Mùa hè, làm gì để tránh "say nắng, say nóng"

09:00 | 13/05/2012

667 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  Trong điều kiện người bình thường, nhu cầu nước mỗi ngày cần 2,5 lít nước. Những người làm việc ngoài trời, phải vận động nhiều thì cần phải uống nhiều hơn, khoảng 3 4 lít/ngày.

Mùa hè – mùa say nắng

Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Chính, Trưởng Khoa Khám bệnh của BV Đa khoa quốc tế Thu Cúc cho biết: Cái nắng như Hà Nội hiện nay ảnh hưởng rất nhiều đến người đi đường, đó là có thể bị say nắng và say nóng.

Triệu chứng chính của say nắng, say nóng, bệnh nhân hoa mắt, chóng mặt, cảm thấy ngột thở, khó thở. Có người mặt mũi da đỏ bừng lên, mạch nhanh thở nông… Nếu có thể thì nên hạn chế đi ra đường trong trời nắng nóng, đặc biệt là thời điểm buổi trưa, là lúc nắng gay gắt nhất. Còn công việc bắt buộc, khi ra ngoài đường, mọi người cần phải trang bị đầy đủ áo che, mũ, nón và đồ bảo vệ, chống nắng.

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao thường làm cho con người cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức. Nhất là những người phải làm việc ngoài trời hoặc thường xuyên phải ra ngoài trời nắng sẽ rất dễ bị cảm nắng hay say nắng.

Thời điểm thường bị say nắng nhất là vào buổi trưa, đặc biệt lúc giữa trưa vì lúc đó mặt trời chiếu thẳng xuống trái đất và ánh nắng chứa nhiều tia tử ngoại nhất.

Trong đó, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, sản phụ và cả ở trẻ sơ sinh là những đối tượng dễ bị say nắng nhất vì cơ thể họ yếu hơn. Sở dĩ người cao tuổi dễ bị say nắng là do tuyến mồ hôi dưới da bị teo lại, hoạt động của hệ tuần hoàn bị suy yếu, cơ thể tỏa nhiệt không nhanh. Còn phụ nữ có thai và sản phụ là đối tượng có sức khoẻ yếu, việc mang thai và sinh nở đã tiêu hao của họ nhiều năng lượng.

Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.

Ngoài ra, những người mang trong mình một số bệnh cũng dễ bị say nắng, ví dụ như người mắc bệnh tin mạch, người bị viêm nhiễm (có thể khiến hơi nóng trong người tăng lên nhanh chóng, vi khuẩn và virus làm cho cơ thể tiết ra những chất không có lợi cho việc tỏa nhiệt nên dễ bị say nắng), người bị suy dinh dưỡng, người hay bị đi ngoài, người thiếu nước…

Làm gì khi bị say nắng?

Với trường hợp bị say nắng, say nóng, cần phải đưa bệnh nhân vào chỗ râm, mát, đồng thời nới rộng quần áo, để trước quạt, đắp khăn mặt có nước mát chườm và cho bệnh nhân uống nước.

Nếu chườm lạnh phải liên tục thay khăn, nhúng lại vào nước lạnh, theo dõi đến khi thân nhiệt hạ xuống đến 38 độ C, rồi để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi chỗ thoáng mát. Trường hợp nặng hơn phải đưa bệnh nhân đến trạm y tế, bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Đặc biệt, những người đi nắng về không được phép tắm ngay mà phải nghỉ ngơi một lúc cho ráo mồ hôi, mát mẻ thì mới tắm.

Không chỉ những người phải làm việc ngoài trời, nhân viên văn phòng cũng không được chủ quan. Trong văn phòng không được để điều hòa chênh lệch quá nhiều so với ngoài trời. Đang ở chỗ lạnh thì mạch bị co lại, ra nóng thì mạch dãn ra.

Mỗi người cần 2,5 lít nước/ngày để đảm bảo sức khỏe

Nếu đột ngột quá thì sẽ ảnh hưởng tới những người bị bệnh tim, những người có tiền sử về huyết áp. Nặng thì có thể bị đột quỵ, nhẹ thì bị sây sẩm mặt mày.

Cũng theo BS Chính, một trong những chủ quan của người dân là uống rất ít nước.

“Để đảm bảo sức khỏe trong thời tiết này, Bắt buộc phải uống đủ nước. Trong điều kiện người bình thường, nhu cầu nước mỗi ngày cần 2,5 lít nước. Những người làm việc ngoài trời, phải vận động nhiều thì cần phải uống nhiều hơn, khoảng 3- 4 lít/ngày.

Trong thực tế, mọi người đang uống không đủ nước, có nhiều người còn ngại uống nước. Khi cơ thể nóng thì ảnh hưởng tới máu, bị cô đặc hơn, khi có nước vào sẽ làm loãng ra, lưu thông tốt hơn, dẫn đến trao đổi chất tốt hơn, đào thải cặn bã ra tốt hơn”, BS Chính cho hay.

Ngoài ra, trong việc ăn uống, mọi người cần đặc biệt phải chú ý đến việc ăn uống vì thức ăn dễ ôi thiu. Nếu nắng nóng, đi ngoài mất nước nữa thì càng nguy hiểm.

Vương Tâm