Lào Cai dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh

14:32 | 23/02/2012

412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lần đầu tiên kể từ khi công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bình Dương và Đà Nẵng đều không nằm ở vị trí cao nhất. Thay vào đó, hai tỉnh miền Bắc là Lào Cai và Bắc Ninh vươn lên vị trí đầu bảng xếp hạng.

Đó là kết quả của Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 23/2.

Sự gia tăng thứ hạng của hai địa phương Lào Cai (73,53 điểm) và Bắc Ninh (67,27 điểm) không nằm ngoài dự kiến vì cả hai chưa bao giờ xếp ngoài vị trí tốp 20 và đã dành nhiều công sức trong việc cải thiện công tác điều hành, nhờ đó điểm số PCI tăng dần qua các năm.

Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI diễn ra sáng 23/2 tại Hà Nội.

Ngược lại, Bình Dương và Đà Nẵng – hai địa phương có tiếng về sức hút doanh nghiệp năm nay giảm, đứng vị trí thứ 5 (Đà Nẵng), thứ 10 (Bình Dương). Bình Dương giảm điểm trong chỉ số năng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Điểm số của Đà Nẵng sụt giảm mạnh trong các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Ngạc nhiên hơn, Hà Tĩnh và Bình Phước đã vươn lên nhóm 10 tỉnh dẫn đầu.

Cũng giống như Lào Cai và Bắc Ninh, hai địa phương này đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, thông qua việc ban hành chính sách của tỉnh về cải thiện chỉ số PCI và thành lập các tổ công tác tập trung vào các lĩnh vực làm tăng điểm PCI.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, ngoài sự thay đổi theo chiều hướng tích cực thì PCI 2011 cũng có những thay đổi lớn theo hướng tiêu cực. Hai địa phương vốn thường nằm trong tốp 10 vị trí cao nhất là Vĩnh Long và Bình Định lại sụt hạng trong năm 2011. Cả hai tỉnh tiếp tục xu hướng trượt dốc đã có từ năm 2010.

Kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2011.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, PCI 2011 chính là tấm gương để các tỉnh, các doanh nghiệp tự soi mình để lãnh đạo địa phương xem xét môi trường đầu tư và đưa ra những biện pháp hữu hiệu phát huy sức cạnh tranh, khắc phục khó khăn.

Chỉ số PCI 2011 bao gồm 9 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Một tỉnh sẽ được coi là thực hiện tốt tất cả 9 chỉ số thành phần nếu có: chi phí gia nhập thị trường để khởi sự kinh doanh thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và việc tiếp cận thông tin kinh doanh thuận lợi; chi phí không chính thức ở mức tối thiểu; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện quy định, thủ tục hành chính ít; lãnh đạo tỉnh năng động và sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh phát triển và có chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động phù hợp; thủ tục pháp lý giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả.

Về kết quả khảo sát các doanh nghiệp, năm 2011 doanh nghiệp kém lạc quan về triển vọng tăng trưởng. Ngược dòng thời gian, năm 2006 trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 76% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng quy mô kinh doanh, tuy nhiên tỉ lệ này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục đạt hơn 47% năm 2011.

Bên cạnh đó, tính năng động có sự sụt giảm, đặc biệt là các tỉnh đứng đầu. Năm 2006, 75% doanh nghiệp tham gia ở tỉnh trung vị cho rằng lãnh đạo tỉnh rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân nhưng hiện nay dừng ở con số 65%.

5 tỉnh Lào Cao, Bắc Ninh, Long An, Đồng Tháp, Đà Nẵng nhận giải thưởng của Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có các tỉnh xuất sắc trong PCI 2011.

Một điểm đáng lưu ý nữa là chi phí không chính thức có giảm nhưng phí “bôi trơn” lại có xu hướng biến tướng. Năm 2006, 70% doanh nghiệp ở tỉnh trung vị PCI đồng ý với nhận định rằng doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành phải trả chi phí không chính thức, trong khi đó, tình trạng này năm 2011 đã giảm xuống 52%. Tỉ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% tổng thu nhập để chi trả chi phí không chính thức cũng đã giảm từ 13% năm 2006 xuống còn 7% năm 2011.

Tỉ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp khá phổ biến cũng đã giảm xuống mức 40% so với năm 2006 sau khi vọt lên mức cao nhất 51% vào năm 2009.

Năm nay, nhiều doanh nghiệp đã than khổ vì phí “bôi trơn”. 56% doanh nghiệp tham gia đấu thầu các dự án của nhà nước khẳng định việc chi trả hoa hồng là phổ biến, so với mức 41% của năm trước (2010).

Tuy nhiên, phí “bôi trơn” với số lượng tiền lớn dường như lại gia tăng theo thời gian (như hành vi “lại quả” khi ký kết hợp đồng mua sắm công hoặc các thỏa thuận đất đai béo bở).

Mặc dù tham nhũng nhỏ gây nhiều phiền toái cho doanh nghiệp đã giảm, song xét cho cùng, tham nhũng lớn vẫn nguy hiểm hơn bởi nó góp phần làm tăng sự bất công giữa một nhóm ít người có quan hệ tốt với chính quyền và phần còn lại của đất nước, đồng thời ảnh hưởng tới niềm tin vào bộ máy nhà nước.

PCI là chỉ số đánh giá chất lượng thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh thông qua “tiếng nói” của doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương. PCI 2011 là tập hợp “tiếng nói” của 6.922 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố.

Đức Chính