiều người khác. “Tôi thường xuyên đi qua trạm thu phí BOT, việc thu tiền là trách nhiệm của nhân viên thu phí, vì thế tài xế làm khó với họ cũng chẳng ích gì” - tài xế Lợi nói.

Nên phạt hay không?

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật IPIC (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, người nào gây cản trở giao thông từ 2 giờ trở lên hoặc gây cản trở giao thông ở những tuyến giao thông quan trọng, làm ách tắc giao thông trên diện rộng (không phân biệt thời gian bao lâu) sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm.

nen thu phi dien tu
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của các lái xe không cấu thành “Tội gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự và “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo Điều 203 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích, động cơ, mục đích của các lái xe ở đây là gây khó khăn trong việc thanh toán phí cho các nhân viên ở trạm nhằm phản ứng trước việc đặt trạm thu phí không hợp lý và thu phí với giá cao. Các lái xe không hò hét, chửi bới, đập phá, đuổi đánh các nhân viên trạm thu phí nên xét về hành vi khách quan của “Tội gây rối trật tự công cộng” là không thỏa mãn. Nói đến “Tội gây rối trật tự công cộng” thì thường được hiểu là phải có lời nói và hành động quá khích làm ảnh hưởng đến trật tự chung.

Ngoài ra nếu hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản, tính mạng của người khác thì chưa cấu thành tội phạm. Trong cả 2 tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Cản trở giao thông đường bộ” thì hành vi khách quan mô tả theo quy định của điều luật đều không thỏa mãn các dấu hiệu đặc trưng cơ bản. Do vậy, hành vi các lái xe trả tiền lẻ đựng trong chai nhựa không cấu thành tội phạm là có căn cứ.

nen thu phi dien tu
TS Đinh Thị Thanh Bình

Theo Luật sư Thơm, các cơ quan chức năng cần phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao người dân lại phản ứng như vậy và trên cơ sở đó điều chỉnh cho hợp lý và tìm giải pháp tháo gỡ bất cập giữa người dân và trạm thu phí.

Liên quan đến vấn đề này TS Đinh Thị Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải nhận định, việc các tài xế dùng tiền lẻ cho vào chai nhựa để trả phí gây cản trở giao thông và có nguy cơ thành “trào lưu” không tốt đối với cánh tài xế nói chung. Tuy nhiên, thực tế mà nói đây chỉ là hành động bột phát để giải tỏa bức xúc của một số tài xế.

TS Đinh Thị Thanh Bình cho rằng, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, giải thích hợp lý, giải tỏa căng thẳng giữa lái xe và trạm thu phí BOT. Ngoài ra, để tránh tái diễn những trường hợp tương tự, nên triển khai thu phí điện tử thì sẽ hiệu quả hơn.

Từ đầu tháng 12-2016, nhiều tài xế tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) căng băng-rôn, dàn ôtô hoặc mua vé bằng tiền lẻ gây ách tắc tại cầu Bến Thủy 1 và 2 để phản đối việc phải nộp phí dù không đi trên đường BOT. Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 cho một số phương tiện, tuy nhiên việc này không được người dân địa phương đồng tình. Đầu tháng 4-2017, Bộ Giao thông Vận tải phải tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của chính quyền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tìm phương án giải quyết vấn đề thu phí tại trạm cầu Bến Thủy 1. Kết quả, người dân sống hai bên trạm Bến Thủy 1 (thành phố Vinh, Nghệ An) không phải mua vé, các xe buýt khi lưu thông qua trạm này cũng được miễn phí.

Thảo Ngân - Xuân Hinh