Năng lượng tái tạo không thể giải quyết khủng hoảng năng lượng của châu Âu

12:42 | 08/04/2022

1,028 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các chuyên gia của trang tin Oilprice mới đây đã có bài phân tích về việc châu Âu đang theo đuổi một tương lai năng lượng sạch và ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Năng lượng tái tạo không thể giải quyết khủng hoảng năng lượng của châu Âu

Tuy nhiên, việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đã làm nổi bật những thiếu sót của NLTT tại châu Âu. Theo Oilprice, Đức đang chuẩn bị cho việc tái phân phối khí đốt. Nhà điều hành lưới điện của Pháp đang yêu cầu người tiêu dùng sử dụng ít điện hơn. Ở Anh, các cuộc biểu tình đang nổ ra liên quan đến đợt tăng giá điện mới nhất khiến hàng triệu hộ gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng về nhiên liệu. Vấn đề nghiêm trọng và năng lượng đang lan rộng ở châu Âu.

Vấn đề về đảm bảo an ninh năng lượng đã xuất hiện từ nhiều năm trước và chỉ ra rằng, nhiều chính phủ ở châu Âu đã duy trì tâm lý tự mãn dai dẳng rằng, mặc cho điều gì xảy ra, sẽ luôn có nguồn khí đốt từ Nga. Trong thời gian Chiến tranh lạnh, Nga đã bơm hàng tỷ m3 khí đốt cho các nước châu Âu. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đang diễn ra khác đi và nó không chỉ bắt nguồn từ cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Châu Âu đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch từ vài năm nay. Trong năm 2022, giới chức EU khoe rằng, các nguồn NLTT đã chiếm 37,5% tổng tiêu thụ điện, trong đó năng lượng gió và thủy điện đã chiếm 2/33 tổng sản lượng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao Đức phải tăng cường nhập khẩu khí đốt và Pháp phải yêu cầu công dân của mình tiêu thụ điện ít hơn. Điều này có liên quan một chút đến cuộc chiến ở Ukraine. Cuộc chiến đã khiến các chính phủ EU và Chính phủ Anh “điên cuồng” tìm cách tách mình khỏi Nga bằng mọi biện pháp có thể, bao gồm cả việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt Nga.

Việc Tổng thống Nga V.Putin yêu cầu chuyển sang thanh toán bằng RUB cho khí đốt của Nga đối với các quốc gia “không thân thiện” dường như chỉ làm tăng mong muốn của các chính phủ châu Âu nhanh chóng từ bỏ nguồn cung khí của Nga. Ba nước Baltic gồm Estonia, Litva và Latvia đã tuyên bố ngừng mua khí đốt của Nga từ ngày 01/04. Hiện tại, họ đang sử dụng khí đốt từ các cơ sở dự trữ. Sau đó, các nước này sẽ chờ nguồn cung LNG đến cảng Klaipeda ở Litva hoặc một trạm liên kết với Ba Lan. Litva đang kêu gọi các nước thành viên EU khác làm theo. Điều đáng lưu ý là các nước Baltic dường như không thể thay thế sự phụ thuộc khí đốt của mình bằng năng lượng gió và mặt trời.

Điều này cũng đúng với phần còn lại của Liên minh châu Âu. Đầu năm 2022, Bloomberg đã báo cáo rằng, năng lượng tái tạo trên toàn EU đang “lấn át” khí đốt thiên nhiên. Báo cáo đã trích dẫn một nghiên cứu của Ember cho rằng, các chính phủ và doanh nghiệp đã bắt đầu coi trọng sự thay đổi mô hình năng lượng. Các lựa chọn thay thế là có sẵn với ưu điểm là rẻ hơn và cạnh tranh hơn.

Điều đáng băn khoăn là tại sao phải tranh giành nguồn cung khí đốt? Tại sao châu Âu không thực sự đẩy mạnh xây dựng các trang trại điện gió, công viên điện mặt trời và cho chính quyền Nga thấy người châu Âu có thể làm những gì? Thật khó để trả lời hai câu hỏi trên ở thời điểm hiện tại. Đáp án của những câu hỏi nhất thiết phải bao gồm các tham chiếu đến giá đồng, giá thép, giá polysilicon và hầu hết mọi mặt hàng kim loại và khoáng sản. Thêm vào đó, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng năng lượng mới cần nhiều thời gian hơn (ví dụ như chuyển sang sử dụng nhiên liệu LNG hoặc than đá). Thật vậy, trong một kế hoạch được công bố gần đây nhằm giảm tiêu thụ khí đốt của Nga, cũng như dầu và than đá, Ủy ban châu Âu đã “đặt cược” nhiều hơn vào khí đốt và than hơn là vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Theo bản phân tích kế hoạch thay thế do trang báo Die Welt (Đức) công bố, EU sẽ tìm cách thay thế 50 tỷ m3 khí đốt hàng năm của Nga bằng nhiên liệu LNG từ các nguồn khác nhau và 10 tỷ m3 khí đốt đường ống từ những nguồn khác. Tổng cộng là 60 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với 155 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu hàng năm từ Nga. Cũng theo kế hoạch, 20 tỷ m3 khí đốt khác có thể được thay thế bằng cách sử dụng nhiều nhiên liệu than hơn.

Nghịch lý là chính châu Âu đã kêu gọi và nỗ lực hướng tới sự chấm dứt sử dụng nhiên liệu than đá. Chính EU đã lên kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy điện than trước năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải của Thỏa thuận Paris. Và chính châu Âu cũng đang đặt cược vào việc thay thế 10 tỷ m3 khí đốt thiên nhiên của Nga bằng dầu nhiên liệu.

Nhìn chung, Ủy ban châu Âu dường như đang có kế hoạch thay thế hơn một nửa lượng khí đốt tiêu thụ của Nga bằng các loại nhiên liệu hóa thạch khác. Trong khi đó, điện gió và điện mặt trời dự kiến sẽ thay thế cho khoảng 22,5 tỷ m3 khí đốt từ Nga. Con số này rõ ràng là còn khiêm tốn đối với một khu vực được thiết lập để trở thành khu vực “xanh” nhất trên hành tinh trong thời gian ngắn.

Do đó, có vẻ như tình hình thực tế về nguồn cung và tiêu thụ năng lượng đang cho thấy, EU đang gặp khó khăn về khí đốt. Nếu kế hoạch của liên minh liên quan đến việc tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn thì nhiên liệu hóa thạch phải dễ tiếp cận hơn, nhanh hơn và có thể rẻ hơn cả điện gió và điện mặt trời. Do đó có thể thấy, NLTT không thể giải quyết khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Tiến Thắng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc