Nên nhân rộng mô hình đưa âm nhạc dân tộc vào trường học

07:11 | 14/08/2013

1,980 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự thành công bước đầu của trường tiểu học Trần Bình Trọng quận 5, TP HCM trong việc đưa âm nhạc dân tộc vào trường học trong năm học 2012-2013, là một tín hiệu đáng mừng của những người yêu âm nhạc dân tộc. Từ trước đến nay đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo dục rất tâm huyết với vấn đề này, trong đó có giáo sư Trần Văn Khê.

Cách đây gần 10 năm, GS Trần Văn Khê là một trong những người khởi động chương trình phổ cập âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ, sau đó chương trình “Dạy âm nhạc dân tộc theo phương pháp học mà chơi” đã thử nghiệm thành công tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo, TP HCM năm 2004 với 20 học sinh và 20 cô giáo tiểu học.

Nói về đề án này, GS Khê từng tâm sự rằng: “Phổ biến kiến thức âm nhạc trong trường học không phải do bản thân tôi nghĩ ra, mà đó là một trong những yêu cầu của tổ chức UNESCO. Tôi là người trực tiếp đứng ra giảng dạy cho các em học sinh. Phương pháp này được áp dụng đầu tiên tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo. Tôi không dạy một cách thụ động, không viết trên bảng như cách mà các em vẫn thường học. Tôi gợi sự sáng tạo đối với học sinh. Tôi đi từ những cái cụ thể đến trừu tượng, từ những điều giản dị nhất đến cái phức tạp nhất…

Buổi trò chuyện về phương pháp dạy âm nhạc dân tộc cho trẻ em

tại tư gia GS Trần Văn Khê (Ảnh: Thanh Thúy)

Phương pháp “Dạy âm nhạc dân tộc theo phương pháp học mà chơi” là cách mà người dạy cố gắng chuyển hóa tất cả các tiết học thành một không gian ứng tác, ở đó các em học sinh có thể tự do sáng tạo. Kết quả thật mỹ mãn vì chỉ sau 8 tuần GS Khê nói chuyện về âm nhạc, hầu hết các em học sinh đã biết phát âm các làn điệu dân ca, nhận dạng các nhạc cụ dân tộc. Nhiều em học sinh tỏ ra rất thích thú với việc “Học mà chơi, chơi mà học” như thế. Tình yêu âm nhạc dân tộc đến với các em học sinh một cách nhẹ nhàng, có nhiều em không chỉ thích mà còn rất say mê. Sau khi thử nghiệm thành công phương pháp dạy âm nhạc như trên, GS Khê đã thu 2 cuộn phim và nhân ra làm 60 bộ để báo cáo lên tổ chức UNESCO.

Tiếc là, sau đó đề án “Dạy âm nhạc dân tộc theo phương pháp học mà chơi” không được nhân rộng và tiếp tục phát triển. Đó cũng là nỗi niềm trăn trở của GS Trần Văn Khê.

Nhưng sau một thời gian im ắng thì thời gian qua, ngành Giáo dục đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Trong năm học 2012 – 2013, một trong những nội dung trọng tâm của ngành Giáo dục là đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường để góp phần nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại lễ tổng kết năm học bậc tiểu học năm học 2012 – 2013 do Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Ân – Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Bình Trọng, quận 5 đã vui mừng thông báo những thành công bước đầu của đề án này.

Trong quá trình thực hiện, nhà trường đã phối hợp với câu lạc bộ âm nhạc dân tộc Tiếng hát Quê Hương tổ chức giao lưu và giới thiệu cho học sinh về các nhạc cụ dân tộc, đa số các em đều hồ hởi, thích thú khi được xem và nghe từng loại nhạc cụ phát ra. Nhiều em xung phong giao lưu và thành lập ban nhạc nhí để được trực tiếp làm quen với nhạc cụ dân tộc.

Một thuận lợi khác của nhà trường khi triển khai chương trình này đó là rất nhiều bậc phụ huynh thích thú những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm nên tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ tặng một số nhạc cụ cho nhà trường, cùng hướng dẫn các em trong các buổi sinh hoạt để các em được tập hát các bài hát dân ca bên cạnh các nhạc cụ.

Nhạc cụ truyền thống (Ảnh: Nguyệt Anh)

“Sau một thời gian tiếp xúc, cảm nhận, các em từ chỗ chưa biết đến khi được tập một số kỹ năng cơ bản, hát và múa một số bài dân ca thì dịp tết cổ truyền vừa qua nhà trường đã tổ chức liên hoan âm nhạc dân tộc, không chỉ riêng học sinh mà tất cả thầy cô cũng đều tham gia, mỗi khối một tiết mục rất hấp dẫn, lôi cuốn tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên say sưa với những làn điệu quê hương. Khi thầy cô đã yêu thích âm nhạc dân tộc thì nghiễm nhiên sẽ truyền tình yêu ấy cho lớp lớp học sinh của mình”- bà Nguyễn Thị Kim Ân cho biết.

Giờ đây, để giúp cho học sinh có một sân chơi bổ ích, trường Tiểu học Trần Bình Trọng còn thành lập câu lạc bộ âm nhạc và sinh hoạt vào mỗi chiều thứ sáu, thứ bảy hằng tuần để các học sinh đăng ký và cùng trực tiếp học với đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, thổi sáo hoặc tự các em vừa hát vừa kết hợp với nhạc cụ dân tộc.

Từ thành công bước đầu của trường tiểu học Trần Bình Trọng trong việc đưa âm nhạc dân tộc đến với học sinh đã minh chứng cho giá trị và sức sống bền lâu của văn hóa truyền thống. Nếu chúng ta biết cách khơi gợi, hướng dẫn, truyền thụ âm nhạc dân tộc một cách bài bản cho các em từ thuở nhỏ thì các em sẽ không chỉ thích, yêu mà còn đam mê mãnh liệt.

Như vậy là mong ước đưa âm nhạc dân tộc vào trường học để các em học sinh hiểu, thương, rồi sẽ tập luyện và biểu diễn của GS Trần Văn Khê từ bao năm qua đã dần thành hiện thực. Khi âm nhạc dân tộc thấm vào các em từ nhỏ thì hẳn nhiên sức sống âm nhạc sẽ được hồi sinh. Những câu hò, câu hát tự nhiên chảy trong huyết quản các em thì các em sẽ không bao giờ quên hay chán.

Tình yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước sẽ bắt nguồn từ việc yêu những những giá trị di sản của cha ông. Mà âm nhạc dân tộc là giá trị không thể thiếu trong đời sống tinh thần đương đại hôm nay.

Thanh Thanh