Màn “twist” bất ngờ trong phim “Người tình”

06:28 | 06/03/2022

620 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Xuyên suốt 2/3 bộ phim “Người tình” (Đạo diễn Lưu Huỳnh) mới được công chiếu đầu năm 2022 là câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật Hưng, Sơn, Hoàng và Diễm Tình. Hưng và Sơn là hai người bạn thân và họ đều có chung niềm đam mê với nghệ thuật, tới một ngày Hưng gặp người con gái tên Diễm Tình trong buổi triển lãm tranh của mình, họ đem lòng yêu nhau và tiến đến hôn nhân. Nhưng, cuộc hôn nhân chỉ tốt đẹp trong một thời gian ngắn ngủi thì mọi chuyện bắt đầu ập đến, phá vỡ tình cảm của đôi vợ chồng Hưng và Diễm Tình.
Màn “twist” bất ngờ trong phim “Người tình”
Đạo diễn và dàn diễn viên phim Người tình

Về màu sắc của “Người tình”, bản thân tôi thấy đạo diễn đã sử dụng nó rất tốt. Màu của phim tươi sáng, nhưng cũng vừa đủ để lột tả được cái vẻ cổ xưa của những năm cuối 90. Phần nội dung cũng vậy, nếu nội dung bộ phim chỉ đơn giản xoay quanh câu chuyện tình cảm của các nhân vật thì tôi cũng không có gì để nói, nhưng bên cạnh đó phim còn nói về giới tính thứ ba, lên tiếng cho việc kì thị, tàn nhẫn rũ bỏ một phận người chỉ vì người đó khác biệt với số đông, và cũng là cho mọi người có cái nhìn và hiểu sâu hơn về cảm nghĩ của những người mang giới tính thứ ba.

Nhưng về cảnh quay và cách diễn đạt, thể hiện nội dung của phim, cá nhân tôi chưa thể đánh giá cao cho phần này. Nhìn chung về nội dung của bộ phim không quá khó để hiểu, và đó cũng là một nội dung rất hay, nhưng vì cách diễn đạt, thể hiện nội dung trên bộ phim chưa tới, đã làm cái hay giảm xuống còn một nửa.

Màn “twist” bất ngờ trong phim “Người tình”
Một cảnh trong phim Người tình

Thứ nhất là về cách diễn, thể hiện cảm xúc của nhân vật. Ở phân cảnh Hưng phát hiện những bức ảnh chụp Diễm Tình đang ngủ bên cạnh người đàn ông khác, Hưng thể hiện sự bực tức bằng cách lớn tiếng với cô, cụ thể hơn là la hét và chửi bới. Nhưng có vẻ, nhân vật Hưng đã sử dụng tiếng hét quá nhiều để thể hiện sự bức bối, cáu giận của mình. Ý tôi muốn nói ở đây, rằng cách thể hiện cảm xúc của nhân vật trong bộ phim khá đơn giản, đó chỉ là tiếng hét “rỗng”, nó đơn thuần chỉ là tiếng hét dùng để lấn át đi mọi thứ, nó không mang đến được dòng cảm xúc của nhân vật ở trong tình cảnh ấy. Và điều đó đem lại cho tôi cảm giác khó chịu và sốt ruột khi cả cuộc đối thoại giữa hai nhân vật trong tình huống căng thẳng chỉ toàn là những tiếng la hét.

Thứ hai là về cách thể hiện nội dung của bộ phim. May mắn rằng nội dung của bộ phim khá dễ hiểu, tưởng tượng nếu đây là một bộ phim “hack não” tôi nghĩ tôi sẽ khó để có thể hiểu và nắm bắt được mạch phim. Các cảnh quay của bộ phim luôn bị cắt một cách rất “không có duyên”, điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới mạch cảm xúc từ bộ phim truyền tới khán giả. Bộ phim có 10 cảnh, thì phải có 6 tới 7 cảnh bị cắt như vậy, và tôi thấy đây là vấn đề không chỉ riêng ở “Người tình” mắc phải, mà còn có nhiều bộ phim chiếu rạp ở Việt Nam mắc lỗi cắt cảnh cụt lủn như thế. Để thể hiện cả một câu chuyện dài chỉ trong khoảng thời gian 1 đến 2 tiếng, đó là điều không hề dễ dàng, nhưng cũng không phải quá khó đối với một người đạo diễn chuyên nghiệp. Vấn đề là ở chỗ, bộ phim đã bị nhồi nhét các chi tiết thừa thãi, không quá quan trọng và bỏ quên mất nội dung chính của bộ phim, mà đó mới là thứ cần được khai thác, tập trung nhiều nhất. Tới những cảnh quan trọng, cao trào hay cảm xúc, mọi thứ đều chỉ thể hiện được một nửa của nó do không có đủ thời gian. Tôi đã trải qua sự “hụt hẫng” 2, 3 lần gì đó khi xem phim, kiểu như dòng cảm xúc của tôi đang dần chạm đến tuyến nước mắt để hất đổ nó trào ra hốc mắt tôi, thì cảnh phim cắt phụt một cái, cắt luôn cả dòng cảm xúc của tôi.

Cuối cùng là về cách diễn, cách diễn của hai diễn viên đảm nhận vai Hưng và Diễm Tình khá đơ, cách thể hiện cảm xúc ở mức cơ bản, đơn giản, giọng nói cũng khá cứng, không để lại chút ấn tượng tốt nào cho tôi.

Điểm cộng duy nhất gỡ lại bao điểm trừ của bộ phim chính là nhân vật Sơn ở khúc cuối phim và màn “twist” không ai ngờ tới. Anh thành công xuất sắc trong việc đưa cảm xúc của nhân vật chạm tới trái tim khán giả, có những cảnh mà tôi tưởng rằng đó không phải là diễn, mà anh chính là nhân vật Sơn trong câu chuyện. Từ đau khổ, chịu sự ruồng bỏ từ gia đình tới nhục nhã từ xã hội, cho tới sự tự tin và hạnh phúc khi được là chính bản thân, được thể hiện con người thật của anh trước tất cả mọi người. Mọi thứ đều được thể hiện một cách hoàn hảo.

Có lẽ tôi sẽ chấm cho bộ phim này 6/10 điểm. Tôi mong rằng sau này, sớm thôi, nền điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, có thể nhìn ra những cái sai, cái thiếu để thay đổi, đưa nền điện ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới.

Jy Khanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps