Thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:

Không xử lý nghiêm, doanh nghiệp “nhờn luật”

18:28 | 11/07/2013

716 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một số quy định đề ra trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) không được cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc khiến doanh nghiệp “nhờn luật”, người tiêu dùng e ngại.

Đó là đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo “Nhìn lại hai năm thực thi Luật BVQLNTD” do Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương tổ chức tại TP HCM ngày 11/7.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết: Theo Quy định của Luật BVQLNTD, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về BVQLNTD. Như vậy, hàng ngàn doanh nghiệp đang kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thực hiện theo quy định này. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Cục Quản lý Cạnh tranh nhận được 138 hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp và chỉ có 66 hồ sơ đạt yêu cầu.

Đối với quy định trên, đáng lý các doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng nhưng đến nay cũng chưa có trường hợp vi phạm nào bị xử lý.

Hội thảo “Nhìn lại hai năm thực thi Luật BVQLNTD”

Việc cơ quan chức năng không xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của Luật, dẫn đến doanh nghiệp “nhờn luật”; xuất hiện tình trạng doanh nghiệp cố tình né tránh trách nhiệm khi bị người tiêu dùng khiếu nại, không chỉ không giải quyết mà còn có thái độ thách thức pháp luật, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác BVQLNTD.

Hiện nay, đa số các vụ khiếu nại của người tiêu dùng được giải quyết bằng phương thức hòa giải (80% các vụ khiếu nại). Kết quả thực thi của phương pháp này không cao do giá trị pháp lý của biên bản hòa giải không cao. Tuy nhiên, các phương thức khác như giải quyết thông qua trọng tài, tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì thủ tục phức tạp, lệ phí cao, trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thường thấp.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, Luật BVQLNTD cũng quy định về việc giải quyết theo thủ tục đơn giản đối với các vụ án nhỏ, giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay không có quy định nào cho biết: thế nào là thủ tục đơn giản, được giải quyết trong bao nhiêu ngày, quy trình xét xử như ra sao…

Một bất cập khác hiện nay là các hội bảo vệ người tiêu dùng phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng, năng lực còn hạn chế dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Các hội hoạt động không có nguồn thu từ hội phí của hội viên cũng như không có nguồn thu nào ổn định, nhân lực kiêm nhiệm, năng lực hạn chế. Nhiều trường hợp hội tư vấn pháp luật cho người tiêu dùng chưa chính xác, chưa phù hợp với các quy định pháp luật gây hậu quả xấu cho người tiêu dùng. Thậm chí, một số trường hợp thành viên của hội thay vì thực hiện việc hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp thì lại thực hiện hành vi tống tiền doanh nghiệp.

Bên cạnh những bất cập trong triển khai thực thi các quy định của Luật BVQLNTD, nhận thức hạn chế và tâm lý e ngại của người tiêu dùng cũng là một rào cản để đảm bảo những quyền lợi người tiêu dùng được hưởng. Khi bị xâm phạm quyền lợi, mua phải hàng kém chất lượng, bị lừa đảo mua hàng không đúng với mẫu mã trưng bày hay quảng cáo, giới thiệu… thì đa số người tiêu dùng chỉ biết im lặng, cho qua, không dám lên tiếng. Đáng lo hơn, nhiều người tiêu dùng còn cho biết, không để ý đến Luật BVQLNTD và quyền lợi của họ được hưởng là gì.

Thực tiễn cho thấy, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng nhưng số vụ khiếu nại của người tiêu dùng còn rất hạn chế, mỗi năm chỉ có khoảng 550 vụ việc khiến nại của người tiêu dùng đến các Sở Công Thương trên cả nước.

Ông Nguyễn Phương Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh đánh giá: Sự ra đời của Luật BVQLNTD được xem là một bước ngoặt quan trọng trong hoạt động BVQLNTD ở nước ta. Tuy nhiên, sau hai năm thực thi còn rất nhiều điều phải cải thiện để Luật BVQLNTD thực sự đi vào cuộc sống, người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Mai Phương