Libya khôi phục hoạt động sản xuất dầu mỏ

08:27 | 15/10/2011

415 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chuyên gia trong ngành dầu mỏ cho biết hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Libya đã được nối lại nhanh hơn dự kiến nhưng nước này còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại lớn về chính trị và kỹ thuật trước khi có thể khôi phục hoạt động này về mức bình thường.

Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Abdallah El-Badri nhấn mạnh thị trường thế giới đang trông đợi sản lượng dầu của Libya sẽ nhanh chóng về mức 1,6 triệu thùng/ngày, như trước cuộc nội chiến. Sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ vào tháng 8/2011, sản xuất dầu tại Libya đã được nối lại và đạt sản lượng trên 350.000 thùng/ngày.

Theo OPEC, Libya sẽ tăng nguồn cung dầu của nước này lên 1 triệu thùng/ngày trong sáu tháng tới và sẽ đạt mức sản xuất như trước đây vào cuối năm nay. Người đứng đầu tập đoàn dầu khí Total của Pháp Christophe de Margerie khẳng định: “Chúng tôi sẽ quay trở lại Libya sớm hơn dự kiến, xét về cả mặt hậu cần và hạ tầng”. Trong khi đó, tập đoàn ENI (Italia) ngày 13/10 đã khởi động lại đường ống khí đốt Greenstream giữa Libya và Italia.

Tuy nhiên, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) tỏ ra thận trọng hơn khi lưu ý rằng việc khôi phục hoạt động sản xuất dầu tại Libya có thể sẽ vấp phải trở ngại, đó là công cuộc sửa chữa cần thiết những mỏ và cảng dầu đã bị phá hủy do trận nội chiến. Các chuyên gia của IEA cho rằng việc khôi phục lại hoạt động của cảng Es Sider, nơi xuất khẩu một phần lớn dầu thô của Libya, có thể sẽ cần khoảng thời gian một năm.

Ông Choukri Ghanem, người đã từng đứng đầu Công ty dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) tới tháng 6/2011, trước khi gia nhập hàng ngũ Hội dồng dân tộc chuyển tiếp (NTC), cho rằng các mỏ dầu hay bến cảng, nhất là ở Ras Lanouf đã bị biến thành trận địa trong nhiều tháng và đương nhiên bị ảnh hưởng nặng nề. Để đạt được sản lượng 700.000 thùng/ngày sẽ khó khăn hơn rất nhiều, và Libya cần phải đầu tư từ 3 đến 4 tỷ USD để khôi phục lại sản xuất như cũ.

Bên cạnh hạ tầng bị phá hủy, ngành dầu mỏ Libya còn phải đối mặt với vấn đề nhân công. Ông Samuel Ciszuk, chuyên gia phân tích thuộc Viện nghiên cứu IHS, nhấn mạnh: “Trước đây, Libya phụ thuộc lớn vào hàng chục nghìn nhân công nước ngoài đến từ phần lớn các nước Arập láng giềng, Nam Á và Trung Quốc. Để họ quay trở lại Libya thì mất rất nhiều thời gian”. Cùng với đó là những nhân công Libya đã nhiều lần biểu tình từ cuối tháng Chín nhằm yêu cầu những lãnh đạo ngành dầu mỏ bị cho là thân với chế độ cũ phải từ chức. Ông Ciszuk cho rằng những lời kêu gọi thanh trừng trên có nguy cơ loại bỏ những nhân tài cần thiết cho quá trình khôi phục hoạt động dầu mỏ nhanh chóng.

NTC đang phải chịu sức ép rất lớn nhằm đàm phán lại những hợp đồng đã ký trước đây với các công ty nước ngoài. Và những thời hạn mới đang được chờ đợi. Cho đến lúc này, chưa có bất cứ một hợp đồng mới nào được ký tại Libya chừng nào chính phủ chưa được thành lập.

Vân Chi