Long mạch và động long mạch: Khi mê tín xâm nhập

12:12 | 18/09/2013

34,910 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Long mạch và nhất là động long mạch là khái niệm mà người ta nói đến nhiều trong đời sống tâm linh, mặc dù rất trừu tượng đến nỗi chưa bao giờ người nào có thể nhìn, chạm vào được. Ấy thế mà nó lại được cho là quyết định số mệnh của nhiều người. Vậy long mạch là gì và có thật hay không?

Cách đây không lâu, người ta đồn đại ầm ĩ về chuyện làng Đại, ở An Lạc, Chí Linh, Hải Dương bị “động long mạch” khiến hàng chục người nối đuôi nhau đột tử chỉ trong thời gian tính bằng tháng. Điều đáng nói là những người ấy đều là những người đang: cổ cày vai bừa, chẳng bệnh tật gì vậy mà bỗng nhiên “quy tiên”. Các bô lão trong làng sợ hãi đôn đáo, nhớn nhác khắp nơi nhờ người tìm lời giải thì phần lớn lời giải ấy đều cho rằng: làng bị động long mạch, sau khi phạt đất, san bằng một vùng đất để xây dựng. 

Trên dải đất hình chữ S này, có rất nhiều nơi xảy ra những cái chết “bất đắc kỳ tử” như vậy. Như ở Sơn Tây, trong một làng bỗng nhiên cũng có nhiều người chết và người dân ở đây đã tìm ra điều mà họ cho là do “động long mạch”.

Vậy long mạch là gì mà lại bị động để rồi dẫn đến tai ương cho làng xã? Theo lý giải của khoa học hiện đại thì: “Quả đất có hệ thống kinh lạc lớn như một cơ thể sống, có các huyệt nối kết với nhau như kinh mạch trong thể trạng của con người. Địa khí (năng lượng của trái đất) vận hành trong hệ thống kinh mạch đó gọi là long mạch và ngưng tụ tại những địa điểm thích hợp. Nơi đó gọi là huyệt hay vượng khí”.

Trong cuốn sách cổ vẽ long mạch của châu Á, Việt Nam được xem là nằm ở đuôi rồng

Lý giải về cơ chế hình thành long mạch, khoa học hiện đại cũng giải thích: Do sự quân bình của trái đất nằm trên hai lực đối nghịch gồm lực nội tại với sự chuyển động xoay tròn của trái đất từ đông sang tây và lực của trái đất với sự chuyển động theo chiều của các hành tinh từ tây sang đông. Các lực này tác động lên vỏ trái đất, cường độ thay đổi tùy theo mật độ cũng như bản chất của các lớp địa chất và tạo ra năng lượng. Năng lượng ấy chính là các sóng điện từ dưới lòng đất bao gồm: tia bức xạ điện từ, bức xạ phân rã, bức xạ độc chất hóa học, từ trường các khoáng vật… Chúng được gọi chung là “tia đất”. Cho nên tia đất được định nghĩa như thế này: “Đây là dạng vật chất bao gồm tất cả những tia phát ra từ vỏ cứng của trái đất sau đó lan tỏa lên mặt đất dưới dạng bức xạ”. Nói cách khác, đó là những tia được sản sinh bởi hiện tượng bức xạ của những vật chất khác nhau từ dưới mặt đất. Tia đất có thể chạy dài theo đường thẳng hoặc ngoằn ngoèo theo các mạch nước ngầm, các khe nứt, mạch đá và tác động lên bề mặt trái đất với cường độ mạnh mẽ, đều đặn.

Theo TS Vũ Bằng, người đầu tiên nghiên cứu ứng dụng tia đất tại Việt Nam nhận định: “Long mạch chính là tia đất. Tia đất tốt thì tạo nên đất lành. Tia đất xấu thì tạo nên đất dữ”. Để phân biệt tia đất tốt - tia đất xấu, TS Vũ Bằng nói: “Tia đất tốt có chứa các khoáng chất bức xạ điện từ thuận, tia hồng ngoại với mức năng lượng cao hơn bình thường 100-300%. Như những vùng có mỏ quặng quý chẳng hạn, vùng tiếp giáp giữa chúng với môi trường xung quanh thường có tia đất tốt do trường điện tự nhiên cục bộ được sinh ra. Còn tia đất xấu…”. TS Vũ Bằng giải thích tiếp: “…Có chứa các thành phần độc hại như đá phóng xạ (urani), chất độc hóa học, thủy ngân, chì, arsen, dioxin…”.

TS Vũ Bằng còn cho biết thêm nhận biết về tia đất xấu - tốt theo cách dân gian ấy là khu vực nào mèo thích đến sống ấy chính là nơi tia đất xấu. Còn chó thích sống nơi nào, nơi ấy có tia đất tốt. Đó cũng là lý do dân gian có câu: “Mèo đến nhà thì khó. Chó đến nhà thì sang”.

Với cấu tạo, “vận hành” trên đây, động long mạch là hiện tượng như thế nào và vì sao  động long mạch lại tác động tới sức khỏe, tính mạng của con người? “Động” trong cụm từ “động long mạch” trước hết phải hiểu chính là chấn động, làm thay đổi, đổ vỡ, thậm chí “đứt đoạn” một quá trình chuyển động đã trở thành bất di bất dịch bằng một lực tác động mạnh từ phía con người, có thể là đào, bới, xới lộn, khoan cắt xuống dưới lòng đất… Cụ thể ở đây là địa khí (tia đất) “lưu thông” qua các kinh mạch như đã nói ở trên. Khi bị tác động, địa khí hoặc là bị thay đổi “dòng chảy” hoặc là bị làm cho “vượng khí” mất đi nhường lại cho “yếu khí”, chất độc hại. Và khi “yếu khí” “lên ngôi”, rõ ràng con người bị ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần. TS Vũ Bằng với sự quan sát, nghiên cứu của mình đã phân tích: “Ở nơi giàu trường điện tự nhiên (tia đất tốt), con người rất khỏe mạnh, minh mẫn, làm việc hiệu quả cao do tác động của địa bức xạ. Còn ở nơi chỉ có khí độc hại mà không có trường điện tự nhiên, con người sẽ mệt mỏi, ốm đau bệnh tật, nghiêm trọng nữa là… chết người”.

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, một người cũng nghiên cứu rất kỹ về hiện tượng động long mạch, đặc biệt là trước sự việc hàng loạt người chết được cho là vì “động long mạch” ở làng Đại, An Lạc, Chí Linh, Hải Dương thì nói: “Thực tế vẫn có chuyện động, đứt long mạch sẽ làm những người sống trên mảnh đất đó bị ốm đau, bệnh tật. Do long mạch là nơi lưu thông khí trong lòng đất. Khí lưu thông tốt thì vạn vật tốt tươi. Ngược lại, dòng khí bị chặn, không “thông đồng bén giọt” sẽ ảnh hưởng đến vạt vật là đương nhiên, trong đó có sự sống của con người”.

Không chỉ tốt cho vạn vật mà long mạch còn được xem là rất tốt cho người chết. Bởi theo quan niệm của đời sống tâm linh rằng “sống vì mồ vì mả” nên người chết nếu được mai táng ở long mạch, người sống cùng huyết thống với họ sẽ rất tốt không chỉ về đời sống tinh thần mà còn về cả vật chất. Quan niệm này không biết đúng hay sai nhưng tương truyền: khi mẹ Tưởng Giới Thạch mất, phải nửa năm sau ông mới tìm được nơi đắc địa để chôn cất bà. Đó là thung lũng Ngư Lân, cách Khê Khẩu, Trung Quốc ba dặm, có hình thù giống hệt tượng phật Di Lặc đang nằm. Thầy phong thủy tên Tiêu Huyên, người đã giúp Tưởng Giới Thạch tìm đất cho mẹ đã chọn huyệt mộ chính là phần rốn trên bụng tượng. Tuy nhiên, để tránh long mạch bị động, bị đè nén nặng, Tiêu Huyên đã khuyên Tưởng Giới Thạch tuyệt đối không được xây mộ bằng đá, bùn mà chỉ bằng đất thường và Tưởng Giới Thạch đã làm theo. Nhiều người cho rằng, nhờ vậy mà có lẽ con đường binh nghiệp của Tưởng Giới Thạch đã phát triển?

Long mạch giải thích dưới góc độ khoa học rõ ràng là có cơ sở, không phải chuyện mê tín dị đoan, mang màu sắc thần bí. Thế nhưng hiện có nhiều người lợi dụng hiện tượng này để trục lợi dưới nhiều hình thức như bói toán, cầu cúng… Mọi người phải cảnh giác và tỉnh táo…

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc