Lại ồn ào chuyện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

07:00 | 31/03/2018

2,053 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cứ đến mỗi mùa phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lại xảy ra những chuyện ồn ào, tranh cãi giữa người được lựa chọn và người không được lựa chọn.  

"Điệp khúc” xin - cho

Tháng 2-2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã công bố danh sách 12 nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND, có 2 trường hợp được đặc cách xét tặng danh hiệu là nghệ sĩ Bùi Xuân Hanh và nghệ sĩ Trần Hạnh.

Trong đó, trường hợp của nghệ sĩ Công Lý đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng, đồng nghiệp. NSƯT Công Lý sinh năm 1973, là nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội. Anh được biết đến nhiều với các vai diễn hài, đặc biệt là vai Bắc Đẩu ở “Gặp nhau cuối năm”. Ngoài ra, NSƯT Công Lý còn đã được biết đến qua các vai diễn trên phim truyền hình, phim truyện nhựa.

lai on ao chuyen xet tang danh hieu nsnd nsut
NSƯT Công Lý trong vai Bắc Đẩu

Tương tự, trường hợp của nghệ sĩ Tự Long khi được xét danh hiệu NSND năm 2017 cũng gây nhiều chú ý.

Cả hai nghệ sĩ này đều có tuổi đời rất trẻ, trong khi có nhiều nghệ sĩ cũng đủ tiêu chuẩn, tuổi đời, tuổi nghề đều hơn Công Lý, Tự Long lại không được xét tặng NSND. Chẳng hạn, nghệ sĩ Chí Trung, nghệ sĩ Minh Hằng dù đã làm hồ sơ và đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được xét tặng. Hay như NSƯT Hoài Linh, mặc dù tên tuổi đã “phủ sóng” rộng khắp làng hài cả nước nhưng danh hiệu NSND vẫn còn là điều xa vời do thiếu những tiêu chuẩn như huy chương, tham gia hội diễn…

Là 1 trong 2 NSƯT được đặc cách xét danh hiệu NSND trong đợt này, nghệ sĩ Trần Hạnh chia sẻ: “Nhiều người vẫn quen suy luận, đặc cách là không đủ tiêu chuẩn mà vẫn được xét hoặc được ưu tiên hơn so với những người cùng tiêu chuẩn vì một lý do nào đó. Thế thì quả thật tôi chưa hiểu mình có thuộc 1 trong 2 trường hợp ấy không. Với một người gần như cả đời đi diễn như tôi thì danh hiệu có hay không cũng không quá quan trọng. Hơn nữa, nghệ sĩ đều có tự trọng, chẳng ai năm lần bảy lượt làm hồ sơ hay đi xin danh hiệu đâu”.

Bên cạnh tranh cãi xoay quanh những nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu, NSND Minh Châu bày tỏ: “Với tâm lý của một nghệ sĩ, tôi nghĩ nên thay đổi cách để tôn vinh người nghệ sĩ. Cá nhân tôi không thích kiểu “xin - cho”, nghệ sĩ luôn thích ngẩng cao đầu để đạt được danh hiệu, chúng tôi cống hiến chứ không đi xin, vậy tại sao phải làm hồ sơ xin xét tặng? Danh hiệu là niềm tự hào, không phải căng thẳng xem thiếu mục nào, đi xin chữ ký chỗ nọ, xin chữ ký chỗ kia. Là người cũng từng phải làm những việc đó, tự nhiên tôi cảm thấy bản thân bị hạ thấp”.

Danh hiệu trong lòng nhân dân

Có thể nói, việc xét danh hiệu NSƯT, NSND, ngoài việc công nhận những thành tựu, còn là sự vinh danh những đóng góp của nghệ sĩ đối với xã hội, với đời sống văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những quy định “cứng” đôi khi trở thành những rào cản khiến cho việc vinh danh nghệ sĩ gặp nhiều trở ngại.

Nhiều nghệ sĩ khi qua đời mới được truy tặng danh hiệu như NSƯT Văn Hiệp, NSND Phương Thanh, NSND Anh Dũng… Hay như nghệ sĩ Tố Uyên từng phải lận đận làm hồ sơ xin xét duyệt tới 3 lần và qua 10 năm chờ đợi mới chạm tay được vào danh hiệu NSƯT. Có những nghệ sĩ từ chối làm hồ sơ xét danh hiệu NSND, như trường hợp của cố NSƯT Phạm Bằng. Ông từng chia sẻ: “Thuở mình mới vào nghề đã có những danh hiệu kia đâu, mình vẫn đi diễn vì niềm đam mê trong sáng. Thời chúng tôi, bao người đã gửi cả máu thịt vào vai diễn. Thế là thanh thản rồi”.

NSND Lan Hương đưa ra ý kiến: “Tôi quan niệm về tài năng hơi khác một chút với cách Nhà nước xét tặng. Tuy nhiên, hiện nay phần cứng vẫn phải căn cứ vào các kỳ hội diễn vì đôi khi các hội đồng trong đơn vị nhìn nhận chưa chính xác cũng làm cho các nghệ sĩ gặp thiệt thòi”.

Có thể nói, đối với nghệ sĩ, phần thưởng cao quý nhất vẫn là sự yêu mến và chỗ đứng của họ trong lòng khán giả. Tuy nhiên, những giải thưởng, danh hiệu NSND, NSƯT - những danh hiệu cao quý mà Nhà nước trao tặng - chính là sự ghi nhận công lao, sự cống hiến, góp phần tạo động lực cho nghệ sĩ trên con đường nghệ thuật. Các danh hiệu sẽ trở nên ý nghĩa khi được trao đúng lúc, đúng chỗ, để nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo.

Chính vì thế, để danh hiệu được trao đúng người, đúng tài năng thì bên cạnh những quy định cứng về huy chương, các nhà quản lý cũng cần xem xét ý kiến của dư luận xã hội để có cái nhìn khách quan, toàn diện. Bởi xét cho cùng, đối với nghệ sĩ, danh hiệu nào cũng không quan trọng bằng danh hiệu trong lòng nhân dân!

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghệ sĩ được xét danh hiệu NSND khi hội đủ bốn yếu tố:

Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và các quy chế của cơ quan, tổ chức và địa phương.

Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tuỵ với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên (riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên).

Đã được tặng danh hiệu NSƯT và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.