Kinh tế Việt Nam nửa cuối 2024: Chờ những gam màu tươi sáng

10:49 | 12/07/2024

864 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáu tháng đầu năm Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,42% - cao hơn nhiều so với dự báo. Mặc dù vậy, để chạm mục tiêu tăng trưởng cả năm trong khoảng 6-6,5% - là ngưỡng Quốc hội đề ra từ đầu năm - thì 6 tháng cuối năm 2024 Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành còn rất nhiều điều phải làm.
Kinh tế nửa cuối 2024: Chờ những gam màu tươi sáng

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2024 đạt mức tăng trưởng cao.

Vững vàng trên thế khó

Kinh tế Việt Nam khởi đầu năm 2024 trong một vị thế tương đối khó khăn. GDP năm 2023 chỉ đạt hơn 5%, nền kinh tế hồi phục chậm chạm. Trong khi chính sách tài khoá tiền tệ dù được đánh giá là tích cực, song lại bị “làn gió ngược" khiến các ngành, các Doanh nghiệp chưa thể tận dụng được tối đa lợi thế.

Năm 2023, nhằm tháo gỡ cho nền kinh tế Chính phủ đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành, tạo nền lãi suất thấp để hỗ trợ cho các ngành sản xuất cũng như bất động sản đang bị “đóng băng". Tuy nhiên, trên thế giới các ngân hàng trung ương lại vẫn neo lãi suất ở mức cao, tạo thành làn gió ngược khiến cho nhiều ngành (nhất là các ngành phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu gặp thế bất lợi). Bên cạnh đó, dù đã được tháo gỡ khó khăn, song ngành bất động sản - một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế - vẫn hồi phục khá chậm chạp.

Điểm sáng trong 6 tháng đầu năm thuộc về khu vực dịch vụ, khi tăng 6,64%, đóng góp 49,76% trong tỷ trọng của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%.

Hoạt động giải ngân FDI trong 5 tháng đầu năm ước đạt 2,592 tỷ USD, tăng 9,37% so với cùng kỳ, và đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2002 đến nay. Xét về tiêu dùng, hoạt động doanh thu bán lẻ đang gia tăng, mặc dù mức tăng cũng chưa quá ấn tượng nhưng việc giảm thuế VAT từ nay cho đến cuối 2024 sẽ kích thích tiêu dùng và điều đó cũng kích thích cho các hoạt động dịch vụ và tăng trưởng khách du lịch.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất, với 84%; cá ngừ cũng tăng tích cực với 22%; xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%; xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ.

Mỹ là thị trường ghi nhận tín hiệu tích cực nhất, với mức tăng trưởng 7%, đạt 605 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU tương đương cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%. Riêng thị trường Trung Đông có mức tăng mạnh 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe cho biết: “Mục tiêu của ngành thủy sản là đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, mặt hàng tôm nỗ lực phấn đấu đạt mức 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.

Tương tự thuỷ sản, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may đã "tạo đáy" đi lên. Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đa phần các công ty may của tập đoàn đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn cho những tháng tiếp theo. Toàn bộ lao động của họ vẫn duy trì lực lượng, thu nhập tương đương năm 2023.

Nhận định về tình hình kinh tế trong nước 6 tháng cuối năm, Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi thời tiết bước sang mùa mưa, tình trạng nắng hạn và xâm nhập mặn không còn là mối lo ngại với người sản xuất nông nghiệp.

Ngành công nghiệp và xây dựng, với sự phục hồi của kinh tế thế giới, công nghiệp 6 tháng đầu năm đã có tăng trưởng đáng ghi nhận là tiền đề cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III khả quan hơn quý II với 40,7% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 42,2% doanh nghiệp giữ ổn định là một tín hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng tới.

Ngành dịch vụ có cơ hội phát triển trong 6 tháng cuối năm khi quý III tiếp tục là mùa du lịch cao điểm, khai thác tốt hoạt động du lịch sẽ lan tỏa mạnh tới khối ngành dịch vụ thị trường. Bên cạnh đó, có những ngày nghỉ lễ kéo dài, mùa tựu trường và nhu cầu mua sắm cao điểm vào cuối năm sẽ tác động tích cực tới khối ngành dịch vụ.

Kinh tế nửa cuối 2024: Chờ những gam màu tươi sáng 2
Dệt may, Thuỷ sản... là những ngành khởi sắc trong nửa đầu năm 2024.

Kỳ vọng hoàn thành chỉ tiêu GDP cả năm

Mặc dù đã đạt được bước phát triển rất đáng khích lệ trong nửa đầu năm, song hiện kinh tế Việt Nam vẫn còn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Trước hết, bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Giá xăng dầu, nguyên vật liệu, giá cước vận tải và giá vàng thế giới biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu.

Ngân hàng Thế giới đánh giá GDP toàn cầu năm 2024 chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị và dự báo kinh tế thế giới tăng 2,6%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước, thấp hơn mức tăng 3,1% của năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo GDP toàn cầu năm 2024 tăng 3,2%. Căng thẳng địa chính trị dai dẳng, có thể leo thang lên mức nguy hiểm, vấn đề biển Đỏ, mức nợ cao và tính bấp bênh của các nền kinh tế tác động tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu.

Khu vực doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu lao động có kỹ năng. Theo báo cáo của VCCI, trong năm 2024, chỉ khoảng 27% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở rộng sản xuất, thấp hơn 5 điểm phần trăm số kỳ vọng của năm 2022. Khó khăn của doanh nghiệp được phản ánh qua số doanh nghiệp rời bỏ thị trường rất cao, có thời điểm cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập…

Tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khả năng tài chính hạn hẹp là nguyên nhân chủ yếu khiến số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024 ở mức cao, gần xấp xỉ với số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Bên cạnh đó việc FED hiện nay vẫn duy trì ở mức lãi suất khá cao sẽ tác động khá nhiều đến nền kinh tế mở của Việt Nam. Các chính sách được đưa ra rất đúng hướng, những khả năng thực thi hiện khá chậm, điều đó cũng kéo ì cho sức tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra một số hoạt động mà chúng ta nghĩ rằng sẽ đi nhanh vào thực tế, giống như việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam chẳng hạn - thì đến hiện nay có những yếu tố cho thấy việc này vẫn đang ở một giai đoạn khá chậm so với kỳ vọng, trong khi thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ thu hút nhiều dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngày 18/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nghị quyết đã đề ra mục tiêu, phương châm và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm một cách khá toàn diện, cụ thể, đồng bộ, đề cập tới nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện trong thời gian tới với mục tiêu: Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Điều hành hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao, kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao.

Dựa vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết số 93/NQ-CP, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa những nhiệm vụ được giao, xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó Chính phủ cần tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống VBQPPL về xuất nhập khẩu…

Yên Chi

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc