Lộ trình nào cho việc cấm xe máy?

19:59 | 12/05/2017

1,666 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Bài toán” giảm ùn tắc trong giao thông đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cũng đang “ùn tắc”, bởi chưa tìm được lời giải căn cơ

Nhưng điều đầu tiên đặt ra trước khi giải bài toán khó này là phải đứng về phía lợi ích của người dân và sau đó phải có một lộ trình phù hợp dựa trên những nghiên cứu khoa học chu đáo.

Tại Hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp”, ngày 20-4, một vị chuyên gia cho rằng, xe máy là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và đòi “cấm ngay xe máy”. Ông PGS. TS đó còn lớn tiếng: “Đừng lấy cái nghèo dọa nhau mãi!” khiến công luận hết sức búc xúc. Chắc là ông ta đi ôtô và hằng ngày đang rất “khó chịu” khi phải đi lẫn với số đông xe máy. Một nhà báo đã nhận xét: “Đó là một cách tiếp cận thiếu tính xây dựng, thậm chí là phá đám, đối với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân”.

lo trinh nao cho viec cam xe may

Một chiếc ôtô dòng sedan (phổ thông nhất) thiết kế cho tối đa 5 người cùng di chuyển. Nhưng nhìn những chiếc ôtô nối đuôi nhau tắc trên đường, có bao nhiêu xe chở đủ 5 người để nói rằng, ôtô chở nhiều người hơn xe máy nên nó cần được ưu tiên (chiếm) đường. Xin thưa rằng: Rất ít, phần lớn xe chỉ có 1 người lái và nhiều số xe hơn một chút có chở 2 người. Một chiếc xe máy chiếm không gian di chuyển bằng 1/6 một chiếc ôtô, tiêu thụ lượng nhiên liệu thấp hơn ôtô và lượng khí phát thải cũng thấp hơn nhiều so với ôtô… vậy tại sao lại cấm xe máy chứ không phải là ôtô, xét trên nhiều phương diện?

Nhìn đường phố Hà Nội giờ cao điểm lại thấy một nguyên nhân khác gây tắc đường. Rất nhiều ông chủ, đại gia (có vẻ mới giàu) lái ôtô với tác phong xe đạp: thản nhiên đi sai làn, cứ thấy chỗ hở là len lách, vượt cả đèn đỏ, đỗ xe tùy tiện thế là... tắc càng thêm tắc.

Nhìn từ mỗi cá nhân, ai cũng muốn cải thiện điều kiện đi lại của mình cho “tươm tất” hơn: an toàn hơn, sang trọng hơn, tiện nghi hơn, hiệu quả hơn... So tất cả những điều đó, ôtô đều hơn xe máy. Nhưng vì sao đa số người dân Việt Nam vẫn (phải) chọn xe máy làm phương tiện giao thông chính của mình? Vì đó là lựa chọn tốt nhất, phù hợp với khả năng tài chính, yêu cầu công việc hằng ngày, hạ tầng giao thông, v.v… Điều họ lựa chọn phù hợp với những điều kiện cụ thể của họ và còn mang những nét đặc thù Việt Nam. Có ưu thế nhỏ gọn và được sử dụng với tính linh hoạt của người Việt, xe máy không đòi hỏi phát triển hạ tầng giao thông ngay lập tức. Các nhà quy hoạch và làm chính sách đã “quên mất” xe máy trong các tính toán phát triển hạ tầng giao thông khoảng 15 năm giao thời cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI cũng bởi sự “dễ tính” đó của xe máy. Đến khi nhận ra vấn đề thì đã “vỡ trận” (!).

Trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, Hà Nội từng là thành phố có nhiều xe đạp nhất thế giới. Đến nay, sau hơn 30 năm, đường phố Hà Nội thưa thớt xe đạp mà chưa có một lệnh cấm xe đạp nào được ban hành. Cách đặt vấn đề khi nêu đề xuất (bắt) buộc người dân từ bỏ phương tiện cá nhân như một động lực để phát triển phương tiện công cộng là cách đặt vấn đề ngược. Hạn chế phương tiện cá nhân không thể từ góc nhìn cấm đoán và bằng những mệnh lệnh hành chính chủ quan duy ý chí. Phương cách văn minh chỉ có thể là cung cấp những lựa chọn tốt hơn so với việc sử dụng phương tiện cá nhân.

Việc lựa chọn sử dụng phương tiện nào còn là quyền - thể hiện và bảo đảm lợi ích của từng người, cũng như của cộng đồng, nhóm xã hội chứa đựng cá nhân trên cơ sở bình đẳng đã được Hiến pháp và luật pháp quy định. Các nhà quy hoạch có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, đề xuất bằng những kết quả nghiên cứu khoa học. Các nhà quản lý có nhiệm vụ ban hành những chính sách tốt để điều chỉnh, điều tiết cả ở tầm vĩ mô và trong những tình huống cụ thể một cách hiệu quả. Không thể vì cảm tính hoặc bất cứ tư cách gì để kêu gọi cấm xe máy, chứ không phải là ôtô, hay xe đạp.

Vẫn biết có quá nhiều tác hại của việc xe máy quá đông đã được nêu ra, nhưng hiện nay với (ít nhất theo thống kê) 45 triệu người Việt Nam là chủ sở hữu và một số cũng gần tương đương người và cả hàng hóa phụ thuộc vào họ, chiếc xe máy vẫn chưa thể thay thế. Cũng cần nhấn mạnh rằng, số đông này thuộc nhóm có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với nhóm ít hơn đang đi ôtô. So sánh về mọi tiêu chí với những người đi ôtô, những người đi xe máy là những người nghèo, có người rất nghèo.

Muốn hạn chế xe máy cần có một lộ trình phù hợp và khi đã có lộ trình thì phải được thực hiện quyết liệt, triệt để. Điều cần thiết nhất là làm cho người sử dụng tự nhận thức rằng, xe máy không còn phù hợp với sự phát triển. Họ sẽ tự bỏ xe máy để dùng phương tiện tốt hơn. Hạn chế phương tiện cá nhân phải bắt đầu từ hạn chế nhu cầu phải sở hữu một phương tiện cá nhân và thay đổi dần thói quen sử dụng phương tiện cá nhân.

Chính quyền đô thị có nhiều biện pháp công cụ có thể sử dụng: Quyết liệt giải tỏa vỉa hè, quy định chặt chẽ việc cấp phép trông giữ phương tiện cá nhân trên lòng đường, phát triển nhanh và mạnh hạ tầng giao thông, dành đường riêng cho phương tiện công cộng, tăng các ưu đãi để các phương tiện công cộng tiện lợi hơn với người dân… Thực hiện đồng thời các giải pháp này, thì phương tiện giao thông cá nhân cũng sẽ tự bị hạn chế mà không cần phải có lệnh cấm nào. Đó là cách tiếp cận và giải quyết vấn đề thấu tình đạt lý hơn cả.

Thanh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc