Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, ra sao trong năm 2023?
2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ra sao trong năm 2023?
Pan Mei, đến từ Liễu Châu, một thành phố phía tây nam thuộc khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc), có chuyến du lịch đến Macau (đặc khu hành chính của Trung Quốc) trong kỳ nghỉ Tết vừa rồi cùng chồng, con trai và 5 thành viên khác trong gia đình để đoàn tụ với cô con gái lớn đang học thạc sĩ ở đó. Để kỷ niệm việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do dịch bệnh sau một thời gian dài, cả gia đình thử vận may tại sòng bạc và dành thời gian ở các trung tâm mua sắm.
"Đại dịch đã buộc chúng tôi ở trong nước quá lâu. Thật tuyệt khi chúng tôi có thể ra nước ngoài lần nữa. Đối với nhiều người, đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên sau nhiều năm", bà nói và cho biết: "Bây giờ việc đi lại đã bình thường, chúng tôi có thể đi du lịch nhiều hơn".
Bắc Kinh mở cửa, người dân Trung Quốc chi tiêu mạnh cho du lịch trong dịp Tết 2023 (Ảnh: Bloomberg). |
Bắc Kinh đã từ bỏ các hạn chế do dịch Covid-19 vào đầu tháng 12 và việc mở cửa trở lại là một điểm sáng cho kinh tế toàn cầu vào năm 2023 và có thể mang lại một số cứu trợ cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong quý III/2022 với thị trường lao động sôi động, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh mạnh mẽ, và khả năng thích ứng tốt hơn mong đợi đối với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Lạm phát cũng được cải thiện và hiện đang giảm ở hầu hết các quốc gia, ngay cả khi lạm phát cơ bản, loại trừ biến động giá năng lượng và lương thực, vẫn chưa đạt đỉnh ở nhiều quốc gia.
Do đó, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2023. Theo đó, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại từ 3,4% năm 2022 xuống 2,9% năm 2023, sau đó phục hồi lên 3,1% năm 2024. Trước đó, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,7% trong năm 2023, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ dừng ở mức 1,7%.
Nền kinh tế số 1 thế giới
Lạm phát hạ nhiệt?
Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, 2022 là một năm khó khăn khi lạm phát đạt mức kỷ lục trong 40 năm qua.
Martin Bate, một nhà lập kế hoạch giao thông 31 tuổi ở Fort Worth, đã trải qua khoảng thời gian giữa năm 2022 với cảm giác rằng ông đang "dậm chân tại chỗ" khi giá xăng tăng cao, chi phí thực phẩm leo thang và khả năng tiền thuê nhà tăng cao đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính.
"Tôi thực sự bắt đầu cảm thấy bị siết chặt về tài chính, điều mà tôi chưa từng cảm thấy trước đây kể từ khi tốt nghiệp đại học", Bate nói. Sau đó, anh được thăng chức và hưởng mức lương tăng lên tới 12%. Giá xăng đã giảm và chi phí nhà ở tại địa phương đã vừa phải đủ để anh mua một căn hộ đẹp hơn với giá mỗi mét vuông thấp hơn so với nơi ở hiện tại.
"Tình hình cá nhân của tôi đã được cải thiện đáng kể", Bate nói và giải thích rằng anh cảm thấy thận trọng nhưng đầy hy vọng về nền kinh tế. "Có vẻ như nó sẽ ổn thôi", Bate nói.
Nhiều ý kiến cho rằng lạm phát Mỹ sẽ giảm vào năm 2023 sau khi đạt đỉnh trong vòng 40 năm vào năm ngoái (Ảnh: Getty). |
Mọi người trên khắp đất nước cuối cùng cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn so với chi phí sinh hoạt tăng không ngừng. Sau nhiều sai lầm vào năm 2021 và đầu năm 2022 khi tốc độ tăng giá chậm lại rồi lại tăng tốc, các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang thực sự chuyển hướng đã bắt đầu tích tụ.
Một số nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn so với trước đại dịch, trong khi những người khác dự đoán lạm phát sẽ hạ nhiệt. Tốc độ và phạm vi của việc giảm tốc lạm phát sẽ cho biết mức độ, thời gian mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất và mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.
Hiện tại, các quan chức Fed ủng hộ tiếp tục giảm tốc độ tăng lãi suất chứ chưa thể dừng công cụ này. Việc điều chỉnh dần mức tăng lãi suất sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có nhiều cơ hội hơn để xem nền kinh tế đang phát triển như thế nào.
Bà Lorie Logan, chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, cho biết: "Nếu bạn đang trên đường đi và gặp thời tiết sương mù hoặc đường cao tốc nguy hiểm, bạn nên giảm tốc độ".
Bản thân nhiều nhà kinh tế học và các quan chức Fed ước tính rằng sẽ phải mất rất nhiều năm để đưa lạm phát quay trở lại mức 2%. Nhưng một số người ở Phố Wall cho rằng lạm phát có thể giảm mạnh, thậm chí có thể quay trở lại mức thấp trong lịch sử như trước đại dịch.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Nếu Fed làm nền kinh tế chậm lại để kiểm soát giá cả thì sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và người dân sẽ phải trả giá bằng việc thiếu việc làm.
Nhưng nếu giá cả tăng quá nhanh sẽ tiếp tục làm giảm tiền lương và làm xói mòn tiền tiết kiệm của người dân, khiến tình hình tài chính của các hộ gia đình trở nên tồi tệ hơn.
"Tôi thực sự lo lắng về tương lai", Karen Loeb, một phụ tá giáo sư xã hội học 71 tuổi ở Amherst, Mass, cho biết. Bà đã mua sắm tại các cửa hàng tiết kiệm và tự nướng bánh sau khi chứng kiến giá hàng hóa và thực phẩm tăng cao trong 2 năm qua.
Đối với những người như bà Loeb, cũng như các chủ ngân hàng trung ương, có những lý do chính để hy vọng rằng lạm phát sẽ giảm đáng kể vào năm 2023.
Mặc dù lạm phát hàng hóa tăng nhanh do các vấn đề về nguồn cung, nhưng một phần cũng là do nhu cầu về đồ gia dụng và các sản phẩm khác đã tăng lên kể từ năm 2020 khi các hộ gia đình Mỹ nhận được hỗ trợ từ các gói kích thích của chính phủ. Nhưng nhu cầu đang suy yếu khi tiết kiệm dần bị xói mòn.
Chuyên gia dự đoán nhiều kịch bản suy thoái cho nền kinh tế lớn nhất thế giới (Ảnh" Millennium Post). |
Thêm vào đó, Fed đã tăng lãi suất từ gần bằng 0 lên trên 4,25% vào năm ngoái, điều này có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và khiến các công ty khó thực hiện các đợt tăng giá lớn.
Omair Sharif, người sáng lập Inflation Insights, cho biết: "Có vẻ như một cú sốc cung kéo dài - ở một mức độ nào đó là cú sốc cầu - mà chúng tôi đã phải chịu đựng. Những điều đó có vẻ khá rõ ràng trên con đường bình thường hóa".
Điều đáng khích lệ là giá của nhiều hàng hóa và dịch vụ đang chậm lại. Tỷ lệ các loại sản phẩm có lạm phát trên 3% đã giảm từ gần 3/4 vào đầu năm 2022 xuống còn chưa đến một nửa vào tháng 12, thống đốc Fed Christopher Waller cho biết trong một bài phát biểu vào giữa tháng trước.
Nhưng rủi ro vẫn còn, bởi vì không rõ liệu các lực lượng hiện đang kéo lạm phát xuống có đủ để nhanh chóng đưa giá cả trở lại tốc độ hàng năm là 2%, mục tiêu của Fed hay không.
Những biến động trong ngắn hạn có thể xảy ra. Ông Sharif cho biết chi phí dịch vụ chăm sóc y tế tăng cao hơn, thậm chí có thể khiến lạm phát hàng tháng tăng nhanh trở lại trong những tháng tới chẳng hạn.
Các quan chức Fed dự đoán rằng lạm phát được đo bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân sẽ vẫn dao động quanh mức 3,5% vào cuối năm nay, và lạm phát lõi duy trì ở mức trên 2% cho đến năm 2024.
Điều này được dự đoán trước đó liên quan đến thị trường lao động đang bùng nổ. Với việc tiền lương tăng với tốc độ nhanh bất thường khi các công ty cố gắng thu hút và giữ chân người lao động. Các nhà hoạch định chính sách của Fed cho rằng các công ty có thể tiếp tục tăng giá để trang trải chi phí. Trong khi đó, thu nhập cao hơn sẽ cho phép người tiêu dùng tiếp tục mua sắm những thứ họ muốn và cần.
Đó là lý do tại sao nhiều ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm một chút và sau đó giữ chúng ở mức cao trong suốt năm 2023. Chi phí đi vay cao hơn có thể ngăn cản người tiêu dùng chi tiêu cho tín dụng và các doanh nghiệp không thể mở rộng, làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế và thị trường việc làm.
Trong khi các chỉ số lao động khác đã ổn định hơn, các quan chức Fed dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,6% vào cuối năm so với mức 3,5% hiện nay.
Moody's dự báo Mỹ sẽ trải qua một cuộc suy thoái chậm (slowcession). Theo đó, nền kinh tế sẽ trải qua một giai đoạn khó khăn gần như không tăng trưởng nhưng cuối cùng sẽ tránh được suy thoái thực sự. Lập luận này được nhiều người ủng hộ.
Trong một thế giới không thể đoán trước, không có kịch bản nào có thể bị loại trừ và khả năng tăng lãi suất của Fed sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái hay hạ cánh cứng.
Fed trông chờ một cuộc "hạ cánh mềm" trong năm 2023 (Ảnh: Getty). |
Mặc dù điều đó sẽ gây tổn hại cho một số hộ gia đình, nhưng các quan chức Fed vẫn hy vọng về một cuộc hạ cánh tương đối nhẹ nhàng. Trước dữ liệu lạm phát gần đây, ngay cả Lawrence H. Summers - nhà kinh tế học Harvard và cựu Bộ trưởng Tài chính - người đã cảnh báo rằng nền kinh tế có thể đang hướng tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng, đã nâng cao cơ hội để Mỹ tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm 2023.
"Hạ cánh mềm là chiến thắng của hy vọng trước kinh nghiệm, nhưng đôi khi hy vọng chiến thắng kinh nghiệm", ông Summers nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại rất nhiều trong những tháng tới và sẽ rơi vào suy thoái hoàn toàn, buộc Fed phải cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay.
Trung Quốc mở cửa, trở lại đường đua kinh tế
Trung Quốc đang trỗi dậy sau gần 3 năm tự cô lập sau khi nước này đột ngột chuyển hướng chính sách zero-Covid, vốn là lực cản đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đầu tháng này, các quan chức Trung Quốc cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 3% - mức thấp thứ hai trong ít nhất 4 thập kỷ.
Nhưng giờ đây, với việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tăng trưởng ở Trung Quốc được dự báo sẽ cải thiện vừa phải vào năm 2023, lên 4,8%, nhờ việc điều chỉnh chính sách Covid vào cuối năm 2022 và nới lỏng các chính sách tiền tệ, tài khóa.
Tăng trưởng của Trung Quốc dự báo cải thiện trong năm 2023 sau 3 năm đóng cửa do đại dịch (Ảnh: New York Times). |
Một số tổ chức toàn cầu cũng nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc khi hoạt động kinh tế nước này nhanh chóng phục hồi trong năm mới. Ngân hàng Thế giới dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm 2023, so với mức dự báo 2,7% đưa ra trước đó.
"Sau khi Trung Quốc điều chỉnh và tối ưu hóa chính sách phòng chống dịch bệnh, hoạt động kinh tế của nước này dần hồi phục. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển kinh tế quốc gia trong năm nay, với dự báo tăng trưởng đạt 5%", He Weiwen - thành viên cấp cao tại Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa - nói với Global Times, đồng thời cho biết thêm rằng mở rộng tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu trong năm nay của nước này.
Trung Quốc đã cố gắng thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài sau gần 3 năm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hậu cần bị trì hoãn, quy định nghiêm ngặt đối với các lĩnh vực từ công nghệ tiêu dùng đến bất động sản và các đợt phong tỏa nặng nề khiến các nhà máy phải đóng cửa.
"Trung Quốc sẽ phải tập trung nhiều hơn cho việc mở rộng nhu cầu trong nước, giữ ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ khu vực tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư nước ngoài và ngăn ngừa rủi ro kinh tế và tài chính", ông Lưu Hạc, Phó thủ tướng Trung Quốc và là một trong những nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu nước này, đã trấn an giới tinh hoa tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 1.
Theo bà Nargiza Salidjanova - giám đốc về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Rhodium Group, những người theo dõi Trung Quốc vẫn đang chờ đợi để thấy những thay đổi chính sách hỗ trợ kinh doanh đáng kể hơn, chẳng hạn như cho phép các công ty tư nhân và nước ngoài tiếp cận bình đẳng trong công nghệ và một số lĩnh vực công nghiệp nhất định và giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
"Nói về những điều này là không đủ", bà nói và cho rằng: "Thông điệp và thực tiễn phải thực sự phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài".
Các biến số
Công ty quản lý đầu tư KraneShares cho biết, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ đã sẵn sàng phục hồi vào năm 2023, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào một biến số - người tiêu dùng.
Xiaolin Chen, người đứng đầu quốc tế của KraneShares cho biết: "Khi nhu cầu bên ngoài giảm do suy thoái kinh tế sắp xảy ra ở phương Tây, nền kinh tế Trung Quốc phải phụ thuộc nhiều hơn vào người tiêu dùng trong nước".
"Chúng tôi tin rằng việc mở cửa trở lại có thể dẫn đến sự phục hồi hình chữ V trong giá cổ phiếu của các thương hiệu tiêu dùng Trung Quốc vào đầu năm 2023. Sự phục hồi có thể được thúc đẩy bởi nhu cầu bị dồn nén, tiết kiệm cao và hiệu ứng giàu có khi giá bất động sản phục hồi", bà Chen nói.
Người tiêu dùng là một trong nhiều biến số ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm nay (Ảnh: China Daily). |
Thị trường bất động sản Trung Quốc lao dốc vào năm 2022 khi chính phủ thắt chặt cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản nước này.
"May mắn thay, việc mở cửa trở lại và dòng vốn mới vào ngành bất động sản Trung Quốc có khả năng thúc đẩy đáng kể niềm tin của người tiêu dùng. Đây sẽ là chất xúc tác cho thị trường Trung Quốc vào năm 2023", Chen nói.
Covid-19 là một biến số khác. Đó là một nhân tố X tiềm ẩn có thể tiếp tục gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, bên cạnh hệ thống y tế công cộng của nước này.
Lauren Ancel Meyers, giáo sư tại Trung tâm Khoa học Quyết định Đại dịch tại Đại học Texas, nói: "Biến thể tiếp theo sẽ xuất hiện và lây lan khắp thế giới là gì? Nó giống với các biến thể đang lây lan hiện tại và vaccine mà họ sử dụng như thế nào?"
Các cơ quan y tế công cộng của Trung Quốc cho biết 80% dân số của đất nước hơn 1,1 tỷ dân này đã bị nhiễm Covid-19 trong đợt lây nhiễm gần đây nhất. Mức độ lây nhiễm nhanh chóng và trên diện rộng như vậy có thể dẫn đến một lượng miễn dịch tự nhiên kha khá. Tuy vậy, giới phân tích nhận định, nền kinh tế Trung Quốc còn lâu mới có thể miễn nhiễm với những cú sốc tiếp theo.
Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)
04/02/2023
Theo Dân trí
-
IMF thúc giục Trung Quốc cải tổ nền kinh tế
-
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc dự báo giảm tháng thứ 6 liên tiếp
-
Fed để ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất lớn
-
Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế quy mô lớn
-
Các nhà kinh tế thúc giục Trung Quốc tăng cường “giải cứu” bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng