Làng báo lên tiếng ủng hộ Petrotimes trong cuộc chiến bản quyền

06:33 | 06/03/2013

2,014 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Việc Petrotimes lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu baomoi.com chấm dứt việc lấy thông tin trái phép, "ký sinh" trên sức lao động của những người làm báo, nhiều phóng viên, nhà báo đã lên tiếng ủng hộ. Những người lao động báo chí đang cùng chung một tiếng nói về vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí. Và việc các phóng viên lên tiếng ủng hộ Petrotimes cũng là bảo vệ quyền lợi của chính mình. Petrotimes cần thêm những tiếng nói đoàn kết và mạnh mẽ từ các đồng nghiệp để bảo vệ công sức lao động của người làm báo!

>> Yêu cầu Báo Mới ngừng lấy tin bài của Petrotimes

>> Một chút sự thật về Báo Mới

>> Độc giả ủng hộ việc gạt bỏ 'ký sinh làng báo'

>> Báo Mới công khai xin lỗi Petrotimes và các báo điện tử

 

Nhà báo Trần Chánh Nghĩa (Báo VietNamNet):

Để có một sản phẩm báo chí phải tốn rất nhiều công sức của phóng viên và cả Ban Biên tập tờ báo. Vì vậy, việc lấy không – không xin phép, không trả nhuận bút, thậm chí không dẫn cả đường link – là một việc làm đáng lên án. Tôi hoàn toản ủng hộ việc tẩy chay không riêng gì Báo Mới mà còn nhiều trang mạng khác nữa.

Nhà báo Trần Chánh Nghĩa.

Hiện nay, các báo điện tử đều sông nhờ vào quảng cáo. Muốn có được quảng cáo phải nhờ vào lượng truy cập. Việc làm của một số trang mạng đã làm giảm đi lượng truy cập, nhiều khả năng ảnh hưởng đến nguồn sống của tờ báo có bài bị lấy không. Vì thế cần phải có biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này.

Phóng viên Vũ Cường (Báo Nhân Dân):

Là một phóng viên thì với tôi, mỗi tin, bài làm ra đều mất rất nhiều thời gian để thu thập dữ liệu và mất công vắt óc suy nghĩ thì mới có thể hoàn thành được. Còn các trang tin tổng hợp chỉ cần “copy – paste” mà không mất chút công sức, chất xám nào cho bài viết thì việc sử dụng này quá phi lý.

Ở các cơ quan báo chí, với mỗi bài viết thường phải trả nhuận bút cho tác giả, còn trang tổng hợp chỉ lấy một cách quá đơn giản và là một hành động ăn cắp trắng trợn. Vì vậy, tôi thấy việc làm của báo điện tử Petrotimes rất cần được ủng hộ và phải có biện pháp xử lý nghiêm các trang web như Báo Mới.

Phóng viên Vũ Cường.

Nhà báo Mai Phan Lợi (Bút Lông) – Trưởng văn phòng đại diện tại Hà Nội báo Pháp luật TP HCM cũng phát biểu trên Facebook bày tỏ sự tán thành, ủng hộ việc mang lại công bằng, giá trị thật cho chính phóng viên và tờ báo: “Có nghịch lý là baomoi thu rất nhiều quảng cáo và tài trợ nhưng không chia lại cho các báo. Ủng hộ việc đòi lại công bằng!”.

Nhà báo Duy Phong (Phó trưởng Phòng Phóng viên Báo Kinh tế Nông thôn):

Theo tôi, việc trang tin điện tử Báo Mới và một số trang web dùng phần mềm tự động tổng hợp các tin, bài ở các tờ báo điện tử, trong đó có Petrotimes là hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng được quy định trong các điều Luật, văn bản dưới luật. Ngoài việc vi phạm pháp luật, các trang này còn thu lợi từ việc thực hiện các Hợp đồng Quảng cáo là hành vi sống "ký sinh", tạo sự bất công và tiền lệ xấu trong hoạt động báo chí.

Nhà báo Duy Phong.

Việc các trang này tự động cập nhật thông tin không chỉ ở các trang báo chính thống mà còn cả các trang tin điện tử không chính thống vô hình chung sẽ phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, những tin đồn gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân... Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra và xử lý vấn đề trên.

Phóng viên Ngô Thanh (Báo Giao thông Vận tải):

Việc một trang thông tin, không phải một trang báo điện tử chính thống sử dụng tin bài của phóng viên các báo hiện đang là chuyện rất phổ biến. Đây có thể coi là một hình thức “lách” luật của các công ty kinh doanh trên lĩnh vực truyền thông, giải trí, họ thu lợi từ công sức của người khác. 

Phóng viên Ngô Thanh.

Từ những tin bài đăng lại có chọn lọc (dù đã trích dẫn nguồn nhưng không xin phép), vô hình trung, họ đã cướp đi một lượng lớn độc giả của các báo. Việc làm này là không thể chấp nhận được, đặc biệt, việc lấy lại tin bài đôi khi tạo ra nhiều điều phiền toái, nhất là trường hợp tin bài gốc bị lỗi hay cần thay đổi, gỡ xuống thì chỉ có cơ quan tạo ra tin bài làm được, còn trên trang thông tin copy thì vẫn còn.

Nếu các trang thông tin muốn sử dụng tin bài của các trang điện tử thì phải có hợp đồng sử dụng, hoặc ít nhất cũng được sự đồng ý của các cơ quan báo chí. Tôi rất mong rằng Petrotimes cùng các cơ quan báo chí khác sẽ lên tiếng bởi đây bước đi cần thiết để đòi lại công lý và bản quyền cho những người làm báo.

Phóng viên Đức Nguyên (Báo Đại Đoàn Kết):

Khi biết được thông tin trang tin như Báo Mới, Tin Mới sử dụng tin, bài của những tờ báo mạng điện tử chính thống thu lợi bất chính, tôi thật sự bức xúc và rất phẫn nộ.

Một bài báo viết ra là bao nhiêu công sức của phóng viên, đánh đổi bằng mồ hôi công sức, nhiều người là cả máu và nước mắt, thế nhưng baomoi.com chỉ sử dụng vài động tác là có thể lấy về (mặc dù có dẫn nguồn), tăng view và thu lợi mà không mất chút công sức hay thời gian nào. Đây là hình thức ăn cắp chất xám một cách trắng trợn và đáng lên án.

Phóng viên Đức Nguyên.

Là một phóng viên theo dõi mảng văn hóa, tôi rất ủng hộ việc thu bản quyền ca khúc của các nhạc sĩ, thì trả tiền cho việc sử dụng chất xám là chuyện đương nhiên và không thể trốn tránh được. Tôi rất hi vọng Petrotimes lên tiếng mạnh mẽ để tình trạng “ăn cắp” này không còn diễn ra và trả lại vị trí thật sự cho một tờ báo chất lượng.

Nhà báo Trần Duy (Báo Thanh Niên):

Theo tôi, đây là điều chính đáng mà các tờ báo phải làm. Trong khi Việt Nam đã gia nhập WTO với các nước, Luật Sở hữu trí tuệ đã ra đời thì việc chống lại Báo Mới là hoàn toàn chính đáng. Qua sự việc này còn nhằm bảo vệ công sức của anh em phóng viên. Những tin bài là sản phẩm trí tuệ cần phải được bảo hộ. Cá nhân tôi cho rằng, hành động tẩy chay việc ăn cắp công sức phóng viên như vậy trước sau gì cũng cần phải có.

Cần phải có những hành động quyết liệt hơn để những trang web kiểu như Báo Mới không thể bỏ qua sức lao động của anh em phóng viên được. Điều nữa, báo chí ngoài chức năng hoạt động dẫn dắt xã hội thì còn có chức năng kinh doanh và có thể được ví cơ quan báo chí như một doanh nghiệp có thu chi và mang về lợi nhuận.

 Nhà báo Trần Duy.

Vậy, xét ở góc độ nào đó, báo chí cũng được xem như là một doanh nghiệp, mà doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển được thì phải có vốn và lợi nhuận. Những tin bài của cơ quan báo chí là những sản phẩm mà cơ quan báo chí đã phải trả tiền để thu lại lợi nhuận. Những website như Báo Mới, Tin Mới không bỏ tiền kinh doanh mà lấy sản phẩm từ cơ quan báo chí khác để thu lợi nhuận là không thể chấp nhận được.

Trang baomoi cũng đã lừa dối những trang báo khác về việc dẫn đường link để “giúp” các báo điện tử tăng lượng truy cập là không đúng. Rõ ràng, khi xem đường dẫn (URL) thì thấy rằng, tin bài vẫn hoàn toàn nằm trên giao diện cơ bản của trang baomoi. Do vậy, lợi ích của trang Báo Mới lấy lại tin bài của các trang báo khác là nhiều hơn so với những trang báo trực tiếp sản xuất tin bài.

Ở đây, theo tôi, các tờ báo cũng không được lợi gì khi trang Báo Mới lấy lại tin bài. Báo Mới đang lợi dụng những tờ báo khác để kinh doanh và người hưởng lợi là Báo Mới chứ không phải những tờ báo khác. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ trong việc tẩy chay những trang web đại loại như thế này!

Phóng viên Hoàng Tuân (Báo điện tử VietQ): Cả làng báo phải quyết tâm mới diệt được "tầm gửi"

Tuy có nhiều tờ báo hưởng ứng phong trào "diệt tầm gửi" của Petrotimes, nhưng vẫn còn những biểu hiệu ngại ngần của nhiều Tổng biên tập và một số anh em phóng viên. Nếu chỉ cần tất cả các báo yêu cầu các trang tin điện tử không được phép lấy lại bài của báo mình và phải trả phí bản quyền tất cả những bài báo đã bị "ăn cướp"... thì những ai vi phạm sẽ bị xử lý thích đáng.

Quan trọng hơn, nó sẽ làm cho báo chí chúng ta nhân văn hơn. Có lẽ, nhiều người trong chúng ta không khỏi chạnh lòng khi người thân, bạn bè hay kêu: báo chí dạo này "nhảm" quá. Những nhà báo nghiêm túc hẳn sẽ suy tư khi hàng ngày, những đứa trẻ truy cập vào các trang tin điện tử với đầy rẫy sock, sex... Rồi đây, những cái đó sẽ ảnh hưởng đến nhân cách các em thế nào.

Rồi trong nội bộ anh em làm báo cũng tâm tư. Tại sao mình phải lăn lộn khi có những kẻ ngồi nhà, hưởng thành quả của mình mà thu nhập vẫn cao hơn... Tất cả phải dần dần được đưa vào khuôn khổ của pháp luật.

Petrotimes hãy giữ đúng chất dầu khí, cứ thắp ngọn lửa "diệt tầm gửi" lên, tôi tin chắc rằng anh em làng báo sẽ hết sức ủng hộ.

Mặc dù Báo Mới đã có lời xin lỗi chính thức tới báo điện tử Petrotimes về việc sử dụng các tin, bài mà không có sự cho phép, tuy nhiên, lời xin lỗi không thể xóa đi thực trạng là các báo điện tử đang bị những vật ký sinh như tinmoi.vn, baomoi.com... ăn bám trên lưng.

Và việc các nhà báo lên tiếng ủng hộ Petrotimes cũng là bảo vệ quyền lợi của chính mình. Petrotimes cần thêm những tiếng nói đoàn kết và mạnh mẽ từ các đồng nghiệp để bảo vệ công sức lao động của người làm báo!

 

Đỗ Hưng - Vương Tâm