Kiếm sống trên “núi” rác Bắc Ninh

07:00 | 15/06/2013

1,687 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những thứ rác thải bỏ đi nhưng được người ta gom, nhặt đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhưng ở môi trường ô nhiễm, tôi lại sực nhớ và liên tưởng đến các cơ quan, ban, ngành chuyên trách về vấn đề rác thải sinh hoạt, rồi đến cả những “ông” quản lý môi trường… Chung quy lại là trách nhiệm của những người liên đới. Câu chuyện mà tôi kể là sự ghi nhận từ một bãi rác ở khu vực Cầu Ngà, xã Vân Dương và phường Đại Phúc (TP Bắc Ninh).

Tiếp cận bãi Đồng Ngo

Chúng ta dễ nhìn thấy hàng chục con người lấm lem, nhem nhuốc đang hì hục dùng tay bới, cào, gom nhặt trên bãi rác. Tất thảy họ đều hy vọng nhặt nhạnh được những thứ gì còn sót lại có giá trị đem bán. Những con người ấy lầm lũi  mưu sinh, có người phải gánh trên vai cả gia đình mà dửng dưng họ “quên” đi nguy hiểm, nguy cơ dịch bệnh luôn cận kề, rình rập.

Sự tồn tại của bãi rác gần chục năm nay đã khiến cả khu vực này ngập chìm trong biển rác. Đứng ở Quốc lộ 18, nhìn từ xa, bãi rác Đồng Ngo lộ thiên cao ngất nằm bên cánh đồng lúa. Cách xa chừng nửa cây số, người đi đường đã bị “tra tấn” bằng đủ thứ mùi xú uế, mùi hôi thối xốc ngược vào sống mũi đến buồn nôn.

Lạ thay, ở cái trung tâm TP Bắc Ninh vốn sầm uất, xanh, sạch đẹp mà lại có một bãi rác nằm án ngữ ngay cửa ngõ của thành phố? Đi ngược chừng hơn 2km, qua chiếc cầu vượt là đến bãi rác với diện tích rộng chừng 2,5ha. Tích tiểu thành đại, cứ thế bãi rác lan rộng dần ra bởi sự buông lỏng quản lý của địa phương.

Mỗi ngày có hàng chục con người mưu sinh tại bãi rác Đồng Ngo

Con đường dẫn vào bãi rác đã bị “băm” nát, bùn đất nhão nhoét. Bãi rác như một đại công trường với ngổn ngang những rác là rác. Rác chất cao hơn chục mét. Mới 6 giờ, chúng tôi có mặt tại bãi rác Đồng Ngo, hàng chục người nhặt rác đã đến đây từ rất sớm để bắt đầu một ngày kiếm sống. Tiếng người nhặt rác ý ới gọi nhau, tiếng xe chở rác, tiếng xe ủi rác gầm rú, khói đen kịt từ những chiếc máy múc chôn lấp rác tỏa ra cả một vùng.

Cơn mưa từ đêm trước khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc đến khó chịu. 7 giờ, những chiếc xe tải nặng hàng chục tấn từ TP Bắc Ninh chở rác từ từ “leo” lên “núi” rác, đôi lúc chiếc xe dừng lại rồi như muốn tuột dốc bởi trọng tải, đường trơn trượt. Ì ạch “lấy sức” rồi những chiếc xe rác cũng leo lên được đến đỉnh của bãi rác. Rác ào ào tuôn xuống.

Có lẽ với những ai quen sống trong môi trường máy lạnh thì tôi dám chắc không thể đứng được quá lâu ngay tại bãi rác này. Cửa bảo vệ vào bãi rác chỉ được chắn ngang bằng một cây gỗ lớn bị “ăn mòn” một đầu, cái cây này nâng lên hạ xuống nhiều lần trong một ngày

Khi ánh nắng mặt trời bắt đầu xuất hiện cũng là lúc những người nhặt rác tất bật chân tay. Chúng tôi xâm nhập bãi rác giống như những người hằng ngày vẫn quần quật “ngụp, lặn” và thậm chí bị “nhấn chìm” trong rác rưởi. Cảm giác “nổi da gà”, rùng mình khi đứng trước bãi rác khổng lồ ấy. Chao ôi! Thứ mùi “đặc biệt” chẳng lẫn vào đâu được.

Bà Hiền, một người dân ngoái cổ nói vọng trước lúc chúng tôi đặt chân vào bãi rác: “Ăn mặc đẹp, vai khoác balô như các chú mà cũng dám bước vào bãi rác ư?”. Tôi quay lại bảo với bà: “Ơ hay, chẳng nhẽ cứ ăn mặc đẹp, đầu tóc mượt mà, bóng lộn là sợ hôi hám, bẩn thỉu mà không dám bước vào bãi rác à”. Bà Hiền nói tiếp: “Ngẫm ra cũng ngược đời. Mấy ông cán bộ ở đây đến “thăm” bãi rác nhiều lần nhưng cứ ngồi trong xe ôtô rồi quan sát từ xa qua cửa kính. Có ông “liều” hơn thì chui ra khỏi xe nhưng tay bịt chặt lấy mũi, miệng, mặt nhăn nhó”. Vậy mà gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân phường Đại Phúc và xã Vân Dương phải chịu cái sự  “kinh hoàng” từ rác.

Nỗi lòng người nhặt rác

“Chúng tôi thì có gì để mà quay, mà chụp” - chị Liễu, một người nhặt rác có thâm niên ở đây nói với giọng buồn buồn. Hơn ai hết, tôi hiểu những con người lầm lũi “sáng trong rác, tối ngập chìm trong rác”. Tôi giơ chiếc máy ảnh để chụp thì liền bị những bàn tay của họ giơ lên che mặt. Không phải vì họ sợ, cũng không phải xấu hổ bởi việc đang làm mà họ đang cố gắng làm vì cuộc sống của chính bản thân và gia đình họ.

Họ bắt đầu nhặt rác. Dụng cụ bới rác là những chiếc cào sắt nhỏ hay có khi người ta dùng chính đôi bàn tay trần của mình để bới rác. Mười mấy con người đến từ nhiều nơi, đàn ông có, phụ nữ có, có cả trẻ tuổi và trung tuổi. Khuôn mặt họ được bít kín bằng khẩu trang, khăn, mũ, nón lá. Họ chỉ để lộ hai con mắt. Đôi chân họ có người đi ủng, người đi dép sơ sài, tay đeo găng tay bằng nhựa, vải.

Khi chiếc xe chở rác xuất hiện, những con người này dán mắt dõi theo. Chiếc xe tiến lên đỉnh bãi rác thì cũng là lúc nhóm người này lao đến quanh xe chở rác. Không cần chờ đợi xe đổ xong, ngay lập tức, nhóm người nhặt rác đã lao vào cào, bới. Họ bới, móc rồi lôi ra từ đống rác hỗn độn đủ những thứ phế liệu đen xì, những chai lọ bằng nhựa, bằng thủy tinh, giấy và túi bóng nữa…

Trên khuôn mặt đen sạm vì nắng nóng, lam lũ, anh Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Cực chẳng đã mới phải sống bằng cái nghề nhặt rác thôi chú ạ. Gần chục năm nay từ khi có bãi rác này thì nhiều người tìm về đây để nhặt phế liệu. Lâu dần, số lượng người nhặt rác tăng lên cũng đồng nghĩa với việc bát cơm đem chia đều cho tất cả”. 

Chị Bùi Thị Liễu năm nay hơn 40 tuổi, gầy guộc, làn da vàng, nhợt nhạt, đôi mắt quầng thâm, lõm sâu và hốc hác, nom thật yếu ớt. Từ 5 giờ, chị đã phải cơm gói muối đùm cọc cạch chiếc xe đạp từ Yên Phong vượt hơn 7km đến bãi rác Đồng Ngo này.

Thoáng chút nghi ngại, rồi chị kể về phận đời “gắn” mình với rác: “Mình theo nghề nhặt rác cũng đã ngót nghét 5 năm nay. Nhà có 3 đứa con đang tuổi ăn học, kinh tế chính chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng mùa được, mùa mất. Khi hai đứa con lớn theo học các trường đại học, cao đẳng cũng là lúc vợ chồng mình phải cắm đầu cắm cổ làm thuê, làm mướn đủ đường để lấy tiền cho con ăn học. Mình thất học đã đành, nhưng chúng thì không thể được. Chồng theo nghề phụ xây, còn mình thì đi nhặt rác. 3 năm nay, mình mắc phải căn bệnh thận, nhưng vì tương lai các con nên vẫn phải gắng gượng. May mắn lắm thì có ngày cũng để dành được hơn 100 nghìn đồng, ít thì 50-70 nghìn đồng. Người khôn, của khó là vậy”.

Trong câu chuyện dở, chị Liễu nhổm phắt dậy khi đồng nghiệp hô lớn “xe về, xe về…”. Mọi người lao về phía chiếc ôtô đang bò lên. Người “sống nhờ” rác lâu năm nhất ở đây là chị Lê Thị Hậu ở xã Vân Dương. Trước chị Hậu làm nghề buôn bán đồng nát. Khi bãi rác Đồng Ngo hình thành, chị Hậu chuyển sang nghề nhặt rác thuê cho một ông chủ tại bãi rác này. Mỗi ngày tùy vào lượng rác phân loại mà chị nhặt được để ông chủ trả tiền công. Gần 10 năm chấp nhận làm cái nghề này là chấp nhận đối phó với nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và bao nhiêu bệnh nguy hiểm khác. “Chị có sợ bị mắc, nhiễm bệnh không?” - chúng tôi hỏi. Không cần đắn đo, chị trả lời có phần hơi gắt gỏng: “Có chứ, ai mà không sợ bệnh. Muốn tránh cũng chẳng được, nếu sợ thì ai đứng ra gánh vác cả nhà tôi”.

Bữa cơm trưa và phút nghỉ ngơi tại bãi rác

Thật sự, có hỏi thì cũng chỉ hỏi là vậy thôi, chứ ai chẳng biết là trong rác ẩn chứa bao nhiêu dịch bệnh từ các đồ dùng bỏ đi như bơm kim tiêm của các con nghiện ma túy, hóa chất độc hại, rác thải từ một số nhà máy... Tai nạn thương tích từ các vật cứng bằng thủy tinh, kim loại sẽ là điều kiện dễ gây nên nhiễm trùng cho vết thương không lường trước được. Chị Hậu giơ ngón chân út đã bị cụt lên. Đây là hậu quả không may trong một lần chị giẫm phải mảnh vỡ thủy tinh khi đang nhặt rác, chị vĩnh viễn mất đi một ngón chân. Câu chuyện ấy khiến nhiều người có cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng.  

Mặt trời đã đứng bóng, khi xe rác ngừng hoạt động thì cũng là lúc những người nhặt rác nghỉ tay. Họ lại kéo nhau về ngôi lán được dựng tạm bợ cùng với những thứ nhặt được từ rác, họ cởi bỏ hết khăn mũ, lấy một ít nước mang theo từ chiếc can nhựa bé rồi chia nhau từng vốc nước đủ để ướt đôi bàn tay. Xong đâu đấy, họ mang cơm ra ngồi ăn một cách ngon lành giữa bốn bề là rác. Mặc cho ruồi nhặng, mặc cho đôi bàn tay vừa cào rác mới rửa vội chưa sạch. Cứ thế họ ăn ngon lành, ngấu nghiến. Bữa cơm chỉ có mấy quả cà muối, mấy miếng đậu phụ, một ít rau và bột canh làm “nước chấm”. Họ ăn thật nhanh để kịp chợp mắt hay ngả lưng một lúc trên những bao tải rác để rồi lại bắt đầu công việc vào buổi chiều. 

Ô nhiễm, dịch bệnh cận kề

Mỗi khi thời tiết thay đổi thì hàng chục hộ dân ở phường Đại Phúc và xã Vân Dương luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Bà Hảo, một hộ dân sống cạnh bãi rác tỏ vẻ bất bình mà phải thốt lên rằng: “Chúng tôi chịu hết nổi rồi nhà báo ạ. Cơm ăn chẳng ngon, ngủ chẳng yên. Mùa nắng thì bụi, mùi hôi thối “phả” vào nhà, khổ nhất là khi có những đợt gió nam nồm. Ruồi nhặng bay như ong. Mùa mưa, nước bẩn đen kịt từ bãi rác đổ về lênh láng chảy vào nhà dân. Hết mưa, muỗi phát sinh nhiều vô kể”. Chưa hết, mỗi khi bãi rác quá đầy, người ta tìm cách chôn rác ngay ở những khu ruộng bên cạnh để “mở rộng” diện tích. Rác quá tải, người ta lại nghĩ cách châm lửa đốt để khói tro mù trời.

Không chỉ phải cắn răng chịu đựng sự ô nhiễm về không khí đến kinh hoàng, khiếp sợ này. Tại đây, nguồn nước mặt và nước ngầm cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mục sở thị, nhiều phần diện tích xung quanh bãi rác trước đây là đất ruộng lúa năng suất thì nay bị “nhuộm” và phủ lên một màu đen đặc quánh. Cánh đồng rộng lớn bị bãi rác “bức tử”, nước ở những ruộng, ao gần đó đen đặc như mực. Những thảm thực vật, bèo tây chết ủng từng mảng lớn chờ phân hủy. Có lẽ, trong môi trường này sẽ không có một loại thủy sinh nào sống sót được. Và con người cũng đang chết dần chết mòn. Người dân đã làm đơn “kêu cứu” gửi các cấp, các ngành tỉnh Bắc Ninh nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.

Lý giải về sự tồn tại của bãi rác gây ô nhiễm tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Tiệm - nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho hay: “Bãi rác là nơi tập kết rác thải của cả TP Bắc Ninh và các khu vực lân cận, được đưa vào sử dụng cách đây khoảng 10 năm. Việc tập kết rác với số lượng quá lớn trong thời gian dài đã gây nên tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại địa phương. Rác phân hủy ngấm vào đất, lan rộng ra môi trường làm ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân tại các khu vực xung quanh”.

Cũng theo ông Tiệm, thời gian trước, rác thải tập kết để phân loại và chế biến thành phân vi sinh. Và sự ô nhiễm như hiện nay, UBND tỉnh, TP Bắc Ninh đã có phương án di dời bãi rác khổng lồ này đến Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) trong thời gian tới. Giải pháp trước mắt UBND tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện là hạn chế đưa rác về đây tập kết, đồng thời san đất phủ lên rác để cho trồng cây xanh. Một kiểu xử lý rác xem ra hết sức “bất ổn”. Có lẽ họ nghĩ phủ đất lên trồng cây xanh thành một quả đồi thế là xong, chẳng ai biết đấy là đâu, hết đời mình thì tội đâu người khác hứng chịu. Có chết ai đâu mà sợ.

Rời xa bãi rác lúc mặt trời khuất bóng, ánh đèn điện thành phố sáng rực lên. Xa xa phía bãi rác, thấp thoáng những bóng người lầm lũi đang cố nhặt nhạnh thêm trước lúc trời tối. Sắp tới UBND tỉnh Bắc Ninh “thương” dân nên sẽ “xóa sổ” bãi rác này thì số phận của hàng trăm hộ dân sẽ giải thoát được ô nhiễm và nguy cơ dịch bệnh.

Hà Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc