Khi hình ảnh và âm nhạc cộng hưởng trong thơ

18:55 | 15/01/2021

195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thoạt đầu, khi cầm tập thơ “Lan Châu tím” (NXB Hội Nhà văn) trên tay, tôi ngỡ đây là một tập thơ về loài hoa lan, chắc sẽ vô cùng đẹp và lãng mạn. Nhưng khi hỏi chuyện tác giả Nguyễn Đình Tâm về nhan đề Lan Châu tím, thì tôi mới ngỡ ra, Lan Châu lại là tên một vùng đất quê hương tác giả.
Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm
Nhà thơ Nguyễn Đình Tâm

Lan Châu, cái tên thật đẹp của một hòn đảo vươn mình ra biển ở vùng đất Cửa Lò, nhờ tập thơ “Lan Châu tím” của nhà thơ Nguyễn Đình Tâm mà thêm thơ mộng, khiến ai đọc tập thơ rồi, thì không chỉ cảm về cảnh, tình người, tình đất, mà còn thầm mong được một lần đặt chân lên đảo Lan Châu tím.

“Lan Châu tím

và Lan Châu gió

Trước cầu tàu

em gọi

một thời anh”

(Bài thơ “Lan Châu”)

Đoạn thơ này không hiểu sao cứ văng vẳng trong tâm trí tôi suốt nhiều ngày đọc tập thơ. Có lẽ vì đoạn thơ có sức gợi mạnh mẽ, vẽ lên cả một bối cảnh như cuốn phim về vùng đất Lan Châu, vùng biển lộng gió, vang dậy sóng, và lan tỏa tình yêu thắm đượm, nồng nàn. Thực kỳ lạ khi chỉ một đoạn thơ cũng có thể kể cả một câu chuyện lớn, một ký ức dài về thời kỳ thanh tân của đất và người nơi ấy.

“Quê mẹ cát

quê cha cũng cát

mũi thuyền cong cuốn ngược mái đình chùa

từng lớp ngói lô xô ngàn đợt sóng

tiếng hào hùng vang vọng mấy ngàn năm…”

(Bài thơ “Quê cát”)

Tập thơ Lan Châu tím
Tập thơ Lan Châu tím

Đoạn thơ này xứng là một bản giao hưởng hào hùng bậc nhất bằng ngôn từ. Bắt đầu bằng hai câu thơ rất ngắn tả cảnh quê hương mẹ, cha với CÁT, mà gợi cho người thưởng thơ cả một vùng tài nguyên cát bao la trải rộng tít tắp tới chân trời. Nhưng không chỉ có những trảng cát phẳng lặng như một nốt nhạc êm tĩnh mang lại cảm giác thiền bình yên, mà ba câu thơ sau cứ như đợt cao trào của sóng, của tổ hợp những nốt nhạc dồn dập cùng dâng lên mạnh mẽ hào hùng, khiến cho tinh thần người được truyền sinh lực của sóng, sức mạnh của gió, cùng cộng hưởng, dâng cao để ngợi ca truyền thống dân tộc, truyền thống đoàn kết bên nhau giữ gìn nét văn hóa thương yêu, đan dệt bền chặt, tạo nên sức mạnh như ngàn đợt sóng, lại tinh tế như nét cong mái đình chùa… Nét đặc sắc truyền thống Việt, phong cách Việt, tinh thần Việt được nén chặt trong đoạn thơ gọn ghẽ, mà có sức nặng, sức tải vô vàn.

Thơ Nguyễn Đình Tâm cuốn hút người đọc, dư ba âm hưởng thơ vang vọng lâu bền, là bởi chất họa, chất nhạc trong thơ.

“Nhịp đập nào rồi cũng nhớ về nhau

theo con sóng vỗ tím chiều quê mẹ

Lan Châu ạ

đã bao lần như thế

sau lưng ta vẫn có bóng con tàu…”

(Bài thơ “Chờ nhé”)

Trong bất cứ câu thơ nào của nhà thơ biển Nguyễn Đình Tâm, ta cũng được thỏa mãn các giác quan với hình ảnh và âm thanh sắc nét, sinh động, chan chứa tình. Hình ảnh ấy, âm thanh ấy, dường như từ thiên nhiên, qua ngòi bút của nhà thơ, lại thấm thêm tình người, đính kèm khát vọng người, nên cứ thế tạo sóng trong tim người đọc. Giống như sóng lan, như gió tỏa, như hương biển hương người, ào ạt xô bờ, ào ạt dậy sóng lòng, và nhẹ nhàng khép lại đau đáu trong nhớ thương miên man. Chỉ có thể là thơ Nguyễn Đình Tâm mà thôi, một phong cách thơ biển giàu hình ảnh và âm thanh bất tận như chính biển cả. “Lan Châu tím”, tập thơ không dày, đọc xong bâng khuâng muốn đọc lại, đọc mãi, miên man như sóng vỗ bờ, mãi không dứt nổi.

Kiều Bích Hậu