Không để tình trạng “đầu voi đuôi chuột”

07:00 | 02/04/2017

1,512 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Đầu voi đuôi chuột” là cách ví von chỉ việc làm ầm ĩ, quyết liệt ban đầu, nhưng rồi càng về sau càng “nguội” dần, bỏ bê trễ, trở lại nếp cũ.

Cách làm không dứt điểm kéo quá dài, nhưng khắc phục, sửa chữa không được bao nhiêu, để lại nhiều hậu quả xấu, gây mất niềm tin của quần chúng.

Gần đây nhất là chuyện cấm xe quá khổ, quá tải. Vì sao phải cấm? Mục đích chủ yếu ai cũng thấy rõ như trong lòng bàn tay, đó là nhằm kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng xe ôtô. Chiến dịch này được tổ chức bài bản, công phu, đồng loạt thực hiện từ ngày 1-4-2014 trên cả nước. Có thể coi đây là sự “tuyên chiến” với nạn xe quá tải, quá khổ hoành hành, phá nát đường, gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông. Cả nước đã thực hiện nghiêm túc. Trong mấy tháng đầu tình trạng xe quá tải giảm hẳn, nhiều tuyến hầu như không còn loại xe “hổ vồ” này, số tiền phạt có ngày lên tới hàng chục tỉ đồng. Một số cán bộ như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thực hiện không nghiêm các quy định, móc ngoặc với lái xe thu lợi bất chính, đã bị xử lý nghiêm túc. Theo báo cáo của liên bộ Giao thông Vận tải - Công an đã xử lý được 92% số xe quá khổ, quá tải trên toàn quốc.

khong de tinh trang dau voi duoi chuot

Thế nhưng, đầu năm nay tình trạng xe quá tải bỗng đâu tái xuất, lại còn có phần ngang nhiên, trắng trợn hơn so với ba năm trước đây. Xe quá tải xuất hiện đồng loạt ở nhiều tỉnh, thành phố, như Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Gia Lai… Trên Quốc lộ 1, các trạm cân kiểm soát tải trọng lưu động đã rút gần hết. Tình trạng bảo kê, thu “lệ phí” trái phép lại tái phạm.

Trên đây chỉ là một trong những dẫn chứng điển hình về tình trạng ầm ĩ ban đầu, im lặng về sau. Thời gian qua có quá nhiều sự việc tương tự. Nào là tình trạng quản lý lễ hội, quản không được thì cấm, cấm được một thời gian lại thả nổi. Đáng lo ngại là tình trạng phát Ấn Đền Trần tràn lan ở nhiều nơi; rồi tình trạng cướp lộc, rải tiền lẻ bừa bãi trên ban thờ, ở đình, chùa, đánh nhau, cờ bạc, bắt chẹt du khách… Nào là tình trạng khai thác vàng bừa bãi, khai thác than “thổ phỉ”, hút cát quy mô lớn đến mức gây sụt lở cả đê sông, mất an ninh, trật tự. Nào là ô nhiễm môi trường do xả thải chưa qua xử lý; ngộ độc thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là ngộ độc rượu dẫn đến những cái chết thương tâm. Rồi liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn trong các khu công nghiệp, khu dân cư, thiệt hại lớn về người và tài sản, v.v…

Những vụ việc nêu trên chúng ta đều đã cảnh báo, có kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức tập huấn cán bộ, đầu tư nhân lực, kinh phí để thực hiện. Các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức không ít chiến dịch ra quân rầm rộ. Cũng tổ chức làm điểm, rồi phát động, kiểm tra, sơ kết, khen thưởng… nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian rồi chiến dịch nọ đến phong trào kia “rơi tự do” và “đóng băng” trở lại.

Vì sao việc thực hiện các chủ trương lại không đến nơi, đến chốn? Cứ mỗi lần ra quân làm một việc gì, người ta lại xì xào: Thử xem các ông ấy làm được bao lâu? Phải nói rằng, mục đích của việc chấn chỉnh, thực hiện nghiêm túc kỷ cương, pháp luật là rất trúng, quyết tâm cũng rất cao. Tuy nhiên, khi thực hiện lại không đồng bộ, thậm chí chắp vá. Không đồng bộ từ việc phân cấp quản lý, phân công người thực hiện, người phụ trách đến việc phân bổ ngân sách, kinh phí. Không quy định rõ thẩm quyền phụ trách, sự phối hợp giữa các ngành với địa phương, mức độ, hình thức khen thưởng, xử phạt, cho nên không ít trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Nhưng nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng “đầu voi đuôi chuột” vẫn là vấn đề lợi ích, là việc buông lỏng quản lý dẫn đến ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức không cao. Tệ móc ngoặc, chia chác hưởng “hoa hồng”, đưa và nhận hối lộ dẫn tới việc làm ngơ cho các hoạt động phi pháp, bất chấp kỷ luật, kỷ cương, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục trỗi dậy. Khi thanh tra giao thông cảnh sát giao thông nhận tiền từ những lái xe vi phạm pháp luật giao thông thì làm sao giữ nghiêm trật tự, an toàn, thậm chí có người còn “vạch đường cho hươu chạy”. Có chăng họ chỉ tuần tra, kiểm soát, xử lý một cách hình thức khi có đoàn cấp trên xuống kiểm tra. Hay như chuyện về quản lý lễ hội, tại sao nạn mê tín dị đoan, cờ bạc, dịch vụ, hàng hóa giá cắt cổ liên tục tái diễn, bởi vì vẫn còn tình trạng “sân sau”, vẫn còn cán bộ, nhân viên ở những nơi này yếu về năng lực, thiếu về phẩm chất, trách nhiệm, mà yếu nhất là họ không tự giác, chỉ làm khi có mệnh lệnh, làm một cách miễn cưỡng, việc gì không có lợi ích cá nhân là đùn đẩy, không làm.

Để chống tình trạng “đầu voi đuôi chuột” phải bắt đầu từ nhận thức, từ sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm, quyết liệt và thường xuyên. Việc gì đã đề ra thì phải làm đến cùng. Khắc phục lối tư duy nhiệm kỳ ngay cả trong từng “chiến dịch” cụ thể. Bởi mỗi chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống đã khó, duy trì độ bền, tạo ra hiệu quả kinh tế, xã hội, văn hóa lại càng khó hơn. Có những công việc phải làm hết năm này qua năm khác, thậm chí đời này qua đời khác. Nếu còn để xảy ra trình trạng nói nhiều làm ít, đánh trống bỏ dùi, làm qua loa cho xong việc chính là mảnh đất tốt nảy sinh bệnh thành tích và thói quan liêu, tham nhũng.

Chúng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiết nghĩ, sớm khắc phục tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” nên được coi là một việc cần làm ngay trong lúc này.

Thành Nam