Lao động trẻ em - thực trạng nan giải

13:00 | 22/03/2019

5,605 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, đặc biệt là lao động trẻ em. 

1,75 triệu lao động trẻ em

Trong cuộc Đối thoại chính sách về các tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam cho hay, trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi 5-17 đang làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh..., tập trung ở các ngành nông nghiệp (70,9%), dịch vụ (17,1%), ngành công nghiệp (11,9%).

Tại Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em, tập trung trong khu vực kinh tế phi chính thức với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong đó 34% làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

lao dong tre em thuc trang nan giai
Nhiều ngành dịch vụ sử dụng lao động trẻ em

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam, cảnh báo: Với 1,75 triệu lao động trẻ em tại Việt Nam, các chuỗi cung ứng sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ có nguy cơ tồn tại lao động trẻ em. Ông nói: “Lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức. Đó là những nơi ngoài tầm kiểm soát của thanh tra lao động hoặc công đoàn”.

Đáng nói hơn, ngay trong hộ sản xuất gia đình, có khi trẻ em lại chính là những người bị bóc lột bởi phải làm việc không lương. Ông Chang Hee Lee phân tích, do thu nhập của bố mẹ không đủ hoặc công việc sản xuất kinh doanh trong gia đình không hiệu quả dẫn đến không thể thuê lao động trưởng thành, các em phải trở thành người lao động bất đắc dĩ nhưng không được hưởng lương.

Khảo sát của Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ LĐ-TB&XH tại 3 tỉnh, thành phố cho thấy: hơn 7% hộ gia đình có người từ 5-17 tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Gần 2% hộ gia đình có thành viên từ 5-17 tuổi tham gia công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, nhiều trẻ em sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động nên người sử dụng lao động đã tận dụng lợi thế này để tăng cường lao động trẻ em với giá nhân công rẻ. Ngoài ra, việc sử dụng lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng cũng là một vấn đề cần được quan tâm.

Giải pháp nào?

Nhận định phòng, chống lao động trẻ em đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ nên người đứng đầu Văn phòng ILO Việt Nam cho rằng, cần phải cùng lúc thực hiện các chính sách như: Giáo dục có chất lượng, chế độ bảo trợ xã hội tốt, tạo việc làm bền vững cho cha mẹ. Riêng với các doanh nghiệp, cần đảm bảo không sử dụng lao động trẻ em.

Bức xúc về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, lao động sớm để lại nhiều hậu quả khôn lường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ em, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục, từ đó dẫn tới tương lai không sáng sủa cũng như việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em không trọn vẹn, làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Do đó, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, rất cần sự tham gia phối hợp chặt chẽ của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Ông Đặng Hoa Nam cho hay, mục tiêu của dự án giảm thiểu và xóa bỏ lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 đã đề cập cụ thể về trách nhiệm các bên liên quan, hướng đến nhận thức, năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan đến người sử dụng lao động, cộng đồng và trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự rõ ràng và chưa tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành nên cần phải thực hiện quyết liệt vấn đề này bằng tuyên truyền và xử lý mạnh, đủ sức răn đe.

Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ LĐ-TB&XH Đào Quang Vinh nhận xét, Bộ luật Lao động đang có những bất cập liên quan đến trẻ em. Bộ luật Lao động năm 2012 đưa ra các nguyên tắc, điều kiện chặt về sử dụng lao động chưa thành niên; quy định các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên phù hợp với công ước quốc tế. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2012 mới chỉ đưa ra quy định về thời giờ làm việc đối với người dưới 15 tuổi nói chung mà không có quy định về thời giờ làm việc đối với người dưới 13 tuổi, không có quy định cụ thể về thời gian làm thêm của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo ông Vinh, chưa xác định rõ ràng thế nào là trẻ em lao động trái pháp luật, trẻ em bị bóc lột sức lao động, trẻ em lao động trước tuổi, vì quy định của Bộ luật Lao động 2012 với các công ước quốc tế có sự “vênh nhau”. Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động là người đủ 15 tuổi trở lên, trong khi quy định ở một số công ước quốc tế, người lao động chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Vì vậy, cần làm rõ tất cả các quy định này để trên cơ sở đó mới có thể tuyên truyền hoặc xác định ai vi phạm và vi phạm như thế nào.

Chấm dứt sử dụng lao động trẻ em vẫn là một vấn đề nan giải ở nước ta. Để làm được điều đó không chỉ riêng nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH và những cơ quan liên quan đến trẻ em mà nhất thiết phải có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội cùng các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, đặc biệt từ chính gia đình và cộng đồng, để vừa bảo vệ quyền lợi của trẻ em vừa phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em, tập trung trong khu vực kinh tế phi chính thức với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong đó 34% làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc