Nhà văn Chu Lai:

"Lòng yêu nước không là độc quyền cho thế hệ nào…"

09:37 | 10/09/2012

1,698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngang tàng, khẩu khí, hình dáng bụi bặm, thấy người là thấy tiếng, thấy tiếng là thấy những ý tưởng vui hay buồn, bỡn cợt hay nghiêm túc đều rất máu lửa trong ngữ âm sang sảng của nguyên một diễn viên kịch. Giới thiệu về ông, chỉ gọn lỏn nhà văn Chu Lai là đủ, không cần bổ sung thêm những danh, tính từ dài dòng.

Là con trai nhà văn hóa Học Phi, một lão thành cách mạng đang chuẩn bị kỷ niệm thượng thọ tuổi tròn thế kỷ, một nhà viết kịch được Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay đợt đầu tiên, nhà văn Chu Lai luôn hãnh diện vì được thừa hưởng cái gien của ông cụ: dồi dào sức khỏe, dồi dào máu nghệ sĩ, dồi dào cả đam mê sống, đam mê yêu và đam mê viết.

PV: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có chỉ thị về việc tổ chức mừng thọ 100 tuổi nhà văn, nhà viết kịch Học Phi. Cụ Học Phi 25, 26 tuổi đã làm Chủ tịch tỉnh lâm thời, nhưng rồi bỏ hết để đi làm nghệ sĩ. Vậy nên, ông con Chu Lai cũng chỉ viết và rong chơi, sống một cuộc đời không mơ màng chuyện quyền lực?

NV Chu Lai: Tôi đúng là không có khái niệm quyền lực trong văn học nghệ thuật. Trước tới nay, người ta đã bày ra cho tôi khá nhiều cơ hội thú vị, nhưng tôi luôn chểnh mảng. Khi còn đeo hàm Thiếu tá, lâu lắm rồi, hình như đã có một gợi ý mời tôi về Cục Biểu diễn Sân khấu thay ông nào đó, bộ đội lúc ấy đang có giá mà. Cán bộ tổ chức đến làm việc, tôi cứ cười khì khì chẳng xáp vô gì cả. Có lần ông Cao Tiến Lê lại đặt vấn đề hay là tôi sang Nhà xuất bản Thanh Niên, vị giám đốc ở đó sắp nghỉ hưu? Tôi cũng lơ mơ, không xoắn xuýt. Rồi nhà thơ Bằng Việt và ông Nguyễn Anh Biên bên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội gợi ý tôi về nắm cái chức Tổng biên tập báo Người Hà Nội. Tôi đưa ra các điều kiện cực khó biết là họ sẽ lắc đầu: Phải thay máu hết. Một tờ báo của thủ đô phải có trang thiết bị, cơ sở vật chất, phải có văn phòng xe cộ, tóm lại phải được đầu tư thật oách. Tất nhiên họ không chấp nhận, tôi lại cười khì khì, thoát.

PV: Mọi chuyện có thể tốt hơn khi những người đủ tâm đủ tài, đủ tầm đủ uy tín không nên đây đẩy chối từ làm lãnh đạo, dành chỗ cho những người chưa hẳn đã đàng hoàng tử tế như mình?

NV Chu Lai: Tôi luôn biết dừng lại ở trước những cám dỗ không có thật. Tôi tự biết mình máu lính chiến không làm quản lý được. Nếu không, sau khi tốt nghiệp Trường Nguyễn Du, nếu ông bạn học vốn tri kỷ là trưởng ban thơ thì tôi cũng có cái chân trưởng ban văn. Nhưng tôi tính cách không ổn, thói quen lính chiến ngang tàng, lồng bồng lắm! Hồi đó tôi nói với Hữu Thỉnh: Mình với Thỉnh luôn là cặp bài trùng kể từ khi Tổng cục Chính trị lôi mấy thằng về, một thằng thiết giáp, một thằng đặc công. Thỉnh cứ là Trại trưởng, mình là Trại phó. Thỉnh là Bí thư, mình là lớp trưởng… Tốt nghiệp hai chúng tôi trở thành hai cây bút chuyên nghiệp bắt tay đi theo hai con đường khác nhau. Hữu Thỉnh đi theo con đường quan lộ vì có tố chất của người làm quan chắt chiu vun đắp. Chu Lai đi theo con đường lãng du. Cuối con đường chưa ai biết thằng nào hạnh phúc hơn thằng nào.

PV: Đúng là gieo tính cách gặt số phận, sướng hay khổ, hạnh phúc hay bất hạnh đúng là tự do mình định đoạt. Là lính đặc công chính hiệu, tự mình nếm trải sự khốc liệt tột cùng của chiến tranh, nhưng ngay trong những ngày tháng vô cùng gian khó, mong manh giữa sự sống và cái chết đó, ông vẫn viết văn. Văn chương giúp người lính là ông quên đi thực tại?

NV Chu Lai: Tôi viết văn trong những lúc nằm đợi quân bổ sung, thê lương buồn thảm giữa những cánh rừng già. Tôi về vùng ven nắng gió chan hòa, gần dân nghe được tiếng dân, nghe tiếng trẻ con khóc, tiếng chó sủa rất thanh bình. Ở vùng ven đời sống khấm khá hơn, nhưng độ khốc liệt cũng tăng lên gấp bội. Trong thế cài răng lược, trung bình 6 tháng một lần lại nướng hết quân. Lính chết, tôi - đại đội trưởng đi ngược lên rừng già chờ 2 ngày lấy quân ở Bắc mới vào. Những ngày nằm chờ trong cánh rừng hiu hắt vắng lặng, chỉ tiếng vượn hót chim kêu buồn đến nhũn người. Lúc đấy biết làm gì nữa ngoài viết văn.

PV: Ra khỏi cuộc chiến dẫu đã hơn 30 năm, những người lính như ông vẫn chưa một giây phút nào nguôi quên quá khứ. Hoài niệm chiến tranh ám ảnh day dứt hơn trong các cựu binh, một phần do hiện thực cuộc sống hôm nay không còn lãng mạn như điều các ông thường mơ tưởng khi xung trận?

NV Chu Lai: Thì thế. Nếu biết rằng, hậu chiến ngổn ngang bừa bộn lắm cái nhức đầu nhức óc như thế này, người lính chắc vẫn không rời tay súng thôi, lòng tự trọng mà nhưng sức chiến đấu và tầm hào sảng, lãng mạn có thể sẽ giảm xuống. Chúng tôi đã chiến đấu như thiên thần, đồng đội tôi ngã xuống như những hiệp sĩ tử vì đạo. Bởi, người lính ngã xuống cho những điều tốt đẹp mai sau, cho gia đình họ, người thân của họ, quê hương bản quán của họ và cả lý tưởng họ ôm ấp trong lòng.

PV: Được biết ông đang thai nghén một tác phẩm về những ngày đêm bi tráng ở Thành cổ Quảng Trị. Giả dụ, nếu những người lính đã ngã xuống ở vùng đất thiêng, những chàng trai tuổi 20 tài hoa nhất mực đó đứng dậy, nhìn cuộc sống hôm nay, họ sẽ nghĩ gì nhỉ?

NV Chu Lai: Cách nghĩ này, cách nói này là tư duy của người hiện tại. Thế hệ đó không nghĩ xa như thế. Những người lính, hầu hết là sinh viên, học sinh lãng mạn đi vào Thành cổ, họ biết sẽ hy sinh, họ chấp nhận hy sinh cho những điều cao đẹp, chứ không phải để chúng ta bây giờ tô vẽ suy diễn này nọ.

PV: Tuổi trẻ bao giờ cũng lãng mạn, lãng mạn cả trong chuyện dấn thân, nhận về mình những mất mát, thậm chí hy sinh?

NV Chu Lai: Đúng vậy, đất nước mình, thời nào cũng thế. Tôi vừa ra Trường Sa, gặp những người lính trẻ, những chàng trai cao lớn vững chãi, đẹp đẽ. Họ đã hướng dẫn cho tôi lắng nghe tiếng đập của trái tim họ, những tiếng đập từ trong lòng đất giữa bốn bề sóng nước Thái Bình Dương, những tiếng đập kiêu hùng, mạnh mẽ và sẵn sàng xả thân.

Nhà văn Chu Lai sinh năm 1946, là người con thứ 9 trong một gia  đình có 10 anh em trai. Cha ông là nhà văn, nhà viết kịch lão thành Học Phi, học giả đã dành cả cuộc đời chữ nghĩa của mình chỉ để viết về một chủ đề: Người Cộng sản. Nhà văn Chu Lai từng chia sẻ về cha mình: Cụ Học Phi phải vắt sức mình ra chịu đựng nỗi thống khổ mà ít người làm cha làm mẹ nào phải trải qua: Lần lượt chứng kiến 8 người con trai, 8 núm ruột nằm xuống trong hai cuộc kháng chiến giữa khói lửa đạn bom và cả những năm hậu chiến gian nan, cực nhọc. Nhà văn Chu Lai đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

PV: Theo ông lúc này, nếu đất nước lại bị rập rình bởi họa ngoại xâm, thế hệ thanh niên thời @ có còn hăm hở lên đường tòng quân đánh giặc?

NV Chu Lai: Có chứ, chắc chắn. Lòng yêu nước không là độc quyền cho thế hệ nào. Thế hệ hôm nay tưởng chỉ biết đến đua đòi hưởng thụ, chỉ biết ăn diện và chạy theo những đam mê vật chất hào nhoáng phù hoa, nhưng đều có chung với thế hệ chúng tôi cái hạt tự trọng, sĩ diện ẩn sâu trong lồng ngực. Tới đây, bất cứ một thế lực nào, dù có sức mạnh khủng khiếp đến đâu, động chạm đến bàn thờ ông bà, xúc phạm đến phẩm hạnh dân tộc, thế hệ hôm nay cũng sẽ rùng rùng ra trận. 1.000 năm lịch sử chống ngoại xâm hun đúc nên truyền thống đó. Như một mặc định tự nhiên, đất nước ta, bất cứ lúc nào có giặc là trai tráng lại lên đường ra trận. Thằng con trai tôi cũng thế, bình thường lờ đờ vậy thôi, nhưng cứ thử có chuyện xem, nó sẽ xung phong ngay tắp lự.

PV: Con trai ông thì phải thừa hưởng tố chất của ông rồi. Vậy ông, nếu không là con cụ Học Phi, ông có viết văn không?

NV Chu Lai: Chắc không. Cái gien quan trọng lắm. Cái gien cho người ta tuổi thọ, sức khỏe, cảm hứng sống. Từ nhỏ tôi đã đa cảm lãng mạn thích nghe nhạc cổ giống cha. Trên xe của tôi bây giờ toàn nhạc cổ, ai đi cùng phải nghe đàn sáo đến sốt ruột.

PV: Ở nước mình, có cha con nhà thơ Thế Lữ và đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đều được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông có nghĩ đến cặp cha con Học Phi và Chu Lai không?

NV Chu Lai: Tôi không hoặc chưa nghĩ đến điều đó. Càng sống lâu ở đời, càng có nhiều bất hạnh, người anh thứ hai của tôi là nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo Hồng Phi vừa mất, đó người con thứ 8 trong gia đình 10 người con đã từ trần, tôi bỗng thấy mọi sự đều trở nên hư vô, giá lạnh, trống rỗng hết. 

PV: Xin chia buồn với ông. Nhà viết kịch Hồng Phi được giới sân khấu yêu mến coi là dân chơi thứ thiệt, một lãng tử Hà thành mà thời nay còn rất hiếm. Đợt vừa rồi, các nhà thơ, nhà văn thế hệ chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, rồi Hữu Thỉnh bạn ông đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm của ông so với họ, kém cạnh gì đâu?

NV Chu Lai: Tôi đã bảo tôi không nghĩ tới cái đó nữa mà. Giờ nhắm đến giải thưởng rồi ngồi hì hụi viết thì thích gì. Ở đời cứ “tự nhiên nhi nhiên”. Với lại, mặt bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đang có chiều kém đi. Giải nếu không được cân nhắc, xem xét, tôn vinh một cách chính xác là một giọt axít nhỏ xuống một cơ thể vốn đã ốm yếu khiến cơ thể đó dễ dàng biến thành hoại thư. Cuối cùng chỉ có nhân dân và độc giả là thiệt, là đánh mất đi thần tượng của mình một khi cứ mỗi lần vào mùa xét giải họ lại thấy các thần tượng của mình cáu kỉnh, cãi nhau, thậm chí xúc phạm nhau gay gắt trên văn đàn. Buồn lắm!

PV: Đôi khi Giải thưởng Hồ Chí Minh như sự sửa sai cho Giải thưởng Nhà nước, kiểu như ông này, bà này chỉ được Giải thưởng Nhà nước thì thiệt thòi quá?

NV Chu Lai: Đúng thế, chỉ là sự cộng thêm vào. Tôi không bao giờ muốn cộng thêm dù sau Giải thưởng Nhà nước tôi cũng có được thêm vài tác phẩm ra tấm ra món.

PV: Vậy bây giờ nếu Hội Nhà văn đề nghị ông làm hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông có làm không?

NV Chu Lai: (Cười). Họ không đề nghị đâu vì nghĩ Chu Lai là người của sân khấu rồi. Mà thôi, bỏ qua đi, đừng nhắc đến cá nhân tôi nữa, lằng nhằng lắm!

PV: Ông cũng cho rằng cách trao giải như hiện thời là chưa hợp lý?

NV Chu Lai: Giải thưởng đang càng ngày càng loãng đi, nhàm đi. Dư luận bảo, Giải thưởng Hồ Chí Minh mới tạm gọi là giải, chứ Giải thưởng Nhà nước thì như giải khuyến khích ấy. Tôi nghĩ nên giãn cách 5 năm trao tặng 1 lần, chọn cho tinh, cho kỹ để làm sang cho giải thưởng. Có một bà ở Vụ Thi đua Khen thưởng gì đó bên  Bộ Văn hóa từng phán, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh mang hết sang cho Hội Nhà văn chấm. Tôi chặn ngay: Đề nghị chị đốt cháy vĩnh viễn ý tưởng này. Mỗi thể loại có đặc thù riêng, râu ông nọ sao cắm cằm bà kia được, nhà văn sao chấm được kịch bản sân khấu, điện ảnh, trừ khi ông ấy cũng là người viết lành nghề trong hai thể loại kịch bản này. Người chủ trì người cầm chịch còn như thế, giải thưởng sao mà chả nhạt dần đi được.

PV: Vậy nhà văn Chu Lai mà không còn tham vọng gì đó ở đời nữa sao?

NV Chu Lai: Phần tôi thì chả bao giờ đưa mình vào cuộc những cái giải thưởng giải thiếc nọ kia. Sống được mấy năm nữa đâu, bây giờ ăn thêm được vài miếng, rung động thêm được vài cô, đi lãng du thêm được vài vùng đất rồi cần chết chết luôn là hay nhất. Nhất là tôi lại khá có duyên về chuyện tiền bạc, gặp được sự trồi sụt của tài chính Việt Nam nên đồng tiền kiếm được cũng đủ xài, thích gì làm được đấy, yên tâm tuổi già. Xong! Cuộc đời dài lắm nhưng cuộc đời cũng chóng vánh làm sao. Nên khi còn sống thì sống với nhau cho tử tế rồi sau đó cùng cầm tay nhau đi vào cõi vĩnh hằng.  Đó là ý tưởng trong một chủ đề tiểu thuyết của tôi. Cũng là triết lý đời của chính tôi.

PV: Đời một con người thế cũng đã là viên mãn. Xin cảm ơn nhà văn Chu Lai.

Nhà văn Chu Lai kể: “Cách đây vài năm, tôi có một cuộc điện thoại. Tôi sững sờ khi nhận ra đấy là người con gái trong những năm đầu đời, mối tình đầu, hình bóng đàn bà đậm nét nhất trong các trang viết của tôi, người đã hẹn chờ đợi tôi đến ngày toàn thắng nhưng lại không giữ được lời ước hẹn. Nàng bảo hơn 30 năm qua vẫn sống gần khu nhà tôi, vẫn đọc tất cả các tác phẩm của tôi, theo dõi từng bước đi của tôi trên đường đời. Nàng mời tôi đến nhà chơi. Tôi đến, sững sờ khi thấy nàng đã thành một mệnh phụ, vẫn đẹp, đài các kiêu sa nhưng đã thành bà rồi. Nàng gợi lại những chuyện xưa, ôn lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ và ngỏ ý muốn được tôi đưa đi thăm lại những địa chỉ đã gắn với câu chuyện tình yêu ngày thơ trẻ. Tôi đồng ý, rồi bận rộn thường ngày làm tôi bẵng đi quên mất. Một thời gian sau đang đi trên đường, tôi thấy có người gọi tên mình. Đấy là em trai nàng. Chúng tôi dừng lại, chuyện trò. Tôi hỏi thăm nàng. Em trai nàng bảo: Chị em mất rồi. Tôi hỏi thêm nữa, chắp nối các sự kiện và nhận ra, lúc nàng điện thoại cho tôi là nàng đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Nàng muốn gặp tôi, muốn được sống lại một phần ký ức thuở thiếu thời mà tôi đã vô tâm không nhận ra”.


Ngô Hương Sen (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 153, ra thứ Sáu ngày 7/9/2012)