Khủng hoảng giải trí hè cho thiếu nhi

08:35 | 31/05/2012

719 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi các em nhỏ háo hức chuẩn bị bước vào mùa nghỉ hè thì cũng là lúc các bậc phụ huynh lo lắng lựa chọn chỗ gửi, sân chơi, trò chơi… vui vẻ, bổ ích cho con em mình. Nhưng thực tế lại có những điều rất phi lý là: dù các trò chơi, các bộ phim, các hoạt động giải trí được quảng cáo tràn ngập; các nhà văn hóa đua nhau mọc lên ở cả thành phố lẫn nông thôn, vậy mà lại rất khó để trẻ em được vui chơi đúng nghĩa. Nguyên nhân do đâu?

Thiếu sân chơi lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi

Theo thống kê của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, cả nước hiện nay có hơn 15 triệu trẻ em (độ tuổi 5-15), riêng Hà Nội có 664.000 trẻ em, chiếm 28,5% dân số. Thế nhưng, ngay cả ở Hà Nội – nơi có nhiều điểm vui chơi nhất trong cả nước với hơn 2.000 điểm dành cho trẻ em thì cũng có đến gần một nửa đã quá cũ kỹ mà vẫn chưa được đầu tư cải tạo. Những khu vực chung cư, đô thị mới, theo yêu cầu thiết kế đều phải có khu vui chơi chung song hầu hết bị người lớn chiếm dụng. Những địa điểm vui chơi do các doanh nghiệp mở ra như Thiên đường Bảo Sơn, Công viên nước Hồ Tây lại có chi phí khá cao (khoảng 300.000 đồng/trẻ/một buổi vui chơi), không thể là nơi mà trẻ em nào cũng có điều kiện đến dù chỉ 1-2 lần trong mùa hè.

Tập làm gốm ở làng gốm Bát Tràng là một thú vui bổ ích của nhiều bạn trẻ

Những địa chỉ có chất lượng như Cung thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… thì luôn trong tình trạng quá tải. Các rạp chiếu phim ồ ạt giới thiệu những “siêu phẩm” dành cho thiếu nhi trong mùa hè nhưng đa phần là phim nước ngoài, nhiều khi rất xa lạ, không phù hợp với tâm lý và nhận thức của trẻ em Việt Nam. Những hoạt động có chất lượng vừa chơi vừa học như cuộc thi tài năng âm nhạc “Đồ rê mí” mới chỉ đáp ứng một số rất ít trẻ; Điều đáng mừng là sau một thời gian có vẻ vắng lặng, gần đây các chương trình dành cho thiếu nhi đã và đang nở rộ trở lại trên các kênh sóng truyền hình Việt Nam như chương trình “Những bông hoa nhỏ”, “Trò chuyện cùng bé”, “Quả chuông vàng”, “Vừng ơi mở ra”…

Nhưng không lẽ lại bắt các em ngồi nhà cả ngày để dán mắt vào tivi trong suốt cả dịp hè!? Các trại hè, liên hoan thiếu nhi, các cuộc thi đoàn đội mấy năm nay cũng vắng bóng. Và vì thế, tối tối, vẫn có hàng trăm gia đình mang con em mình ra khu vực lăng Bác, vườn hoa Lê-nin, vườn hoa Lý Thái Tổ…“đổi gió” khiến những nơi này cũng trở nên quá tải. Những sân bóng, sân thả diều dưới lòng đường hay trên gác thượng vô cùng nguy hiểm vẫn là lựa chọn của nhiều em mặc dù không có mùa hè nào, các phương tiện thông tin không cảnh báo về nguy cơ xảy ra tai nạn.

Trong khi trẻ em thành phố thiếu những sân chơi lành mạnh, hợp lý thì trẻ em nông thôn lại thiếu cả số lượng lẫn chất lượng các sân chơi. Các nhà văn hóa thôn, xã thường xuyên đóng cửa, trò vui của đa phần trẻ em nông thôn là tắm sông hồ, thả diều. Sách truyện, phim ảnh, các hoạt động vui chơi giải trí có tổ chức đều thiếu trầm trọng. Và bao nhiêu năm nay, dù chúng ta đã nói mãi, tình hình vẫn không có gì thay đổi nhiều, trẻ em nông thôn vẫn khao khát một sân chơi thực sự.

Để các em có một mùa hè an toàn, bổ ích?

Nếu như thiếu các sân chơi là yếu tố ngoại cảnh thì thái độ của các bậc phụ huynh đối với vấn đề này chính là yếu tố bên trong, có ý nghĩa nhất, tác động đến việc trẻ có được một mùa hè lý thú, bổ ích hay không. Nhiều bậc cha mẹ ở thành phố lo ngại trước những nguy hiểm rình rập con mình đã thực hiện chính sách “đóng cửa” nhốt con trong nhà suốt mấy tháng hè. Nhiều gia đình lại coi mùa hè là “cơ hội lý tưởng” để nhồi nhét kiến thức cho con bằng cách bắt con tham gia đủ các khóa học thêm. Còn với trẻ em nông thôn, hai từ “vui chơi” mùa hè trở nên quá xa xỉ. Mùa hè là dịp để các em lao động kiếm tiền mua sách vở cho năm học sau như chăn vịt, làm thợ phụ theo cha mẹ…

Các em tập làm nghé lá tại Trung tâm Iveil

Mấy năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa cả nông thôn và thành thị, những không gian dành cho trẻ em dần bị thu hẹp lại. Trong khi đó, do đặc thù thời tiết, kỳ nghỉ hè của học sinh nước ta lại dài. Vì thế, nhiều bậc cha mẹ rất “sợ” kỳ nghỉ hè của con mình. Lại thêm, sự đánh giá của cha mẹ, thầy cô về mức độ quan trọng của một mùa hè nghỉ ngơi đối với sự phát triển lâu dài của mỗi đứa trẻ chưa thật đầy đủ. Vì thế mà, việc tạo ra các sân chơi, các trò chơi cho trẻ em trong dịp hè không được phụ huynh chú trọng. Nhưng, chính việc thiếu sân chơi không chỉ khiến các bậc cha mẹ gặp khó khăn trong quản lý, trông nom con cái mà có ảnh hưởng trực tiếp về thể chất và tinh thần của trẻ. Thậm chí nếu trẻ em bị cô lập trong sách vở và gia đình quá nhiều, thiếu sự hòa nhập với thiên nhiên, với cộng đồng có thể bị bệnh tự kỷ.

Đã đến lúc, toàn xã hội phải vào cuộc, cùng hỗ trợ với gia đình, nhà trường để mỗi đứa trẻ dù ở nông thôn hay thành phố có những ngày hè thực sự. Các nhà trường có thể kết hợp với các bảo tàng, tổ chức đoàn đội ở địa phương tổ chức các chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi như Bảo tàng Mỹ thuật tổ chức các lớp học mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử mở cuộc thi tìm hiểu lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học mở các lớp dạy trẻ em chơi và làm đồ chơi dân gian… Với các bậc phụ huynh ở thành phố, có thể phối hợp với nhà trường và đoàn thanh niên địa phương tổ chức cho trẻ những chuyến đi thực tế về các vùng nông thôn, các trại hè học mà vui để trẻ có cơ hội tìm hiểu cuộc sống, khám phá thiên nhiên, đất nước và mở rộng tình yêu thương của mình với những người bạn thiệt thòi hơn. Với trẻ em nông thôn, một mô hình kiểu như đội thiếu niên kế hoạch nhỏ, chúng em cùng làm việc tốt; cùng nhau giúp bạn… sẽ trở nên có ích.

Mùa hè 2012 này, có thể ghi nhận những hoạt động có tính chất vừa học vừa chơi do các trung tâm đào tạo, các cơ sở giáo dục dân lập triển khai như trại hè tiếng Anh, trại hè xanh, học kỳ quân đội, khóa hỗ trợ phát triển kỹ năng sống… Tuy nhiên, lệ phí tham gia các sân chơi này không hề nhỏ và không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện cho con em tham gia. Nếu như các mô hình này được nhân rộng ở các cơ sở công lập, có sự hỗ trợ của các đoàn thể xã hội thì lệ phí sẽ giảm hơn và hoạt động cũng sẽ đến được với nhiều em nhỏ hơn.

Tạo những sân chơi lành mạnh cho trẻ em để thế hệ tương lai của đất nước mạnh về thể chất, khỏe về tinh thần là trách nhiệm không chỉ của mỗi bậc phụ huynh mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội.

Hải Anh