Mỹ chỉ có thể “bắt chẹt” được những nước nào?

13:36 | 09/10/2018

2,262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 và đang đàm phán mua nhiều loại vũ khí hiện đại khác của Nga bất chấp lệnh cấm của Mỹ là một minh chứng cho thấy Washington chỉ có thể “bắt chẹt” được những nước ít đem lại lợi ích cho họ.  
my chi co the bat chet duoc nhung nuoc naoẤn Độ và Nga thúc đẩy hợp tác phát triển mỏ dầu và lĩnh vực LNG
my chi co the bat chet duoc nhung nuoc naoNga làm rõ vai trò của quân đội Iran tại Syria
my chi co the bat chet duoc nhung nuoc nao
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Tại hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn lần thứ 19 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ ngày 5/10/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ USD, theo đó Moskva sẽ bắt đầu cung cấp 5 hệ thống phòng không tầm xa S-400 cho New Delhi từ tháng 10/2020. Ngoài ra cũng trong dịp này, lãnh đạo hai nước còn thảo luận về dự án Nga cung cấp 4 hộ tống hạm lớp Krivak, trị giá 2 tỷ USD và kế hoạch Ấn Độ trang bị 200 chiếc trực thăng hạng nhẹ Ka-226, trị giá khoảng 1 tỷ USD. Như vậy, Ấn Độ sẽ là quốc gia thứ ba mua S-400 sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. S-400 là hệ thống phòng không tầm xa thế hệ mới, có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu như tiêm kích tàng hình, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở khoảng cách tới 400 km. Một tổ hợp S-400 có thể tấn công tới 80 mục tiêu cùng lúc.

Trước khi lễ ký kết này diễn ra, Mỹ đã rất nhiều lần cảnh báo đồng minh Ấn Độ không nên làm ăn với Nga, nhất là không được mua vũ khí từ Moskva. Thỏa thuận mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Narendra Modi thống nhất vào tháng 5/2016. Nhưng vào mùa hè năm 2017, Mỹ đã thông qua Luật về đấu tranh chống lại đối thủ của Mỹ bằng biện pháp trừng phạt (CAATSA). Luật này đe dọa sẽ trừng phạt các quốc gia mua vũ khí của Nga. Đây cũng chính là đạo luật mà Mỹ đã dùng để trừng phạt Cục Phát triển thiết bị của Trung Quốc vào ngày 20/9/2018, vì cơ quan này đã mua 10 chiến đấu cơ Sukhoi-35 hồi năm 2017 và nhiều trang thiết bị liên quan đến tên lửa đất đối không S-400 của Nga trong năm 2018. Lệnh trừng phạt này đã gây ra một loạt phản ứng mạnh mẽ cả từ phía Nga lẫn Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington vẫn không rút lại quyết định.

Với Ấn Độ, thái độ của Mỹ khác hẳn. Từ khi hay tin Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thống nhất về việc mua bán hệ thống S-400 vào tháng 5/2016, Washington không ngừng đe dọa New Delhi. Nhưng Ấn Độ cũng đã phản ứng không kém trước mỗi lời hăm dọa của Mỹ. Kết quả là gần đây, Mỹ buộc phải cấp một ngoại lệ cho Ấn Độ, Indonesia và vài nước khác liên quan tới luật CAATSA, với điều kiện các nước này phải giảm bớt việc mua vũ khí từ Nga và rằng New Delhi "phải hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ về các vấn đề khác có tính chất quyết định với lợi ích chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ". Nhưng như vậy không có nghĩa Washington nhắm mắt làm ngơ trước thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Ấn Độ và Nga.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ gần đây nói rằng, sự hợp tác quân sự giữa New Delhi và Moskva là phù hợp với lợi ích quốc gia của Ấn Độ, và nước này không có ý định từ bỏ dưới áp lực bên ngoài. "Ấn Độ đã giải thích rõ ràng với Hoa Kỳ rằng New Delhi sẽ không chịu sự can thiệp từ bên ngoài vào quan hệ với Nga. Washington đã chấp nhận nhượng bộ theo CAATSA vì tính đến những lợi ích chiến lược với Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Moskva của New Delhi”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết. "Ấn Độ đã khiến phía Hoa Kỳ hiểu rõ rằng Nga là đối tác chiến lược của họ, hai nước đã có một mối quan hệ lâu đời và đa dạng kể từ khi Ấn Độ độc lập. Hầu hết các vũ khí phòng thủ của chúng tôi đều có nguồn gốc từ Nga. Và ngày nay, đất nước này rất cần hệ thống phòng không S-400 để đảm bảo an ninh quốc gia", một nguồn tin ngoại giao Ấn Độ nói. Từ năm 2000 đến năm 2014, Nga chiếm 73% tổng đơn hàng mua vũ khí của Ấn Độ. Riêng năm 2017, danh mục đặt hàng của Ấn Độ với Công ty cổ phần Rosoboronexport (cơ quan trung gian duy nhất của nhà nước Nga về xuất nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến quốc phòng) vượt quá 4 tỷ USD. Hiện nay, Ấn Độ là thị trường vũ khí lớn thứ hai của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Theo Tướng Sharma, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Ấn Độ, Nga là quốc gia duy nhất đề nghị chuyển giao công nghệ vũ khí và hợp tác cùng sản xuất với Ấn Độ, như trong việc hợp tác chế tạo tên lửa BrahMos. Mô hình hợp tác quốc phòng, quân sự giữa Nga và Ấn Độ từ chỗ dựa trên hình thức “mua-bán”, trong đó Nga là người bán và Ấn Độ là người mua, nay đang được chuyển dần sang thời kỳ hợp tác để cùng nhau sản xuất các trang thiết bị quân sự. Theo mô hình hợp tác mới này, Nga sẽ tổ chức sản xuất vũ khí ngay tại Ấn Độ và chuyển giao cho Ấn Độ công nghệ để sản xuất các loại vũ khí này.

"Tổng thống Trump không có gì để thay đổi quan điểm của Ấn Độ, bởi vì chúng tôi hầu như không nhận được khoản vay hoặc trợ giúp kinh tế từ Mỹ. Trong khi Mỹ lại cần Ấn Độ như một đối tác chiến lược để đối trọng Trung Quốc và Ấn Độ là một thị trường tiêu dùng và vũ khí khổng lồ. Đó là lý do tại sao Mỹ đã không ảnh hưởng đến thương vụ S-400 và các thỏa thuận giao dịch quân sự lớn khác”, nguồn tin quân sự Ấn Độ khẳng định.

Đó là lý lẽ của người Ấn, nhưng vấn đề tiếp theo là liệu Washington có thể phạt chính quyền của Thủ tướng Modi như đã xử phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc mới đây?

Theo các nhà phân tích, câu trả lời có lẽ là không, vì nhiều lý do. Thứ nhất là yếu tố Trung Quốc, Washington cần New Delhi để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh cả về mặt kinh tế lẫn quân sự trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 9/2018, Mỹ và Ấn Độ thông báo đẩy mạnh hợp tác trao đổi thông tin quân sự mang tính nhạy cảm cao. Đôi bên cũng đã đồng ý tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô vào năm 2019. Với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Mỹ khó mà mạnh tay với New Delhi.

Thứ hai, với chính quyền Trump, việc Ấn Độ tăng cường khả năng phòng thủ cũng chính là nhằm để đối phó với đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc và đấy là điều buộc Washington phải quan tâm. Vào năm 2017 đã xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa quân đội hai nước trong khu vực biên giới Ấn - Trung. Chưa kể, theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng với Pakistan, mà trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần tuyên chiến với nhau.

Thứ ba, Ấn Độ hiện đang là một trong những quốc gia mua vũ khí hàng đầu thế giới, đang có nhu cầu hiện đại hóa khả năng phòng thủ rất lớn. Đây là một thị trường mà các nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ không muốn bỏ qua. Còn Nga thì từ lâu nay vẫn là đối tác ưu tiên của New Delhi, cho dù khi lên cầm quyền, Thủ tướng Modi đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Mỹ cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Hoa Kỳ khó có thể thay đổi được thực tế đó. Đó là chưa kể trên bàn cờ ngoại giao, Nga đang ủng hộ Ấn Độ giành được một chiếc ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cũng nhờ Moskva, New Delhi đã gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Không chỉ mua vũ khí từ Nga, Ấn Độ còn tuyên bố sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran, bất chấp việc Mỹ đang đe dọa các nước ngưng mua dầu của Tehran theo lệnh trừng phạt của Washington. Giới truyền thông Ấn Độ ngày 5/10 cho biết, nước này sẽ tiếp tục mua 9 triệu thùng dầu của Iran trong tháng 11/2018. Hồi tháng 5/2018, Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố rằng nước này sẵn sàng tuân thủ các biện pháp trừng phạt do Liên Hợp Quốc đưa ra, nhưng không nhất thiết tuân thủ lệnh trừng phạt của các quốc gia riêng lẻ được áp đặt lên Iran hay lên bất cứ quốc gia nào khác, nhất là với các đối tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng như Iran.

Rõ ràng Mỹ chỉ có thể áp đặt ý chí lên những nước đem lại ít lợi ích cho mình cả về kinh tế, quân sự lẫn địa chính trị, chứ một nước như Ấn Độ, cái lợi mà New Delhi mang lại cho Washington lớn hơn nhiều so với việc để mất Ấn Độ vì chuyện làm ăn của nước này với Nga và Iran.

G.K

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc