Khuyến khích tư nhân đầu tư trạm dừng nghỉ đường bộ

19:00 | 16/09/2013

1,221 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giao thông Vận tải vừa giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trạm dừng nghỉ và cơ chế xã hội hóa đầu tư xây dựng trạm nghỉ đường bộ để trình lên Chính phủ trong quý IV/2014.

Ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã ký và ban hành Quyết định số 2753/QĐ-BGTVT về việc “Phê duyệt Quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên quốc lộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2030, trên các tuyến Quốc lộ của nước ta sẽ có 120 trạm dừng nghỉ phục vụ vận tải.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng dọc theo tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông. Việc xây dựng trạm dừng nghỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của hành khách, lái xe, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và tăng cường đảm bảo an toàn giao thông.

Mô hình trạm dừng nghỉ đường bộ theo quy hoạch.

Các trạm dừng nghỉ này được bố trí phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ của nước ta từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Sau khi các trạm dừng nghỉ này được xây dựng sẽ ưu tiên phát triển  các nhà hàng, cơ sở dịch vụ có quy mô hơn 3.000 m2. Đặc biệt, Nhà nước, Bộ GTVT, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các trạm dừng nghỉ này. Ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư các hạng mục dịch vụ công cộng (miễn phí) như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh.

Để phát triển các trạm dừng nghỉ trên các tuyến Quốc lộ từ nay đến 2013, Bộ GTVT sẽ chia thành 3 giai đoạn, phù hợp với như cầu phát triển giao thông vận tải. Theo đó, từ nay đến 2015, sẽ tiến hành công tác rà soát theo Quy chuẩn kỹ thuật để công bố lại 7 trạm dừng nghỉ đã có quyết định công nhận trạm dừng nghỉ. Đồng thời xây dựng, mở rộng và hoàn thiện khoảng 30 - 40 trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 1 và 15.

Từ 2016 đến 2020 sẽ xây dựng, mở rộng, hoàn thiện 45-50 trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ 1 và 25 - 30 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ khác. Từ 2021 – 2030 sẽ xây dựng, mở rộng và hoàn thiện trên hệ thống đường quốc lộ phải có khoảng 100 - 120 trạm dừng nghỉ đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ cho phương tiện và người tham gia giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải đường bộ.

Theo quy hoạch, diện tích tối thiểu và các hạng mục công trình bắt buộc của trạm dừng nghỉ phải tuân theo quy định tại Thông tư số 48/2012/TT-BGTVT ngày 15/11/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trạm dừng nghỉ đường bộ. Theo đó, trạm dừng nghỉ được chia làm 4 loại, loại 1 phải có diện tích tối thiểu 10.000 m2, loại 4 phải có diện tích thấp nhất 1.000 m2.

Về khoảng cách, các trạm dừng nghỉ phải cách xa nhau từ 30 - 50 km với các tuyến có lưu lượng giao thông lớn (>3.000 xe/ngày đêm) đối với các tuyến quốc lộ có dải phân cách cứng ở giữa bố trí trạm ở 2 bên đường; từ 50 - 70 km đối với các tuyến có lưu lượng giao thông trung bình (1.000 - 3.000 xe/ngày đêm); từ 70 >100 km đối với các tuyến có lưu lượng giao thông thấp (dưới 1.000 xe/ngày đêm). Bảo đảm thời gian lái xe liên tục không vượt quá 4 giờ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Để thực hiện các trạm dừng nghỉ này, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chủ trì, phối hợp với các Sở GTVT địa phương, các đơn vị liên quan, tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch.

T.Minh