Không thích có chồng

08:32 | 18/02/2012

430 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với đà phát triển của xã hội hiện đại, con người càng có nhiều đổi thay theo xu hướng thích nghi với hoàn cảnh sống. Có những thay đổi theo hướng tích cực. Cũng có cái ngược lại, tiêu cực, phương hại đến những quy luật tự nhiên, dẫn đến sự kìm hãm phát triển mà người trong cuộc đã không thể nhận biết, hoặc không có ý thức nhận biết. Xu hướng muốn sống đơn thân, tự do đang xuất hiện trong một bộ phận không nhỏ giới mày tơ, khiến xã hội không thể không quan ngại.

Ảnh minh họa

Khuynh hướng này – nói một cách dễ hiểu – là thích sống một mình không có chồng. Những chị em trong số này cũng có mong muốn được yêu, được làm mẹ, nhưng không muốn làm vợ. Họ đề nghị với người tình là chỉ quan hệ suốt đời như vậy, mà không hôn thú. Họ sẵn sàng một mình nuôi con, không cần sự có mặt của cha đứa trẻ, thậm chí không cần bất cứ sự trợ giúp, cấp dưỡng nào.

Những biểu hiện

Rõ nhất là những bạn nữ đã qua một đời chồng, nay hoặc ly hôn, hoặc goá mà sống một mình. Dẫu còn trẻ, mới chỉ trên dưới 30 tuổi, mới một con nhưng họ cũng chủ trương “ở vậy” không đi bước nữa. V. 28 tuổi, có một con gái lên 5, sớm goá chồng đúng là “gái một con trông mòn con mắt”, cô khiến bất cứ người đàn ông nào cũng phải thèm muốn. Có rất nhiều đấng mày râu, trong đó không ít trai tân sẵn sàng muốn cưới cô làm vợ. Nhưng cô dứt khoát không, mà chỉ thích “quan hệ” cho vui vẻ. Cũng nặng lòng với một ngưới tên C., anh này đã 40 tuổi nhưng chưa có vợ , là giám đốc một công ty tư nhân. Cô không chê gì C., còn cho là may mắn, nhưng đơn giản chỉ vì không muốn cuộc sống vợ chồng. Một thời gian sau, kiên trì thuyết phục không được, C. đành “ bỏ của chạy lấy người”, cưới một cô gái trẻ khác.

T. lại khác, 35 tuổi, đã 2 con, ly hôn được hơn 5 năm. Vừa có nhan sắc, có học, lại có công việc ổn định, thu nhập cao nên không ít đàn ông “nhòm ngó”. Đã nhiều năm nay, cô quan hệ với L. cũng sống độc thân. Nhưng mãi mà chẳng thấy họ về với nhau. Cô tuyên bố thẳng thừng với người tình: “Em rùng mình khi nghĩ đến việc trở lại cuộc sống gia đình. Đã thoát khỏi địc ngục không bao giờ em dại gì để trở lại. Nếu cần có vợ, anh có thể đến với người khác, thoải mái!”. Tất nhiên là sau đó L. đã cưới người khác.

Xu hướng thích sống đơn thân xuất hiện ở đối tượng đã qua một đời chồng, đã có con phần nào có thể hiểu được nguyên do. Đáng ngại nhiều hơn là có một số bạn nữ trẻ, chưa chồng cũng không muốn bước vào cuộc sống gia đình. Mải miết làm ăn kiếm tiền, thú vui tung tẩy giao du, bạn bè, tha hồ bay nhảy, không bị ràng buộc, khiến những bạn này có tâm lý sợ lấy chồng.

N. năm nay 26 tuổi, tốt nghiệp một trường nghệ thuật được mấy năm, có sắc nhưng không phát triển được năng khiếu nghệ thuật nên phải làm nghề khác. Cô chủ trương không lấy chồng, sẵn sàng vào bệnh viện thụ tinh nhân tạo để có con. Một người đàn ông tên A. vừa điển trai, vừa con nhà có thế lực, giàu có mê nhan sắc của cô đã ngỏ lời cầu hôn. Không ngờ N. nói rõ : “Em rất có cảm tình với anh, nhưng không thể làm vợ. Chúng ta có thể có con với nhau, nhưng sau đó anh không cần quan tâm. Nếu anh OK thì có thể tiến hành”. Là đàn ông nhưng A. cũng phải tròn xoe mắt trước quan điểm và đề nghị của N. Tuy nhiên, vì con nhà danh giá nên A. đã không thể hưởng ứng lời đề nghị của cô, mặc dù rất yêu.

Trường hợp của M. lại khác. Tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Hà nội đã nhiều năm nhưng cô vẫn không kiếm được công việc ổn định. Làm tạm bợ nay chỗ này, mai chỗ khác thu nhập không đủ đối phó với mọi khoản chi tiêu đang từng ngày leo thang, cô quyết định cặp bồ với một người đàn ông hơn cả tuổi cha mình đang là một đại gia trong lĩnh vưc kinh doanh bất động sản. Ông này có vợ già nên muốn tìm cách ly hôn để chung sống với M. hợp pháp. Nhưng cô cũng tuyên bố xanh rờn: “Nếu anh thích em cứ việc kiếm nhà đàng hoàng để chúng ta ở với nhau. Nhưng em không thể lấy ai vì chẳng có ai ủng hộ. Hãy cứ yêu nhau được ngày nào hay ngày ấy. Mọi cái nói trước bước không qua… sau này sẽ hay”.

Biết rõ cô gái trẻ có ý lợi dụng mình nhưng vì quá ngán ngẩn người vợ già lại mê cô gái trẻ đẹp, trong khi tiền bạc dư thừa, không biết tiêu vào việc gì, ông ta quyết định mua căn hộ để sống với cô gái. Nhưng không hợp pháp, dĩ nhiên là không thể công khai, chỉ thi thoảng ông ta đến qua đêm rồi hôm sau lại đi sớm. Đã dăm, bảy năm họ quan hệ như thế, M. được trang bị mọi phương tiện, đồ dùng đắt tiền. Rồi cô có con với ông ta, nhưng chỉ như thế, cô không đồng ý để ông bỏ vợ, lấy hẳn mình. Không phải vì cô cắn rứt lương tâm, thương bà vợ già của “bồ” mà đơn giản vì không muốn bị ràng buộc.

Đi tìm lời giải

Xu hướng thích sống độc thân không chồng đang có chiều hướng phát triển ở một bộ phận phụ nữ trẻ, trong đó có cả những bạn gái mới trưởng thành, chưa lập gia đình lần nào. Giải thích hiện tượng này không khó. Trước hết, những chị em theo chủ trương này luôn nhìn nhận cuộc sống vợ chồng như là nơi tước đoạt mọi tự do.

Cái “gông đeo cổ” đã được chị em khai thác hết mặt dở của nó. Họ đã có chồng hoặc chưa. Số ở trường hợp thứ nhất thì luôn thấy đàn ông là độc đoán, gia trưởng, ích kỷ khiến họ bị phụ thuộc mất tự do. Họ như “con chim sợ cành cong”, khi nghĩ đến “cầu thứ 2”. Còn số bạn nữ ở vào trường hợp thứ 2 thì quan sát những cặp vợ chồng bất hạnh rồi lo sợ mình cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự nếu lấy chồng.

Cũng cần thấy một thực tế là ngày nay, con người ta có quá nhiều thú vui, ngoài tổ ấm gia đình: đi du lịch, pic-nic, sinh hoạt các câu lạc bộ (thẩm mỹ, thể hình) chơi thể thao, đi nhảy, liên hoan, thù tạc. Áp lực nơi công sở hoặc chốn làm ăn khiến nhiều chị em khi rời công việc chỉ muốn thư dãn, thoải mái nên rất sợ phải chịu tiếp áp lực thứ 2 do cái “gông đeo cổ” gây ra. Ngay cả những chị em có chồng tốt cũng bộc lộ: dẫu sao thì cũng không thể tự do được như sống độc thân. Chồng càng tốt, mình càng phải giữ gìn, ý tứ, rồi lại phải lo ứng xử với gia đình nhà chồng, không thể hoàn toàn thoải mái được. Và một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng khiến nhiều chị em thích sống đơn thân: Họ muốn giữ gìn tuổi trẻ, sắc đẹp. Chỉ cần một con, không phải hầu hạ, phục dịch chồng, họ sẽ có điều kiện chăm sóc giữ gìn nhan sắc hơn. Xu hướng thích đẻ mổ, nuôi con bằng sữa ngoài thay vì đẻ tự nhiên và cho con bú chính là theo khuynh hướng này. Những chị em có quan niệm trên đã không hiểu biết một quy luật tự nhiên mang tính khoa học: Chính cuộc sống lứa đôi tốt đẹp, hạnh phúc mới khiến họ trẻ, khoẻ, đẹp lâu. Sự cô đơn, thiếu “một nửa” mới khiến tuổi già ập đến nhanh. Nhưng các chị em thuộc loại này lại không nghĩ như thế. Họ nói là không có cảm giác cô đơn; ngược lại, còn thấy cuộc sống cuả mình rất thoải mái, dễ chịu.

Điều cuối cùng cũng cần thấy là những chị em chủ trương sống độc thân đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống ở bên ngoài du nhập vào Việt Nam. Đúng là hiện nay trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây, ngày càng có nhiều chị em không thích bước vào cuộc sống gia đình, tuy họ cũng cần có con. Ở phương Đông, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… cũng xảy ra tình trạng này. Vậy nên mới có tình trạng đàn ông những nước này bỗng dưng khó lấy vợ, phải tìm kiếm ở Việt Nam và nhiều cuộc hôn nhân vượt biên giới ở nước ta đã diễn ra, trong đó không ít những tấn bi kịch mà mọi người đã biết.

Cuộc sống không thể đi ngược lại những quy luật. Nam nữ đến tuổi trưởng thành, yêu rồi lấy, nhanh thiết lập tổ ấm, tạo nên những gia đình hạnh phúc là “tế bào” của xã hội đã là một quy luật. Hãy thử hình dung: Nếu số phụ nữ không chịu lấy chồng lại muốn có con bằng mọi cách gia tăng thì xã hội sẽ ra sao, đàn ông sẽ như thế nào?

Những đứa trẻ không cha kia sẽ phát triển ra sao? Gia đình bị phá vỡ thì xã hội sẽ thế nào? Bản thân người phụ nữ sống đơn thân cũng sẽ chênh vênh như con thuyền chơ vơ giữa biển khơi. Có thể có tự do, thoải mái trước mắt, nhưng về lâu dài, khi về già họ sẽ sống sao đây? Tóm lại, về tất cả mọi phương diện, chủ trương sống đơn thân, không muốn lấy chồng của một số bạn nữ đã phương hại đến sự phát triển bình thường của xã hội. Vậy nên rất cần cảnh báo để toàn xã hội không thể bỏ qua mối quan ngại này.

 Hoài Ninh