Lãi suất tiếp tục giảm, doanh nghiệp chưa mừng!

09:25 | 28/05/2012

475 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối tuần qua, ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất huy động vốn xuống còn 11% áp dụng từ ngày 28/5; lãi suất cho vay vốn cũng đang ở mức 14%. Tuy nhiên, dù lãi suất giảm nhưng cả doanh nghiệp và ngân hàng đều cho rằng các doanh nghiệp đang khó khăn sẽ khó tiếp cận được với nguồn vốn vay.

Mặc dù, lãi suất đã giảm xuống song hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng, việc giảm lãi suất như trên là điều tốt nhưng chưa đạt yêu cầu. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM nhấn mạnh “Doanh nghiệp đang còn "lấn cấn” trong đầu tư bởi trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì lãi suất cho vay có ở mức 14% thì vẫn cao. Chỉ khi nào lãi suất trung và dài hạn ở mức 8 – 10% doanh nghiệp mới mạnh dạn tập trung vào đầu tư sản xuất”.

Với mức giảm lãi suất tiền gửi là 11%, lãi suất cho vay khoảng 14% những doanh nghiệp đang “bệnh nặng” vẫn chưa đủ điều kiện để phục hồi. Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Cổ phần Thanh Bình (tỉnh Đồng Nai) khẳng định: “Hiện nay cái doanh nghiệp cần chính là cơ hội kinh doanh, đầu ra cho sản phẩm chứ không hẳn là lãi suất cao hay thấp. Lãi suất 14% doanh nghiệp chưa chắc đã tính đến chuyện vay tiền. Giả sử, nếu có vay thì cũng chỉ áp dụng vào đầu tư ngắn hạn, còn đầu tư trung và dại hạn thì mức lãi suất trên vẫn đang còn khá bấp bênh”.

Theo phản ánh của rất nhiều doanh nghiệp, sau hai lần hạ lãi suất doanh nghiệp có vẻ hồ hởi hơn và tìm cách tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhưng kết quả không như ý muốn vì lãi suất giảm nhưng tiếp cận với nguồn vốn được hay không lại là chuyện khác.

Dù lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp đang gặp khó khăn khó có thể vay được vốn ngân hàng

Ông Huỳnh Văn Minh nhận định: “Lãi suất càng thấp, ngân hàng càng siết chặt thủ tục cho vay và chỉ những doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh khả thi lắm mới có thể tiếp cận được mức lãi suất như hiện nay. Doanh nghiệp nào phát triển tốt lại được cho vay, còn những doanh nghiệp đang “ngắc ngoải” thì rất khó tiếp cận. Thiết nghĩ, về vay vốn ngân hàng cũng nên nới lỏng chút đỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất. Nếu như doanh nghiệp trình dự án khả thi thì ngân hàng cũng nên xem xét cho doang nghiệp vay. Ngân hàng cũng nên nhìn vào phương án kinh doanh chứ không nên chỉ nhìn vào tài sản thế chấp của doanh nghiệp”.

Phía ngân hàng cũng cho rằng, dù lãi suất có hạ nhưng ngân hàng vẫn khó có thể cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn vay vốn. Ông Trần Xuân Giá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) khẳng định, bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Ngân hàng cũng phải đang tiếp tục lo cho chính mình, lo đổ vỡ. Chính vì vậy, họ phải đảm bảo tín dụng đó chất lượng mới cho vay chứ không thể cho vay với bất cứ giá nào. Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ giữa 2 doanh nghiệp với nhau, dựa vào thỏa thuận, chứ không phải là mối quan hệ như Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp. Do đó, theo tôi, hiện nay điều quan trọng nhất không phải là giảm lãi suất mà cần hơn cả là Nhà nước phải ra tay cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đến ngân hàng vay vốn mà còn nợ thì không có cách gì để ngân hàng có thể cho vay.

Mai Phương