Na Ư hồi sinh sau "cơn lốc trắng"

07:00 | 09/07/2015

1,111 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một ngày đầu tháng 7, theo chân cán bộ phòng Công tác chính trị (Công an tỉnh Điện Biên), tôi tìm vào Na Ư - một thời được ví là “thủ phủ”, là “thánh địa” của ma túy.
Na Ư hồi sinh sau
Bà Mùa Thị Đớ - Phó chủ tịch UBND xã Na Ư

Theo bà Mùa Thị Đớ - Phó Chủ tịch UBND xã Na Ư, trước những năm 2008-2009, vùng đất Na Ư này ngập ngụa trong ma túy. Người già, người trẻ, không chỉ dân mà cả cán bộ xã, bản cũng tham gia vào các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy. Ruộng nương bị bỏ hoang. Bọn trẻ không được quan tâm, chăm sóc, học hành bị bỏ bê. Nhiều đứa lớn lên trong “khói thuốc trắng” và cả “hàng nóng”.

Theo người dân ở đây kể lại, ngày trước, ở Na Ư, ma túy được người ta buôn bán như đi chợ. Tình hình an ninh-trật tự thì vô cùng phức tạp, người lạ không được chào đón ở Na Ư, thậm chí bị coi là kẻ thù. Ở đây từng có chuyện, một anh bán kem chẳng biết vô tình hay hữu ý đi lọt vào vùng đất này đã bị quây bắt, dần cho một trận thừa sống thiếu chết vì nghi anh ta là… công an nguỵ trang.

Đường vào Na Ư là đường độc đạo. Trước đây, đoạn đường này là đường đất, cứ ba đến năm bước chân là có một ổ gà, ổ voi. Trời nắng thì bụi mù bụi mịt, lúc mưa thì lầy lội, trơn như bôi mỡ vào bánh xe. Kể cả dòng xe U-oát, gắn bánh đặc chủng của công an nhiều lần vào Na Ư gặp trời mưa cũng phải nằm lại vì dù có cài cầu thế nào, bánh quay tít mù thì xe vẫn cứ xoay và trượt ngang về… phía vực. Tàn tích cái thời còn là “thủ phủ”, “thánh địa” của ma túy là vô số những đường mòn, lối mở dọc hai bên đường vào Na Ư.

Theo đồng chí “cán bộ đường lối” của Công an tỉnh Điện Biên cho biết đó là “lối thoát hiểm” do nhiều nhóm buôn ma tuý khác nhau mở ra để “chạy hàng”. Na Ư có hơn 24km đường biên giáp với tỉnh Phoong Sa Lỳ của nước bạn Lào, vùng đất nổi tiếng về buôn ma tuý. Trước kia, người dân Na Ư chỉ cần mất chừng 30 phút chạy một chiếc xe máy tọc tọc, xuyên rừng là có thể sang bên kia biên giới mua ma túy rồi về nhanh và dễ dàng hơn đi chợ. Và trên con đường này, đã diễn ra hàng trăm cuộc chiến sinh tử giữa lực lượng đánh ma túy của công an, biên phòng với các băng nhóm, đối tượng sẵn sàng chết vì lợi nhuận của ma túy. Nói là “sinh tử” bởi đám buôn ma túy luôn găm “hàng nóng” và sẵn sàng xả súng chống lại lực lượng chức năng.

Con đường chưa đầy 10km này vì thế được mệnh danh là “cung đường ma túy” hay “con đường tử thần”. Những người lần đầu đặt chân đến Na Ư có cho ăn “gan hùm, mật gấu” cũng chẳng ai dám bén mảng đến cung đường này.

Na Ư hồi sinh sau
Trường THCS Na Ư được cải tạo, nâng cấp trong thời gian học sinh nghỉ hè.

Nhưng đó là Na Ư của ngày trước, còn giờ đây, “thủ phủ ma túy” đã trở lại với vẻ thanh bình, tĩnh lặng vốn có của bản làng miền núi Tây Bắc. Quãng đường chừng 10km từ đường quốc lộ vào trung tâm xã giờ đã được trải nhựa. Hai bên đường là những nương ngô, rẫy sắn xanh ngắt. Rừng Na Ư là rừng già. Trời rất trong và xanh. Người dân Na Ư giờ cũng không còn dính đến ma túy. Được các cấp chính quyền, đặc biệt là công an, biên phòng vào tuyên truyền, vận động, người dân Na Ư đã hiểu được tác hại của ma túy, biết buôn ma túy là phạm pháp…

Na Ư bây giờ không còn là “thủ phủ ma túy”, là địa bàn tập trung của những “ông trùm” có cỡ trong các đường dây buôn ma túy. Chuyện công an, biên phòng vào bản được “chào đón” bằng những loạt AK liên hồi găm vào vách núi chỉ còn là quá khứ. Các đội công tác của công an, biên phòng giờ được đặt tại xã và nhận được sự phối hợp, giúp đỡ.

Vì đã hiểu tác hại của ma túy nên giờ người dân Na Ư đã coi nó như kẻ thù. Chuyện tố giác các nghi phạm liên quan đến ma túy cho các lực lượng chức năng ở Na Ư giờ chẳng phải chuyện hiếm. Trẻ con ở Na Ư giờ cũng được học hành, chăm lo đầy đủ, trường lớp khang trang.

Na Ư của ngày hôm nay thật yên bình. Cái vẻ yên bình đó khiến ngay chính những người sinh sống ở mảnh đất này phải khiếp sợ, ngán ngẩm quảng thời gian cả bản, cả xã chìm ngập trong “khói thuốc trắng”.

Na Ư hồi sinh sau
Na Ư hồi sinh sau
Bản Na Ư nhìn từ trên cao.
Na Ư hồi sinh sau
Khẩu hiệu đặt ở giữa bản Na Ư.
Na Ư hồi sinh sau
Trường tiểu học bán trú xã Na Ư.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới