“Kiến đảng vĩ nghiệp” và nghệ thuật tuyên truyền

10:40 | 06/09/2011

2,538 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với mục tiêu có được một bộ phim hoành tráng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, 2 đạo diễn Hà Bình và Ngô Vũ Sâm đã bắt tay thực hiện “Kiến đảng vĩ nghiệp”, không chỉ khẳng định chiều kích của điện ảnh Trung Quốc mà còn chứng minh giá trị đích thực của nghệ thuật tuyên truyền.

"Kiến đảng vĩ nghiệp” tạo được thành công vang dội.

Nếu ai từng nghĩ đề tài chính trị khô khan, không thể làm được tác phẩm hấp dẫn, thì doanh thu kỷ lục của “Kiến đảng vĩ nghiệp” có thể mang lại nhận thức mới.

Có độ dài 120 phút, bộ phim “Kiến đảng vĩ nghiệp” tập trung phản ánh những khoảnh khắc trong biến động 10 năm từ khi Phổ Nghi thoái vị đến ngày Đảng cộng sản Trung Quốc ra đời. Khoảng thời gian 1911-1921 ấy có thể xem như một giai đoạn đen tối của lịch sử Trung Quốc, không chỉ vì giấc mộng xưng đế của Viên Thế Khải mà còn vì sự chia rẽ bè cánh dẫn đến thanh trừng lẫn nhau giữa những người làm cách mạng. Tuy bối cảnh trải dài và quá nhiều nhân vật, nhưng “Kiến đảng vĩ nghiệp” vẫn tạo được ấn tượng đậm nét cho người xem nhờ sự dàn dựng tỉ mỉ và chi tiết chăm chút. Ngoài các tên tuổi lẫy lừng như Tôn Văn, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai…, bộ phim “Kiến đảng vĩ nghiệp” cũng giúp người xem mường tượng được vai trò và diện mạo các gương mặt khác có đóng góp cho sự thay đổi xã hội Trung Quốc đầu thế kỷ 20 như Tống Giáo Nhân, Thái Ngạc, Hồ Thích, Lý Đại Siêu…

Sở dĩ “Kiến đảng vĩ nghiệp” tạo được thành công vang dội, đầu tiên phải kể đến sự đầu tư nghiêm túc. Hầu như tất cả những diễn viên nổi tiếng nhất của Hong Kong và Trung Quốc đều được mời đến trường quay như Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Lưu Diệp, Trần Khôn, Trương Chấn… Ngay cả những mỹ nữ danh vọng hàng đầu điện ảnh Hoa ngữ cũng góp mặt, dù vai diễn của họ chỉ thoáng qua như Phạm Băng Băng vai Long Dụ thái hậu, Đổng Khiết vai Tống Khánh Linh…

Lưu Diệp và Lý Thấm vào vai đôi vợ chồng Mao Trạch Đông - Dương Khai Tuệ trong phim Kiến đảng vĩ nghiệp.

Bộ phim “Kiến đảng vĩ nghiệp” giúp công chúng hiểu rằng, nghệ thuật tuyên truyền luôn cần được huy động tài lực và trí lực một cách sáng tạo, chứ không thể áp đặt thô thiển và vụng về. Nghệ thuật tuyên truyền không phải là chuyện đơn giản cờ – đèn – kèn – trống để đưa ra một tác phẩm nửa nghệ thuật nửa tuyên truyền. Đề tài chính trị chỉ có sức lay động khán giả khi và chỉ khi ý niệm tuyên truyền được thiết lập bằng vẻ đẹp nghệ thuật!

Từ bộ phim “Kiến đảng vĩ nghiệp” có thể giúp điện ảnh Việt Nam có thêm nhiều gợi ý thú vị để làm được những bộ phim phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng và gìn giữ lòng yêu nước cho nhân dân!

Trong quá trình hội nhập sâu rộng, với tầm nhìn quốc gia, phải xem nghệ thuật tuyên truyền như một bài toán kinh tế, mà bên cạnh năng lực quản lý tương thích với quy mô dự án, còn cần thêm trình độ thẩm mỹ nữa!

Tâm Huyền