Liêu xiêu làng chiếu

16:41 | 23/06/2011

922 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hỏi người dệt chiếu Long Định, ai cũng bảo lãi suất gần 20% một năm thì làm gì mà ăn, thôi thì vào nhà máy làm công nhân cho chắc chắn. Thế là, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cái làng nghề vững chắc ấy đang liêu xiêu trong cơn bão lốc thị trường mang tên lãi suất.

Dệt chiếu ở Long Định

Có lẽ, khi nhắc nghề dệt chiếu ở Long An thì không ai không biết làng chiếu Long Định ở xã Long Định của huyện Cần Đước. Không chỉ bởi lịch sử phát triển hàng trăm năm nay mà còn bởi vì từ lâu, chiếu Long Định đã có mặt ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh, được người dân rất ưa chuộng vì độ dẻo dai, bền đẹp có hồn của sản phẩm này. Thế nhưng, trong cơn bão lạm phát thị trường như ngày nay, rất nhiều người dân ở Long Định đã phải từ bỏ nghề kiếm cơm truyền thống này vì không thể trụ được nữa.

Một năm tăng lãi năm lần

Theo bà Phạm Thị Khánh Trang, chủ doanh nghiệp chiếu Sỹ Hoàng thì trong vòng gần 1 năm nay, ngân hàng liên tục tăng mức lãi suất khiến cơ sở dệt chiếu của bà phải lao đao. Cụ thể, cứ mấy tháng lại thấy mức lãi suất tăng thêm một chút, một chút. Với số tiền đầu tư mua máy móc, cơ sở vật chất, nguyên liệu thì giờ dệt chiếu chỉ đủ… trả lãi hàng tháng mà thôi.

"Xưởng chiếu nhà tôi thành lập được gần hai chục năm nhưng nghề dệt chiếu thì có từ mấy đời rồi. Những năm trước, đơn đặt hàng liên miên không dứt, làm không hết việc nên phải cho máy dệt đêm để phục vụ nhu cầu của khách. Tuy nhiên, đó là chuyện xưa rồi, còn ngày nay, công nhân bỏ xưởng chạy hết vào mấy cái nhà máy, khu công nghiệp hết rồi. Như tôi đây này, mang tiếng bà chủ bao năm nhưng giờ vẫn phải làm, trước có mấy anh trên huyện xuống khảo sát, nhìn tôi không ai bảo là chủ xưởng cả” – Vừa nói, bà Trang vừa nhìn chúng tôi bằng ánh mắt buồn bã, đau xót.

Nhìn những bó lác đủ màu sắc đẹp đẽ dài nằm thẳng đuột phơi trong nắng vàng, chúng tôi mới hiểu được rằng, để làm được một chiếc chiếu là vô cùng vất vả. Phải có bí quyết cũng như tay nghề cao thì chiếu mới bền, đẹp được chứ không đơn thuần đưa vào máy dệt là xong. Từ công đoạn phơi, nhuộm màu, tuốt lác cho tới lúc sắp xếp trên máy và cắt viền. Ngoài việc ngân hàng liên tục tăng lãi suất khiến bà phải thế chấp hết gia sản thì nguyên vật liệu như lác, màu, tiền điện… cũng tăng hơn nhiều lần. Chỉ tay vào đống chiếu mới dệt xong chất cao như núi chưa có người mua, bà Trang tiếp lời: "Mấy lần tôi tính với ông nhà bỏ nghề nhưng ổng cứ ham bảo, nghề truyền thống mấy mươi đời, bỏ sao được. Ngày xưa các cụ phải dệt bằng tay, cực khổ trăm lần mà còn trụ được, nay cơ chế thị trường, lẽ nào đến đời mình thì cơ nghiệp bao đời của tổ tiên đổ xuống sông xuống biển hay sao. Thương ổng quá nên tui hổng lỡ chứ nhiều xưởng trong làng cũng ngưng dệt từ đầu năm rồi.”

Tàn lụi làng nghề

Theo chị Nguyễn Thị Phương Anh, cán bộ xã Long Định thì nghề dệt chiếu này có từ rất lâu rồi, trước kia trong làng hầu như nhà nào cũng có người dệt chiếu. Mùa nắng, đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng thấy lác phơi kín đường. Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng người làm nghề này giảm hẳn. Hầu như chỉ còn những lao động dư thừa là người già và trẻ em mới dệt chiếu. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chung quy cũng tại làm không có lãi, những lao động chính lên thành phố làm công nhân hết rồi.

Sang cơ sở dệt chiếu bên cạnh, chị Nguyễn Thị Huyền đang dệt chiếu ngưng tay cho chúng tôi được biết: Mình dệt chiếu tới giờ này cũng là cầm cự thôi vì máy móc và các thiết bị mua mấy năm rồi giờ bán lại không được. Biết lấy tiền đâu trả ngân hàng, nên không dệt chỉ có nước chết. Mà dệt ra cũng không thấy ai hỏi mua. Tình trạng này xảy ra cũng cả năm rồi, địa phương cũng không có cách gì cứu được.

Còn ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội nông dân xã Long Định thì tình trạng này là tình trạng chung, địa phương cũng có một số biện pháp kích thích bà con giữ lại nghề truyền thống nhưng do chiếu Trung Quốc giờ bền đẹp lại màu sắc bắt mắt hơn, giá rẻ hơn nữa khiến bà con dệt chiếu rất khó khăn. Trước kia nghề dệt chiếu còn có cái ăn chứ giờ chỉ có nước đi làm công nhân thôi.

Dọc theo hai bên đường làng dải đá dăm, chúng tôi vẫn thấy những văng vẳng vẫn còn tiếng dệt chiếu đâu đó, có lẽ đó chỉ là những âm thanh cuối cùng của bản nhạc buồn mang tên làng chiếu Long Định này chăng? Bởi có lẽ, tương lai làng chiếu lâu đời này cũng như dáng bà cụ đang phơi lác kia, một mình lặng lẽ thu từng bó lác, rồi liêu xiêu ôm về phía cổng nhà.

Đoàn Xá