Một chút sự thật về "nhị đại" (Kỳ IV)

00:39 | 12/08/2012

2,352 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù kết thúc từ cuối năm 1976, nhưng phải sau một thời gian tiến hành chính sách “cải cách và cởi mở”, đến năm 1981, Trung Quốc mới chính thức công nhận: “Cách mạng văn hóa” không phải và không thể là một cuộc cách mạng hoặc tiến bộ xã hội theo bất cứ ý nghĩa nào.

>> Một chút sự thật về 'nhị đại' (Kỳ III)

>> Một chút sự thật về 'nhị đại' (Kỳ II)

>> Một chút sự thật về 'nhị đại' (Kỳ I)

Kỳ IV: Những nạn nhân bất đắc dĩ

“Năm 1958 phải nâng sản lượng thép gấp 2 lần năm 1957”, câu nói tùy tiện của Mao Trạch Đông trong lúc tắm đã làm cho cả nền kinh tế quốc dân rối tung lên. Sản lượng thép Trung Quốc năm 1957 là 5,35 triệu tấn, tăng gấp 2 lần là 10,7 triệu tấn. Giữa tháng 8/1958 khi Hội nghị Bắc Đới Hà ra quyết định cuối cùng về vấn đề này, cả nước mới sản xuất được 4,5 triệu tấn thép. Tại hội nghị trên, Mao Trạch Đông nói: Phải chuyên chế, không thể chỉ nói đến dân chủ. Hoàn thành 11 triệu tấn thép là việc lớn liên quan đến lợi ích của toàn dân, phải cố sống cố chết làm cho bằng được. Phải ra sức thu gom sắt phế liệu, có thể tháo dỡ các đường sắt tạm thời không có giá trị kinh tế như đường sắt Ninh Ba, đường sắt Giao Đông! Ngay sau khi nhận thánh chỉ, tại hội nghị những người phụ trách công nghiệp các tỉnh và thành phố họp tại Bắc Đới Hà cuối tháng 8/1958, Bộ trưởng Luyện kim Vương Hạc Thọ đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh. Theo đó, trong 4 tháng cuối năm 1958 phải sản xuất 11,5 triệu tấn gang, 7 triệu tấn thép. Trong số những lãnh đạo kể trên, đáng chú ý nhất là Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Hà Nam bởi ông được tờ Nhân dân nhật báo đưa tin: Trước ngày 10/9/1958, mỗi ngày Hà Nam sản xuất 780 tấn gang, cho đến ngày 15/9 đã xây dựng được 45.000 lò luyện gang, huy động 3,6 triệu nông dân cùng 407.000 xe vận tải các loại để một ngày sản xuất 18.693 tấn gang! Thủ tướng Chu Ân Lai không tin thông tin này nên đã cử Cố Minh, Thư ký phụ trách công nghiệp xuống tìm hiểu tình hình bởi từng lưu học ở Nhật Bản, am hiểu sản xuất gang thép.

Bè lũ 4 tên tại tòa

Sau khi nhận được báo cáo của Cố Minh, Chu Ân Lai biết rõ chuyện sản xuất gang thép ở Hà Nam là dối trá. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Giao thông Cao Dương khi nhận lệnh dẫn một tổ công tác xuống tìm hiểu tình hình luyện gang thép ở Hà Nam liền gửi báo cáo lên Trung ương, thậm chí nêu ý kiến riêng về cách làm phản khoa học này nên đã “lãnh đủ”. Sau khi đọc báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Giao thông, Mao Trạch Đông đùng đùng nổi giận, coi Cao Dương là phần tử cơ hội hữu khuynh, bắt cả vợ con đi lưu đày ở tỉnh Quý Châu. Cuối tháng 7/1958, lực lượng lao động trong ngành gang thép là vài chục vạn người, cuối tháng 8 tăng lên vài triệu, cuối tháng 9 lên 50 triệu, đến cuối năm lên đến 90 triệu, cộng thêm lực lượng chi viện trực tiếp và gián tiếp, tổng số lao động đổ vào ngành gang thép lên đến trên 100 triệu người. Ngày 22/12/1958, Tân Hoa Xã công bố sản lượng năm 1958: 11,08 triệu tấn thép, 13,69 triệu tấn gang, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tăng gấp đôi sản lượng gang thép mà Mao Trạch Đông đề ra. Điều đáng nói là có tới 3,08 triệu tấn thép và 4,16 triệu tấn gang phế phẩm, hoàn toàn không thể gia công sử dụng. Giá thị trường một tấn gang lúc đó là 150 NDT, nhưng làm theo phương pháp thủ công giá thành lên tới 315 NDT và Nhà nước phải trợ giá tới 5 tỉ NDT. Thiệt hại kinh tế trong 3 năm Đại nhảy vọt là 120 tỉ NDT, tương đương khoản tiền định dùng cho 2 kế hoạch 5 năm của Trung Quốc khi đó. Giới chuyên gia nói rằng, Trung Quốc đã chi khoảng 2 tỉ NDT làm các lò luyện kim và đây được coi là “học phí” để nhân dân cả nước học được cách luyện thép - học một nghề thủ công trong khi đây là một ngành đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao.

Năm 1958, Mao Trạch Đông còn đề xướng thành lập các nhà ăn tập thể, coi đó là biện pháp có hiệu quả để các công xã nhân dân thực hiện tổ chức quân sự hóa, hành động chiến đấu hóa, sinh hoạt tập thể hóa, là vấn đề then chốt để bồi dưỡng tinh thần tập thể và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa cho nông dân và các nhà ăn tập thể ồ ạt ra đời. Tính đến cuối năm 1959, nông thôn cả nước đã lập được 3,91 triệu nhà ăn tập thể với hơn 400 triệu người tham gia, chiếm 72,6% số người trong các công xã, riêng tỉnh Hà Nam con số này lên tới 99%. Cơ sở để Mao Trạch Đông đưa ra chủ trương này là lương thực quá nhiều, không biết dùng vào việc gì nữa. Thậm chí Mao Trạch Đông còn tuyên bố, lương thực của Trung Quốc đủ dùng cho tất cả mọi người trên trái đất. Theo báo cáo của Đảng đoàn Bộ Nông nghiệp gửi Bộ Chính trị ngày 25/8/1958 viết: Tổng sản lượng lương thực cả năm 1958 đạt trên 400 triệu tấn, gấp hơn 2 lần năm 1957. Tháng 10/1958, tại Hội nghị hợp tác nông nghiệp các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc, Đàm Chấn Lâm nhấn mạnh con số 400 triệu tấn và khẳng định có khả năng đạt 500 triệu tấn. Lúc đầu nhà ăn tập thể quả có khẩu hiệu chung là “ăn thật no” và “không phải trả tiền”, nhiều nơi đề ra “ăn no, ăn ngon, ăn sạch”, “mỗi bữa 4 món thức ăn”, thậm chí có nơi tuyên bố: phấn đấu 90 bữa ăn/tháng, không bữa nào món ăn trùng lặp, ngang tiêu chuẩn bếp ăn của vua chúa Trung Quốc. Có nơi coi nhà ăn tập thể là khởi điểm để “tiến lên chủ nghĩa cộng sản trong vòng ba năm”.

Nhưng chẳng mấy chốc lương thực, thực phẩm cạn dần, từ thả sức ăn 3 bữa cơm/ngày chuyển sang ăn cháo, rồi cháo loãng, rau dại. Lãnh đạo địa phương không dám giải tán nhà ăn tập thể vì sợ làm sai chỉ thị của lãnh tụ vĩ đại, bị kết tội hữu khuynh, “đi con đường tư bản chủ nghĩa”. Nông dân không thể bỏ nhà ăn tập thể vì toàn bộ khẩu phần lương thực của họ do nhà ăn quản lý, đành mỗi ngày hai lần đến nhận khẩu phần cháo loãng. Huyện Tỉnh Nghiên (Tứ Xuyên) vào lúc thiếu lương thực nghiêm trọng nhất trong năm 1959, bình quân mỗi người một ngày được phân phối không đến 100 gam lương thực, cứ 8 người có một người chết đói. Nửa đầu năm 1959, đi thăm một số tỉnh, Nguyên soái Chu Đức không tán thành nhà ăn tập thể và có nói với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Đào Chú: Hai việc lớn nhất năm 1958 là ồ ạt làm gang thép và công xã hóa đã gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước và cá nhân. Ý kiến của Chu Đức được lưu truyền rất nhanh trong cả nước và hè năm 1959, Bí thư Tỉnh ủy An Huy Trương Khải Phong ra lệnh giải tán hơn 4.000 nhà ăn tập thể ở huyện Vô Vi. Sự kiện này khiến Mao Trạch Đông đùng đùng nổi giận và trong bút phê báo cáo về vụ này Chủ tịch viết: “Trương Khải Phong đứng trên lập trường giai cấp tư sản, mưu toan phá hoại nền chuyên chính vô sản, chia rẽ Đảng Cộng sản”. Tháng 2/1959, Mao Trạch Đông cử thư ký riêng kiêm Phó văn phòng Trung ương Điền Gia Anh dẫn một tổ công tác xuống Tứ Xuyên điều tra để báo cáo thực trạng nghe và thấy trong chuyến đi này.

Diệp Kiếm Anh

Từ mùa hè 1958, chính quyền và nông dân đã triển khai cuộc đại chiến giành giật lương thực bởi sức ép từ trên xuống nên các nơi đều phải khai tăng sản lượng lương thực lên gấp bội. Thế là khắp nơi diễn ra chiến dịch nông dân cất giấu lương thực dưới nhiều hình thức: chôn dưới hầm, dưới gốc cây, chân tường, vùi trong thức ăn gia súc, thậm chí chia thành gói nhỏ, cài trong tổ chim hoặc đặt dưới hố nước tiểu. Các đội công tác được cử xuống nông thôn truy bức nông dân giao nộp lương thực, phát động mọi người tố giác lẫn nhau, nhiều đội trưởng sản xuất đã bị bắt, bị tra tấn cực kỳ dã man, vì đã đứng về phía nông dân trong việc cất giấu lương thực. Đến mùa xuân năm 1959, 15 tỉnh như Sơn Đông, Giang Tô, Hà Nam, Hà Bắc, An Huy… đã xảy ra nạn đói, trên 25 triệu người không có lương thực. Đến giữa năm 1959, khắp Trung Quốc đầy rẫy người đói khát, tiếng oán hờn thấu tận trời xanh. Do thiếu lương thực, lao động quá sức, từ nửa cuối năm 1959, vùng nông thôn đã xuất hiện tình trạng phù thũng và chết đói, nhiều người bỏ nhà ra đi. Tỉnh ủy Hà Bắc báo cáo: Toàn tỉnh có 44 huyện, 235 công xã đã phát hiện gần 6 vạn người mắc bệnh phù thũng, trên 450 người đã chết. Nhưng Mao Trạch Đông vẫn tiếp tục tổ chức các nhà ăn tập thể khi phân phát báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu Chu Lâm: 80% số nhà ăn tập thể ở tỉnh là vững chắc, nhà ăn tập thể là trận địa xã hội chủ nghĩa phải giữ vững, để mất trận địa này, không thể củng cố công xã nhân dân, cũng không thể giữ vững Đại nhảy vọt. Mao Trạch Đông yêu cầu các nơi làm theo Quý Châu. Mao Trạch Đông hiểu rõ chủ nghĩa xã hội không tưởng của mình đã gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng và nếu thực sự cầu thị đánh giá “ba ngọn cờ hồng” (đường lối chung, đại nhảy vọt, công xã nhân dân) thì phải từ chức để tạ lỗi với toàn đảng, toàn dân. Không rõ con số cuối cùng về các nạn nhân là bao nhiêu, nhưng con số ước lượng của các chuyên gia và học giả là hơn 45 triệu người trong giai đoạn từ 1958 đến 1962.

Theo thống kê, số người chết đói ở Trung Quốc trong thời gian 1959-1962 chiếm tới 5,11% dân số cả nước. 6 tỉnh nặng nhất là An Huy (18,37%), Tứ Xuyên (13,07%), Quý Châu (10,23%), Hồ Nam (6,81%), Cam Túc (6,45%) và Hà Nam (6,12%). 6 tỉnh nhẹ nhất là Hà Bắc (1,1%), Giang Tây (1,06%), Thiểm Tây (1,02%), Cát Lâm (0,94%), Chiết Giang (0,55%) và Sơn Tây (0,37%). Sự chênh lệch này liên quan rất lớn tới tố chất của Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy - nơi nào càng bám sát “đường lối cách mạng” của Mao Chủ tịch thì tỉ lệ người chết đói càng nhiều. Số người chết đói trong Đại nhảy vọt không bởi thiên tai, mà do nhân họa. Cuối tháng 6/1959, dự trữ lương thực trong cả nước là 17 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu của thành thị trong một năm, nhưng Mao Chủ tịch lại quyết định xuất khẩu 4,19 triệu tấn để đổi lấy vàng và USD. Đại nhảy vọt đã khiến mất cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng, mất cân đối trong thu chi tài chính và mất cân đối nghiêm trọng giữa sức mua xã hội và khả năng cung cấp hàng hóa, mất cân đối giữa khả năng cung ứng lương thực hàng hóa và nhân khẩu thành thị tăng nhanh, đặc biệt là mất cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, trong đó công nghiệp gang thép phát triển dị hình: từ năm 1958 đến 1960, công nghiệp nặng tăng trưởng 330%, trong khi nông nghiệp giảm 22,8%.

Sau khi xảy ra sự kiện hàng loạt người chết đói, lãnh đạo các tỉnh lấy ổn định lòng dân làm chính, không nghe theo sự chỉ huy mù quáng của Trung ương nên lãnh đạo Trung ương quyết định triệu tập Hội nghị công tác Trung ương mở rộng, với sự tham gia của những người phụ trách chủ yếu các tỉnh ủy, thành ủy, khu ủy, huyện ủy, các nhà máy, hầm mỏ quan trọng và một số cán bộ lãnh đạo quân đội. Vì có hơn 7.000 người dự nên dư luận gọi là “Đại hội 7.000 người” với chủ đề là “chống chủ nghĩa phân tán”. Tại “Đại hội 7.000 người”, Mao Chủ tịch đã có bài phát biểu dài, nhấn mạnh tập trung thống nhất, khôi phục và tăng cường chế độ tập trung dân chủ, chống chủ nghĩa phân tán. Đồng thời nhấn mạnh: Đại nhảy vọt do toàn Đảng làm, nảy sinh một số vấn đề phải do toàn Đảng chịu trách nhiệm, chứ không đùn đẩy cho người khác. Có thể phục hồi đảng tịch và công tác cho những người bị quy sai là cơ hội hữu khuynh, song đối với những kẻ trùm cơ hội hữu khuynh, chẳng những không phục hồi, mà còn phải lập tổ chuyên án tiếp tục thẩm tra vấn đề “câu lạc bộ quân sự” và tư thông với nước ngoài.

Sau những tháng năm xã hội đại loạn, đấu tranh cướp quyền và chống cướp quyền, 29 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập chính quyền mới mang tên Ủy ban Cách mạng. Các bí thư tỉnh ủy và tỉnh trưởng hầu hết bị đánh đổ, thay vào đó phần lớn là chỉ huy quân đội tại địa phương và một số người cầm đầu các phái tạo phản. Ngoài việc đấu tố các nhân vật chính trị, quân sự, người ta còn lôi cả những văn nghệ sĩ chân chính ra đấu tố. Ngày 25/8/1966, sinh viên Trường Mỹ thuật Trung ương đã phá hủy và tháo gỡ các tác phẩm điêu khắc quý giá của các triều đại cổ xưa và các tác phẩm mỹ thuật của ngoại quốc. Hồng vệ binh đã bắt ông Tư Mã Thông, Viện trưởng Viện Âm nhạc Trung ương cũng là đệ nhất vĩ cầm của Trung Quốc vì bị buộc tội phản cách mạng.

Cách mạng văn hóa

Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 10 (họp từ 16 đến 21/7/1977) đã ra nghị quyết tước đảng tịch và mọi chức vụ trong và ngoài đảng của Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên. Ngày 17/3/1980, Ban Bí thư thảo luận vấn đề xét xử tập đoàn Lâm Bưu và tập đoàn Giang Thanh, xác định 16 tội phạm chủ yếu, trong đó 6 người đã chết (Lâm Bưu, Khang Sinh, Tạ Phú Trị, Diệp Quần, Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì) chỉ khởi tố, không xét xử. Mười tội phạm chủ yếu đưa ra xét xử là Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác và Giang Đằng Giao. Lời khai của Giang Thanh tại phiên thẩm vấn sáng 3/12/1980 khiến mọi người sửng sốt: Tôi là con chó của Chủ tịch, Chủ tịch bảo cắn ai, tôi cắn người đó. Mặc dù kết thúc từ cuối năm 1976, nhưng phải sau một thời gian tiến hành chính sách “cải cách và cởi mở”, đến năm 1981, Trung Quốc mới chính thức công nhận: “Cách mạng văn hóa” không phải và không thể là một cuộc cách mạng hoặc tiến bộ xã hội theo bất cứ ý nghĩa nào. Ngày 12/8/1966, Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 8 kết thúc ở Bắc Kinh sau khi thông qua quyết định về “Cách mạng văn hóa”. 46 năm sau (12/8/2012), thập kỷ (1966-1976) đầy biến động của “Cách mạng văn hóa” vẫn tiếp tục được đánh giá ở Trung Quốc cũng như trên thế giới theo nhiều cách khác nhau.

Theo Giám đốc Trung tâm Đông phương học tại Học viện Ngoại giao Nga Andrey Volodin, Trung Quốc hoạt động theo lợi ích riêng của mình, thế giới bên ngoài chỉ để tham khảo. Ông Andrey Karneev, Phó giám đốc Viện Á - Phi thuộc Trường đại học Tổng hợp Moskva khẳng định, giới thượng lưu Trung Quốc vẫn chưa thôi sợ hãi thời “perestroika” của Tổng thống đầu tiên và cuối cùng Liên Xô Mikhail Gorbachev bởi đã dẫn tới sụp đổ của Liên Xô sau đó - không muốn bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào. Ông Andrey Karneev cũng nhận xét: Trung Quốc từng đánh giá “Cách mạng văn hóa” là thảm họa lớn nhất, là chế độ độc tài phát xít quân sự và đã đẩy ý thức hệ đến mức vô lý. Tuy nhiên “Cách mạng văn hóa” đã tạo thuận lợi cho cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình bởi cả giới lãnh đạo và quần chúng nhân dân đều từng trải qua sự hỗn loạn vô lý của những đàn áp và thanh trừng nên họ sẵn sàng chấp nhận các ý tưởng cải cách. Giới bình luận cho rằng, Trung Quốc nói về cải cách chính trị không phải do lo sợ từ “cách mạng hoa nhài” theo kiểu Arab và cũng không phải do áp lực từ phương Tây. Nhận định này xuất hiện sau tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo: Trung Quốc cần cải cách chính trị, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ lặp lại thảm kịch thời “Cách mạng văn hóa”. Giới truyền thông cho rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế: Trong nước đã và đang hình thành một thế hệ trẻ có thu nhập tương đối cao, sử dụng Internet, giỏi tiếng Anh, quan tâm đến báo chí nước ngoài, do đó Trung Quốc cần mềm dẻo hơn trước.

Dư luận từng quan tâm tới một Đại nhảy vọt khác của Trung Quốc. Trung Quốc đã thay Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ (năm 2008) và đã trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới về số người có bằng tiến sĩ cho dù chương trình đào tạo sau đại học mới bắt đầu trở lại từ cuối năm 1978. Tuy nhiên, chương trình tiến sĩ của Trung Quốc khiến nhiều người hoài nghi vì cho rằng, tham nhũng trong hệ thống giáo dục đã tạo nên những “thỏa hiệp, dàn xếp”. Theo thống kê của Giám đốc Ủy ban Học hàm thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, chương trình tiến sĩ đầu tiên của Trung Quốc (năm 1978) chỉ có 18 nghiên cứu sinh và đến năm 1982, số người được trao bằng tiến sĩ đầu tiên mới ở con số 6/18 người kể trên. Nhưng chương trình đào tạo sau đại học đã gia tăng nhanh chóng sau năm 1999do chính sách “công nghiệp hóa” đại học của chính phủ bởi Bắc Kinh cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh cao hơn sẽ tạo ra một thế hệ dân thành thị có giáo dục hơn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Được biết, tỉ lệ tuyển sinh cho các chương trình tiến sĩ hàng năm tăng 23,4% (kể từ 1982) và tới cuối năm 2007, Trung Quốc đã cấp bằng tiến sĩ cho 240.000 người. Điều đáng nói là số lượng giáo sư đủ trình độ cần thiết để giám sát, hướng dẫn chương trình tiến sĩ kể trên lại không đáp ứng yêu cầu đặt ra, khiến người ta quan ngại về chất lượng của những tiến sĩ này. Nhu cầu bằng tiến sĩ phát triển khi Bắc Kinh đưa ra quyết định bổ nhiệm dựa trên nền tảng giáo dục của số ứng cử viên và việc này khiến nhiều quan chức mua bằng. Có cung ắt có cầu - nhiều trường đại học, kể cả một số trường nước ngoài đã thành lập văn phòng tuyển sinh ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và nhiều quan chức có thể sớm nhận bằng tiến sĩ ngay tại nhà mà không cần thi cử. Giáo sư Thái Tề Minh ở Đại học Thanh Hoa cho rằng, hầu hết bằng cấp mà các quan chức có được đều đáng nghi. Việc nhiều quan chức sở hữu những tấm bằng tiến sĩ không minh bạch không chỉ lãng phí nguồn tài nguyên giáo dục, mà còn tạo ra một cuộc khủng hoảng lòng tin trong hệ thống giáo dục.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

(Năng lượng Mới số 145, ra thứ Sáu ngày 10/8/2012)