Luala Concert: Những thể nghiệm táo bạo và mới mẻ

07:00 | 05/05/2013

851 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sự “kết duyên” lạ lùng giữa Jazz với cải lương, Piano với ca trù, nhạc điện tử với nhạc cổ truyền... là những nét táo bạo của chương trình hòa nhạc đường phố Luala Concert xuân - hè 2013.

Dám thể nghiệm

Ra mắt khán giả thủ đô vào tháng 11.2011, trải qua 4 mùa trình diễn phục vụ khán giả, chương trình hòa nhạc đường phố Luala concert đã trở thành một sự kiện âm nhạc được đông đảo công chúng mến mộ.

Mỗi năm 2 mùa, nếu như Thu - Đông dành cho nhạc cổ điển thì Xuân - Hè là sân chơi dành cho sự thể nghiệm. Và đúng như hoạch định, mùa Xuân - Hè 2013, LuaLa đã có những thể nghiệm táo bạo, thể hiện bước chuyển mình đáng ghi nhận của một chương trình nghệ thuật “đường phố” dân dã và mộc mạc.

Không thể phủ nhận một thực tế, nhạc cổ điển kén khán giả và dường như vẫn còn là “món lạ”, đối với khán giả Việt. Đa phần dòng nhạc này chỉ xuất hiện trên những sân khấu lớn, phục vụ một số ít đối tượng khán giả nhất định. Để “tiêu hóa” được thể loại âm nhạc này cũng không hề đơn giản, đòi hỏi một quá trình thẩm thấu lâu dài. Vì thế mà để đưa âm nhạc hàn lâm ra khỏi chiếc “lồng kính” vô hình đến gần với công chúng đã là một sự thử thách thách lớn.

Nhóm "Làng tôi" đem đến những ca khúc đầy ngẫu hứng mang âm hưởng làng quê dân dã

Cùng với đó, mỗi mùa là một sự “dấn thân” thể nghiệm mới của Luala. Nếu như những mùa trước là những bước đi chập chững, thuần âm nhạc giao hưởng đến với khán giả. Thì mùa Xuân - Hè, Luala đem cả nhạc truyền thống “xuống phố”. 

Sự mạo hiểm này ngay từ khi “phôi thai” ý tưởng, cũng gặp không ít mối hoài nghi rằng: Những thử nghiệm này sẽ làm mất đi cái thuần túy bấy lâu của âm nhạc truyền thống. Nhưng quả thực, trải qua 4 buổi biểu diễn, với những phong cách âm nhạc khác nhau, đã tạo được sự hứng khởi đối với công chúng.

Khoan chưa nói đến hiệu quả lâu dài, nhưng rõ ràng thử nghiệm của Luala đã tạo được hiệu ứng. Trên thực tế rằng, âm nhạc truyền thống đang dần xa rời công chúng, thậm chí là sự quay lưng của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến những tuồng, chèo, cải lương, chầu văn... Một trong những lý do rằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, giới trẻ dễ dàng tiếp cận với những luồng âm nhạc giải trí phát triển trên thế giới. Việc thẩm thấu âm hưởng í a với những kèn, những chát, những tom...với nhịp điệu chậm rãi không tạo được sức cuốn hút. Hơn nữa, nếu khán giả thực sự hứng thú thì cũng khó tiếp cận với những loại hình dân tộc này, bởi đa phần nằm trong... nhà hát.

Việc làm sao để đưa nhạc dân tộc đến gần với công chúng? Đã là câu hỏi đau đáu của các nghệ nhân. Luala cũng xuất phát từ ý tưởng đó, và việc “kết duyên” giữa âm nhạc bác học với âm nhạc dân tộc để cùng “xuống phố” quả là một bước thử nghiệm đáng ghi nhận.

Đem tinh túy của nhạc truyền thống “xuống phố”

Tham vọng không chỉ đem đến cho khán giả Việt thưởng thức thứ âm nhạc bác học, mà còn kéo âm nhạc truyền thống đến gần với chính công chúng của mình, các nghệ sỹ của Luala đã có những nỗ lực lớn.

Còn nhớ, ngay từ những ngày đầu thai nghén chương trình, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, cố vấn chuyên môn của Luala Concert bày tỏ mơ mộng: “Hy vọng chỉ cần vài giây thôi, thứ âm nhạc thiêng liêng kia lọt được vào tai người đi đường, để rồi sau đó có thể mở ra một sự bừng thức nào đó”. Cả âm nhạc bác học Phương Tây và âm nhạc truyền thống Việt Nam đều là những thanh âm thiêng liêng cần gìn giữ và bảo tồn. Hành động bảo tồn thiết thực nhất là nó được “sống” và được đón nhận.

Luala concert Xuân - Hè đã đi gần hết chặng đường, nếu ai đã từng xem những buổi biểu diễn vừa qua sẽ không thể phủ nhận thành quả của những cuộc “hôn phối” đặc biệt này. Khi Jazz được kết hợp với chầu văn và cải lương, âm nhạc điện tử kết hợp với nhạc cổ truyền... và cả những ca khúc du ca thanh thoát của Lê Cát Trọng Lý, hay những phút trình diễn ngẫu hứng các bản nhạc đậm chất dân tộc của nhóm “Làng tôi” sẽ cảm nhận cái “đẹp” trong âm nhạc.

NSND Xuân Hoạch biểu diễn ca trù trên sân khấu Luala

Kết hợp nhạc Phương Tây vào nhạc dân tộc, nhưng các nghệ sỹ vẫn chủ trương giữ đúng hồn cốt ở giai điệu, tiết tấu của nhạc cổ truyền. Đúng như nghệ sỹ Nguyễn Nhất Lý chia sẻ: "Tham vọng của Luala là muốn tạo một sân chơi cho sự phát triển của không chỉ nhạc giao hưởng mà còn có âm nhạc truyền thống, nhằm góp phần bảo tồn "kho báu" nhạc truyền thống của dân tộc. Khán giả mà Luala concert hướng tới thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, có cả du khách nước ngoài nên chúng tôi có cải biên để giới thiệu cho họ sự tinh túy của nhạc truyền thống.

Hơn nữa, sự cải biên này là điều cần có để âm nhạc truyền thống đến gần với thời đại hôm nay. Vượt ra khỏi những ranh giới của học thuật, âm nhạc phương Tây không còn quá xa lạ, còn nhạc truyền thống thì lại nâng lên ở sự hài hòa, du dương cần có để đi vào lòng người nghe.

Cái hay của Luala là ở chỗ, biết xóa nhòa ranh giới về điều kiện sân khấu, âm thanh, ánh sáng... Thay thế những ánh đèn xa hoa nơi sân khấu lớn bằng sân khấu quần chúng mộc mạc mà gần gũi. Làm được điều đó, tự thân Luala đã tỏa sáng. Sự kết hợp giữa ba đối cực, âm nhạc hàn lâm, âm nhạc truyền thống và “sân khấu" đường phố, tưởng chừng như đối kháng nhưng lại tạo được hiệu ứng bất ngờ.

Không thể thành công một sớm một chiều, nhưng những cố gắng của Luala với tham vọng đưa âm nhạc hàn lâm và nhạc truyền thống đến gần với công chúng, đặc biệt là giới trẻ cũng đủ để những người quan tâm đến sự phát triển của xu hướng âm nhạc Việt kỳ vọng.

Huyền Anh