Ký ức ngày Tổng khởi nghĩa ở thủ đô

11:18 | 19/08/2011

458 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lật giở từng trang ảnh kỷ niệm, ông Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc) nhớ lại mùa thu hào hùng năm 1945 và những người bạn trong Đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu Lê Đức Vân năm xưa nay tóc đã bạc, lưng đã còng.

Là cựu học sinh của trường Bưởi, ông Lê Đức Vân được người bạn học Vũ Oanh (tên thật là Vũ Duy Trương) giác ngộ cách mạng. Ông tham gia tổ chức “Tu Thân” (sau này đổi tên thành Đội Ngô Quyền) của ông Vũ Oanh để rèn luyện sức khỏe, học tập và tìm hiểu về con đường của những vị lãnh đạo yêu nước…

Vũ Oanh, Lê Đức Vân cùng gần 40 thành viên của đội sau đó được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc và ít lâu sau đứng vào hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi trường Bưởi phải sơ tán đến khu an toàn, ông Vân cùng đồng đội bỏ học ở lại Hà Nội chiến đấu. Bí danh Lê Đức Vân (do ông Vũ Oanh đặt), Vân "Bụ” (vì ông khá bụ bẫm) cũng được ra đời từ đó.

Nhiệm vụ của ông Vân là trị sự, in ấn, phát hành tờ báo Hồn Nước, rải truyền đơn và phụ trách một số tổ Thanh niên cứu quốc từ Cầu Giấy dọc theo đường Láng đến Ngã Tư Sở. Tháng 6/1945, ông Vũ Oanh được cử làm Trưởng đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội đi Tân Trào dự Quốc dân đại hội, ông Vân được giao phụ trách toàn bộ thành đoàn Hà Nội cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám diễn ra.

Giờ đây, người chiến sĩ có biệt danh Vân "Bụ” đã lên chức ông, đôi bàn tay đã nhăn nheo và lưng đã còng đôi chút, thế nhưng ông vẫn còn nhớ rõ thời khắc quan trọng những ngày tổng khởi nghĩa. Lúc ấy, quân đội Liên Xô đã đánh tan gần một triệu quân Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc), buộc Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện.

Trong hoàn cảnh đó, đồng minh lăm le quay trở lại Việt Nam dưới danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật. Lãnh đạo mặt trận Việt Minh xác định đây là thời cơ tổng khởi nghĩa bởi nếu để muộn hơn, khi quân đồng minh vào, cùng một lúc không thể đối phó với thù trong, giặc ngoài hùng mạnh.

Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, tại Tân Trào diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị nhận định: "Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi… Quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, hàng ngũ chỉ huy Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa giành chính quyền độc lập”.

Từ nhận định đó, hội nghị đi đến quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Anh, quân Tưởng Giới Thạch vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật và thực dân Pháp chưa kịp tập hợp lực lượng, điều quân vào xâm lược Việt Nam lần nữa.

Buổi chiều 17/8/1945, tại Nhà hát lớn, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Khi chúng mới chỉ kịp tuyên bố khai mạc thì người của Việt Minh xông lên cướp micro.

Ông Vân nhớ, hai người phụ nữ là Kiều Trang (Từ Trang Anh, thành viên của đội cứu quốc thành Hoàng Diệu) và Nguyễn Khoa Diệu Hồng (thành viên của Đảng Dân chủ) lên sân khấu thông báo với mọi người rằng Nhật đã đầu hàng, rồi hô hào đồng bào ủng hộ Việt Minh cướp chính quyền, đòi độc lập. Từ trên tầng hai Nhà hát lớn, lá cờ đỏ sao vàng được buông xuống.

Ngay sau đó, một thành viên trong đội danh dự đã lấy từ trong người ra lá cờ đỏ sao vàng to, có cán, quay đầu hô "tiến lên”. Do anh đứng ở cuối đoàn nên khi quay đầu trở thành người dẫn đường. Những người tham dự mít tinh cũng xoay người đi theo anh. Cả đoàn nhằm hướng Tràng Tiền tiến lên. Đoàn đi đến đâu, người dân từ hai bên đường ra gia nhập đến đó. Vừa đi mọi người vừa hô "Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập”.

Ông Lê Đức Vân vinh dự được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1993

Ông Vân cho biết, đoàn diễu hành sau khi đi hết Tràng Tiền lại qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Phan Đình Phùng… Khi đi qua Chủ tịch phủ (nơi Tư lệnh quân Nhật đóng), quân địch ở đây không có phản ứng gì mà chỉ đứng nhìn. Đoàn diễu hành tiếp tục đi qua Trần Phú, Cửa Nam rồi dừng lại trong tiếng súng bắn chỉ thiên của lính bảo an. Từ đây, đoàn diễu hành chia thành các nhóm nhỏ đi về các phố biến thành hàng chục cuộc diễu hành nhỏ, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu "Việt Nam độc lập” cho đến 19, 20h mới tan.

"Số người tham gia diễu hành lúc đó phải lên tới 10.000 người. Cuộc mít tinh của địch đã nhanh chóng biến thành biểu tình, tuần hành của ta ngoài dự kiến. Chúng tôi thấy rằng đây là đỉnh điểm của sự quật khởi, lãnh đạo mặt trận Việt Minh phải nắm lấy thời cơ đề phòng tinh thần hừng hực của người dân lắng xuống”, ông Vân nói và cho hay, khi vừa tham gia đoàn diễu hành về đến nhà thì nhận được lệnh đi họp gấp.

Cuộc họp diễn ra lúc 21h, tại nhà một gia đình là căn cứ cách mạng ở thôn Dịnh Vọng. Đây là hội nghị của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng mở rộng. Có 9 người tham gia trong đó có ông Nguyễn Quyết (bí thư thành ủy), ông Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy (cán bộ xứ ủy).

Cuộc họp nhanh chóng quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8. Các thành viên kiểm tra lại lực lượng xem có bao nhiêu hội viên, vũ khí có những gì và bàn phương thức khởi nghĩa. "Khởi nghĩa như thế nào khi Hà Nội có 20.000 lính Nhật, lực lượng hội viên mặt trận chưa đến 1.000 người, vũ khí chỉ có vài khẩu súng, mã tấu” là vấn đề được đưa ra.

Các thành viên phân tích, thời điểm ấy, Nhật đã đầu hàng đồng minh nhưng lệnh chưa được chuyển đến Hà Nội. Nếu mình đánh, chúng phản ứng lại thì không đủ sức chiến đấu. Thế nên hội nghị chủ trường trung lập hóa quân Nhật. Khi lực lượng của ta diễu hành qua các tuyến phố chúng chỉ nhìn mà không phản ứng, như vậy, nếu mình không đánh, họ cũng sẽ không đụng mình.

Phương án mà các thành viên tham dự hội nghị đưa ra là sẽ cử người sang thương lượng với Nhật, rải truyền đơn thông báo rằng "Nhật đã đầu hàng đồng minh, việc giành chính quyền là việc của chúng tôi, đề nghị quân đội Nhật không can thiệp vào”.

Cuộc họp cũng phân công ông Vân đảm trách việc tổ chức khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội, sau khi hoàn tất sẽ về dự mít tinh tổng khởi nghĩa trong nội thành. Việc này rất quan trọng bởi trước đây, hoạt động cách mạng có thể đứng được là nhờ khu vực ngoại thành. Ông Nguyễn Quyết sẽ cùng với đội tuyên truyền thành Hoàng Diệu chiếm trại Bảo an binh, ông Nguyễn Khang (chủ tịch mặt trận khởi nghĩa) chiếm phủ Khâm sai…

Cuộc họp kéo dài đến rạng sáng 18/8, các thành viên trở về địa bàn được phân công, bí mật phổ biến kế hoạch với lực lượng tự vệ xung phong và nhân dân, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện để đồng loạt khởi nghĩa vào hôm sau.

Sáng sớm 19/8, lực lượng cách mạng ngoại thành tổ chức mít tinh, nhân dân làng Cót tuyên bố lật đổ chính quyền. Sau đó, đoàn diễu hành kéo đến các làng như Quan Nhân, Chính Kinh, tuyên bố xóa chính quyền cũ, khẳng định Nhật ủng hộ đồng minh. Trước khí thế đó, bọn tay sai sợ hãi, vội vàng nộp con dấu, sổ sách cho chính quyền cách mạng.

Cũng trong buổi sáng, mũi hai tổ chức mít tinh ở làng Mọc, Quan Nhân sau đó sang làng Cự Lộc rồi về Chính Kinh tụ họp. Mỗi lần di chuyển, lực lượng tham gia lên tới hàng chục nghìn người vừa đi vừa hô hào. Cả đoàn đi ra đường Láng, Thái Hà rồi đổ ra Ngã Tư Sở.

Tại đây, phường hát cô đầu (hát ả đào), binh lính địch, lính bảo an cũng giao súng cho lực lượng ta và tham gia diễu hành. Lực lượng tự vệ xung phong ngoại thành đã làm chủ được tình thế nên tiến lên chiếm Đại lý Hoả Long, bắt được tuần phủ Đặng Vũ Niết. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng ngoại thành hoàn toàn thắng lợi.

Ở trong nội thành sáng 19/8 cũng tổ chức mít tinh và chia thành hai mũi chiếm Trại Bảo an binh, phủ Khâm Sai. Tại Trại bảo an binh, do không mở được cửa vào, lực lượng ta bao vây quanh trại. Bên ngoài, 4 xe tăng Nhật chĩa súng vào ta. Trong tình thế nguy cấp đó, ông Lê Trọng Nghĩa được cử đi thương thuyết với Nhật.

Với tài đàm phán và thuyết phục khéo léo, ông đã khiến quân Nhật rút lui, lực lượng của ta chiếm Bảo an binh, chiếm vũ khí và phân phát cho tự vệ, đồng thời, bầu Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời ngoại thành để làm nhiệm vụ thu hồi sổ sách, giấy tờ của chính quyền cũ.

"Cuộc cách mạng đã thắng lợi, thủ đô được giải phóng nhưng chúng ta không hề phải đổ máu. Chiến thắng này không phải trong ngày một, ngày hai chúng ta làm được mà phải chuẩn bị từ vài năm trước”, ông Vân phân tích.

Ngày 2/9/1945, hàng chục nghìn người dân đã tập trung tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. "Tiếng hô xin thề, xin thề của nhân dân ta và câu hỏi chân tình "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không” của Bác Hồ tôi không bao giờ quên được. Đó là những ngày tháng gian khổ, hào hùng nhưng cũng hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”, ông Vân nói.

Theo VNE