Khủng hoảng Vùng Vịnh leo thang nguy hiểm

19:43 | 06/06/2017

2,077 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau khi bị nhiều nước Arập tìm cách cô lập, ngày 6/6, Qatar bắt đầu phản pháo khiến tình hình căng thẳng leo thang. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có xảy ra cuộc chiến mới ở Trung Đông?  
khung hoang vung vinh leo thang nguy hiem
Qatar Airways thông báo ngừng các chuyến bay đến một số nước Arập kể từ ngày 6/6

Để đáp trả việc ngưng các chuyến bay tới Qatar, Công ty hàng không Qatar Airways cũng thông báo từ chối mọi chuyến bay tới Arập Xê út, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Bahreïn và Ai Cập kể từ ngày 6/6 cho đến khi có thông báo mới.

Thông báo trên website chính thức của mình, Qatar Airways nếu rõ: “Tất cả các hành khách đã mua vé đi các nước kể trên sẽ có hai lựa chọn. Thứ nhất nhận tiền bồi thường và thứ hai chọn chuyển đổi một hành trình khác của Qatar Airways”.

Xin nhắc lại rằng, ngày 5/6, nhiều nước trong đó có Arập Xê út, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Bahreïn, Libya, Ai Cập... đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với tố cáo rằng Doha gây bất ổn khu vực và bảo trợ khủng bố. Qatar một mực bác bỏ và cho đó là cáo buộc vô căn cứ.

Ngoài ra, các nước trên còn cắt đứt luôn các liên lạc về đường bộ, đường không và đường biển với Qatar để “bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”. Qatar cũng bị loại khỏi liên minh quân sự các nước Arập đang hoạt động ở Yémen dưới sự dẫn dắt của Arập Xê út.

Nhiều hãng hàng không Arập như Emirates, Etihad Airways, Flydubai, Air Arabia, Saudia, Gulf Air và Egypt Air đã ngưng mọi chuyến bay của họ đến và đi từ Qatar kể từ ngày 5/6.

Căng thẳng leo thang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có xảy ra cuộc chiến mới ở Trung Đông? Theo các nhà quan sát, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao không có nghĩa là sẽ làm bùng nổ chiến tranh. Nhưng những gì đang xảy ra có thể coi là nghiêm trọng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tình hình chung của khu vực vốn đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, chiến tranh và nhiều thách thức.

Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng tới kinh tế, thương mại, đầu tư của các bên liên quan, trong đó Qatar là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất cả trực tiếp và gián tiếp.

Theo các tài liệu phân tích, từ lâu Qatar đã muốn trở thành nước có ảnh hưởng, vị thế trong khu vực. Điều này càng thể hiện rõ khi cuộc khủng hoảng Mùa xuân Arập bùng nổ, Qatar đã tài trợ và hỗ trợ cho lực lượng Anh em Hồi giáo ở Ai Cập và xây dựng quan hệ như một đồng minh. Lực lượng Anh em Hồi giáo bị coi là khủng bố và bị đánh bật khỏi Ai Cập, đã chạy tới Qatar.

Qatar đã ủng hộ cho các nhóm đối lập Tunisia, Yemen cũng như tài trợ cho các nhóm đối lập ở Syria và cả ở Libya. Bên cạnh đó, Qatar còn thúc đẩy quan hệ thân thiết với Iran, trong khi đó, các nước Vùng Vịnh coi Iran là nguyên nhân gây ra những bất ổn về an ninh trong khu vực.

Những căng thẳng ngoại giao ở khu vực có nhiều dầu mỏ nhất thế giới đã khiến giá dầu hôm 5/6 tăng mạnh. Nhưng đến sáng 6/6, giá dầu lại giảm. Trong phiên giao dịch sáng ngày 6/6 (giờ Việt Nam), giá dầu thế giới giảm gần 1%. Giá dầu Brent giảm 32 cent, đứng ở mức 49,15 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 32 cent, xuống còn 47,08 USD/thùng.

Th.Long

Sputnik