"Ma trận" hòm công đức nơi chùa chiền

11:16 | 15/02/2019

770 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Buôn thần bán thánh” là câu chuyện nói mãi và không biết bao giờ dứt, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Chỉ cần đến đình đền, chùa chiền, miếu mạo sau giao thừa trở đi có thể thấy rõ biểu hiện này là những khay, đĩa đựng tiền, hòm công đức bày nhan nhản làm cho chốn linh thiêng như trở thành nơi… thu tiền.

Trong cơn mưa lây phây của tiết xuân Kỷ Hợi, Bia Bà, nơi quần tụ cả đình (La Khê), chùa (Diên Khánh), đền (Đức Thánh Bà) và được xem là chốn linh thiêng ở Hà Nội, thu hút hàng nghìn du khách thập phương đổ về cầu cúng mỗi khi tết đến xuân về, đông nghẹt người. Người này lễ vào đầu, lưng người kia là chuyện… thường ở đây. Một bà vãi với bộ quần áo nâu sồng cho hay, từ ngày mùng 1 Tết, Bia Bà đã chật cứng người đến lễ như vậy.

ma tran hom cong duc noi chua chien

Người ta có câu “Cầu duyên thì đến chùa Hà, cầu tài, cầu lộc thì đi Bia Bà”, không biết có phải vì đúc rút này mà thời nay, thời của vật chất, người dân đến đây rất đông. Và cũng không hiểu có phải vì nắm rõ “thời thế” mà tại Bia Bà, các hòm công đức nhiều quá… mức cho phép, thậm chí tận dụng cả khay đĩa để đựng tiền. Tại đền Đức Thánh Bà (thờ Bà Trần Thị Hiền, người làng La Khê, là con gái đại thần triều Lê - Quận công Trần Trân), chính đền có ban thờ của Bà nối dài bằng dãy bàn kê dọc hết chiều dài đền để bày lễ. Trên dãy bàn ấy, ngoài các khay dâng lễ của khách thập phương còn có những đĩa nhựa, đường kính khoảng 40cm mà ai cũng hiểu là để đựng tiền. Cứ chốc chốc, những bà vãi ở đền lại thu tiền trên đó cho vào một cái túi. Chúng như thể là những chiếc đĩa “Thạch Sanh” hết lại… đầy tiền của người đến lễ.

Trong khi đó, hai bên ban thờ Đức Thánh Bà còn có hai hòm công đức bày đối xứng. Một bà vãi ở đây nói, nếu không thích đặt tiền lên đĩa thì cho vào hòm công đức.

Cứ nghĩ chỉ chính điện thờ Đức Thánh Bà mới có quá nhiều chỗ đặt tiền nhưng cả tả điện và hữu điện thờ Đệ nhị Cung phi Triều Mạc Thái Tông, nhà đền cũng bố trí hòm công đức và các đĩa đặt tiền. Như vậy, không kể số đĩa đựng tiền trên ban thờ thì nơi thờ Đức Thánh Bà có tất cả 6 hòm công đức.

Tuy nhiên, vì cách sắp đặt như vậy, do không biết, nhiều người đã lễ và đặt tiền ở ban thờ chính, sau đó lại sang ban thờ hai bên chính đền để lễ và lại đặt tiền tiếp. Không một ai hay có bảng hướng dẫn nào cho việc này nên có cảm giác như những người quản lý ở đây muốn lợi dụng việc “tranh tối tranh sáng” như vậy để tận thu.

Tương tự đền Đức Thánh Bà, chùa Diên Khánh hay đình La Khê trong cụm di tích tâm linh này cũng có “ma trận” hòm công đức, đĩa đựng tiền lễ như vậy.

ma tran hom cong duc noi chua chien
Chỉ thị số 16/CT của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: “Mỗi di tích chỉ nên đặt 1 hoặc tối đa 3 hòm công đức”

Chùa Cái Bầu (Vân Đồn, Quảng Ninh), nơi nức tiếng linh thiêng bên cạnh địa thế đẹp mà ít chùa nào ở miền Bắc có được - tựa núi nhìn ra biển lớn cũng cùng tình trạng.

Chùa Cái Bầu là ngôi chùa mới được xây dựng từ năm 2007. Chùa nổi tiếng linh thiêng bởi được xây trên nền ngôi Phúc Lân Tự - thờ các tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông từ thế kỷ XIII và nằm cùng trên một trục đường có hai ngôi đền lớn nổi tiếng thiêng liêng là Cửa Ông và Cô Bé Cửa Suốt. Chùa nhìn thẳng ra vịnh Bái Tử Long và mang hơi hướng của một ngôi chùa hiện đại với kiến trúc và cảnh quan tuyệt đẹp. Nhưng cũng giống như nhiều đền chùa khác, ở đây vẫn có nhiều hòm công đức và chỗ đặt tiền.

Đền Cô Bé Cửa Suốt hay đền Cửa Ông ở Quảng Ninh cũng vậy. Ngoài hòm công đức còn có đĩa, khay bằng mây bày nhan nhản khắp nơi để đựng tiền. Thực sự khi nhìn thấy hòm công đức, khay đựng tiền nhiều như vậy ở nơi thâm nghiêm, người đi lễ thường khó xử vì không đặt tiền hết vào các khay, đĩa thì áy náy, mà đặt thì quá nhiều, đến mức như cảm thấy mình đang làm việc “buôn thần bán thánh” chứ không phải “tùy tiền biện lễ” một cách thành tâm theo thuyết giáo của nhà Phật.

Còn có chuyện nhộn nhạo thế này, ngay trước ban thờ cúng chung thiên (cúng ngoài trời) ở đền Cửa Ông, một người đi lễ ngang nhiên đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ bằng cách cứ nhặt và đếm hết số tiền lễ trên khay nhựa ở ban thờ cho vào túi rồi lấy tiền chẵn, mệnh giá lớn hơn đặt thế vào. Nếu chuyện này diễn ra với người trần tục thì chẳng có gì đáng nói, nhưng lại xảy ra trực tiếp… với thần thánh nơi thờ tự tôn nghiêm. Và chỉ đến khi có người bức xúc lớn tiếng cho rằng không được làm vậy thì người này mới thôi đổi tiền với… thần thánh.

Thực ra chuyện đặt hòm công đức hay đĩa đựng tiền tại chùa, đình, đền chẳng có gì lạ và cũng chẳng có gì là xấu nếu mỗi nơi chỉ đặt 1 hoặc tối đa là 3 hòm công đức (cho 3 ban thờ chính) như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quy định để có chỗ cho những người đến lễ thành tâm dâng chút tiền giọt dầu, nén nhang. Nhưng vì đặt quá nhiều nên đã tạo ra một sự phản cảm cho người đến cúng lễ, mất đi sự tôn nghiêm nơi chốn linh thiêng.

GS Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho rằng, trong văn hóa tín ngưỡng, thần thánh không xấu mà chỉ có những người “buôn thần bán thánh” mới làm xấu, làm ô uế thần thánh và cả nếp sinh hoạt tín ngưỡng có từ bao đời nay.

Để giải quyết vấn đề này, ngành văn hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương đặt ra nhiều giải pháp nhưng dường như đâu vẫn vào đấy, năm nào cũng nói và chẳng có năm nào thay đổi. Hòm công đức trở thành câu chuyện “biết rồi! khổ lắm, nói mãi” và chưa có cách giải quyết.

Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia Tống Trung Tín từng nói, với số lượng thanh tra viên ngành văn hóa mỏng như hiện nay thì việc thanh tra các di tích, trong đó có hòm công đức được đặt tại những nơi này không đủ. Chưa kể đến, đối với những di tích giả sử đặt quá nhiều hòm công đức hay khay đựng tiền phải xử phạt thì số tiền phạt chỉ ở mức 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng với hành vi làm hoen bẩn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, chẳng thấm tháp gì so với số tiền thu được từ một hòm công đức trong mùa lễ hội.

Với thực tế công tác thanh tra như vậy, nên câu chuyện về hòm công đức, một phần nhỏ trong muôn vàn vấn đề của sinh hoạt tín ngưỡng cần giải quyết có lẽ chưa được quản lý tốt. Và cũng chẳng ai dám khẳng định, “vấn nạn” về hòm công đức bủa vây, “bày binh bố trận” trong những đình, đền… bao giờ sẽ được giải quyết dứt điểm.

Bởi vậy, cách giải quyết hợp lý nhất hiện nay chỉ có thể là trông chờ vào ý thức của các tăng ni, phật tử, du khách bốn phương về cách “tùy tiền biện lễ”, thành tâm, để không làm hoen ố nơi chùa chiền thờ thần phật.

TS Minh Ngọc, Viện Nghiên Cứu tôn giáo: “Việc giảm hòm công đức cũng khiến người dân đi lễ thấy thoải mái hơn. Nó cũng tránh cho họ suy tư không cần thiết khi đặt tiền vào ban này mà lại không đặt lễ ở ban kia”.

Nguyễn Anh

ma tran hom cong duc noi chua chien

Tiền công đức đi đâu?
ma tran hom cong duc noi chua chien

Tiền lễ vẫn đặt nhầm chỗ
ma tran hom cong duc noi chua chien

Không đặt quá nhiều hòm công đức ở nơi thờ cúng, tâm linh