Năng lượng sống suy giảm

22:03 | 08/10/2014

729 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giảm năng lượng sống là tình trạng mà con người sẽ phải đối mặt bởi những nguyên nhân tưởng như chẳng dính dáng gì như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, thiên tai lũ lụt, suy thoái tài nguyên nước… Thế nhưng, thực ra đây lại chính là hệ lụy do con người tạo ra trước vòng quay luẩn luẩn: khai thác năng lượng để sống, song vì chính cách khai thác đó mà “lợi bất cập hại”, năng lượng lại giảm xuống đến mức báo động.

Năng lượng Mới số 355

Khí hậu thất thường

Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, ở Việt Nam, nhiệt độ trung bình tăng khoảng
0,1oC/thập niên. Mùa đông, nhiệt độ giảm trong các tháng đầu mùa nhưng tăng lên trong các tháng cuối mùa. Nhiệt độ trung bình trong các tháng hè có xu hướng tăng. Xu thế biến đổi lượng mưa không nhất quán giữa các khu vực, các thời kỳ. Cường độ mưa thì tăng lên rõ rệt. Mỗi năm trung bình có khoảng 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Tuy nhiên, bão thường xuất hiện muộn hơn, đồng thời dịch chuyển xuống vĩ độ thấp hơn so với quy luật thường thấy. Cũng theo thống kê trên thì riêng thủ đô Hà Nội, khu vực dễ bị tổn thương so với một số khu vực khác, kết quả nghiên cứu cho thấy từ năm 1910-1970, tần suất mưa, lụt lớn xảy ra chỉ khoảng 15-25  năm/lần song đến nay đã tăng 5-7 năm/lần, lại với cường độ lớn. Như vậy biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn.

Các chuyên gia môi trường dự báo, đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2-3oC, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng trong khi lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng 75cm đến 1m so với thời kỳ đầu thập niên 80 đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Mà nếu mực nước biển dâng cao 1m thì 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ ngập úng. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập úng hơn 20% diện tích.

Năng lượng sống suy giảm

Biến đổi khí hậu gây ra thiên tai lũ lụt

Với thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường theo chiều hướng tiêu cực như vậy thì nhận định như Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội là sẽ tác động sâu sắc đến sản xuất, môi trường, đời sống, sức khỏe của con người cùng các động, thực vật đang tồn tại. Cụ thể, mực nước biển dâng gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp cũng như gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và hệ thống kinh tế - xã hội. Các hệ sinh thái thay đổi dẫn đến sự thay đổi về môi trường, sự phân bố của động vật hoang dã theo chiều hướng xấu, đồng thời làm giảm đa dạng sinh học… Tất cả điều đó làm giảm năng lượng sống của con người, thậm chí làm con người thiệt mạng. Như 10 năm gần đây nhất, theo thống kê của các nhà môi trường các loại thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, tài sản thiệt hại chiếm 1,5% GDP/năm… Còn khoảng 65 năm nữa, tức năm 2080, các chuyên gia nghiên cứu về môi trường đã đưa ra bức tranh u tối vì sự biến đổi khí hậu: Sản lượng ngũ cốc có thể giảm 2-4% nhưng giá sẽ tăng 13-45%, tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng bởi nạn đói chiếm 36-50%...

 Để đi tìm câu trả lời vì sao có sự biến đổi khí hậu, trước hết phải nói đến hiệu ứng nhà kính - là tất cả các chất có trong khí quyển bao gồm những chất sẵn có và những chất do hoạt động kinh tế xã hội của con người, đặc biệt là sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khai thức sử dụng đất mà ra như: CO2, CH4, N2O… làm trái đất nóng lên. Và từ sự nóng lên của trái đất ấy gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước…

Và nguyên nhân chính để xảy ra hiệu ứng nhà kính là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các hoạt động này lại chiếm đại đa số, nên có thể nói, đây là nguyên nhân cốt yếu làm cho khí hậu biến đổi. Và như vậy chẳng phải do con người tự hủy diệt năng lượng sống của mình đó sao!

Nước ô nhiễm từ nguồn

Theo kết quả kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt gần đây nhất ở Hà Nội cho thấy: Trong số 30 mẫu nước được lấy từ các nhà máy và trạm cấp nước đánh giá trên cơ sở 107 chỉ tiêu thì có 5/107 chỉ tiêu không đạt như: Asen có 1/20 cơ sở cấp nước (Trạm cấp  nước Mỹ Đình 2) có hàm lượng cao hơn gấp 4 lần như đã nói; Chỉ tiêu clo dư có tới 20/20 cơ sở có nồng độ cao hơn mức cho phép; Chỉ tiêu amoni có 7/20 cơ sở cấp nước không đạt chuẩn; Mangan có 1/20 cơ sở có hàm lượng vượt ngưỡng cho phép.

Đối với các  mẫu nước lấy từ các hộ gia đình thì có 150/155 mẫu chỉ số clo dư thấp hơn ngưỡng cho phép. 15/155 mẫu không đạt chuẩn về amoni và 40/155 có chỉ tiêu pecmanganat vượt ngưỡng. Còn kiểm tra 15 mẫu nước ở một số khu đô thị, kết quả cho thấy 4/15 mẫu nước không bảo đảm về chỉ tiêu nitrit và 15/15 mẫu chỉ tiêu pecmangnat, clo dư không đạt.

 Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên chất lượng nước sinh hoạt ở Hà Nội không bảo đảm mà từ cuối thập niên 90, chất lượng nước ngầm và cả nước sinh hoạt đều được coi là “báo động đỏ” khi có 30% số giếng được khảo sát nhiễm thạch tín trên 0,05mg/lít, 50% mẫu nước vượt trên ngưỡng cho phép 0,01mg/lít. Sở dĩ nguồn nước sinh hoạt ở Hà Nội nói riêng và những vùng khác nói chung ô nhiễm như vậy một phần là do công nghệ lọc nước đã lạc hậu, phần khác quan trọng hơn là nước từ nguồn khai thác ban đầu đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi chính hoạt động bừa bãi của con người như khai thác vàng là một ví dụ. GS.TS Trần Hồng Côn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đặt vấn đề: “Tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra nhiều ở thượng nguồn sông Đà. Điều này đã làm cho chất lượng nước khai thác ở đây để cung cấp cho người dân ở thủ đô bị ô nhiễm nặng do thủy ngân sau khi được dùng để tách vàng đổ thẳng xuống sông với mức ô nhiễm vượt 18-20 lần chỉ số cho phép. Với công nghệ lọc nước hiện nay, không hiểu nhà máy nào có thể xử lý được độc chất này để bảo đảm chất lượng nước cho người dân?”. Và hiện nay, không ít hộ dân đang phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm như vậy.

Để giải quyết những căn nguyên làm suy giảm năng lượng sống trên, theo Quyết định Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ chiến lược con người phải chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu bằng cách cảnh báo sớm, giảm thiệt hại do rủi ro thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực và tài nguyên nước… Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải bảo vệ, phát triển bền vững rừng, tăng cường hấp thụ khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế; Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, các giống, loài có sức chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, bảo tồn nguồn gen và các giống loài có khả năng bị tuyệt chủng do tá động của biến đổi khí hậu. Cùng với đó, phải giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên cơ sở phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời…

Về chất lượng nước, cần tăng cường kiểm tra, đánh giá hiện trạng chất lượng nước dưới đất, hiện trạng khai thác sử dụng nước cũng như khả năng bảo vệ và tự bảo vệ nước ngầm; cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, người dân trong việc khai thác nguồn nước có hiệu quả và bảo đảm chất lượng…

Tú Trịnh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc