IIP 11 tháng năm 2023 ước tăng 8,6%

12:26 | 05/12/2022

60 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ quý IV năm 2022, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi với nhu cầu giảm, gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc đã ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế phản ánh trên Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam.

Trong 11 tháng năm 2022, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ (theo IMF, năm 2022, tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5%); xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn.

IIP 11 tháng năm 2023 ước tăng 8,6%
Sản xuất xe máy, ô tô có một năm bứt phá cả về số lượng lẫn giá trị.

Với chính sách linh hoạt và chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 thành công đã mang lại những tiến bộ ấn tượng cho triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 khi hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi tích cực từ các yếu tố chính như: chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong các tháng đầu năm, hoạt động du lịch tăng trở lại và thông qua một số động lực chính như: việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi số...

Tuy nhiên, kể từ quý IV năm 2022, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi: nhu cầu ở các thị trường lớn của Việt Nam sụt giảm, đơn đặt hàng giảm, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam

Trước những diễn biến khó lường nêu trên, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt những kết quả quan trọng. Trước tiên, xét về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,5 điểm (tháng 9) xuống còn 50,6 điểm (trong tháng 10), số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), đơn hàng ít hơn dự kiến khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng từ tháng 10...

Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,4%), đóng góp 6,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 6,5%, đóng góp 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 24%; Hà Tĩnh giảm 16,9%).

IIP 11 tháng năm 2023 ước tăng 8,6%
Ngành thép và khai khoáng đang lâm vào chu kỳ giảm sản lượng. (Ảnh: TTXVN)

Đáng chú ý là Chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 31%; sản xuất trang phục tăng 16,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 16,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 18,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 10,4%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7%; sản xuất kim loại giảm 2,6%.

Đặc biệt, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: bia các loại tăng 34,9%; ô tô tăng 17,3%; xe máy tăng 10,8%; quần áo mặc thường tăng 8,4%; giầy dép da tăng 9,7%; thuốc lá bao các loại tăng 9,1%.

Ngược lại, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 11 tháng năm 2022 lại giảm so với cùng kỳ năm trước như: quặng aptit giảm 11,4%; sắt thép thô giảm 16,6%; điện thoại di động giảm 6,1%; ti vi giảm 0,6%; động cơ diezen giảm 22,4%; máy công cụ giảm 12,7%.

Có thể thấy với biến động sụt giảm mạnh về nhu cầu của thị trường thế giới đã khiến các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam phải điều chỉnh giảm sản xuất - xuất khẩu. Từ đó quy luật quý IV tăng trưởng mạnh sản xuất và xuất khẩu công nghiệp sẽ tiếp tục bị phá vỡ trong năm 2023.

Thành Công

Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại? Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu chững lại?
Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng trưởng 9,4% Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng trưởng 9,4%
Sản xuất công nghiệp 10 tháng chỉ tăng 9% Sản xuất công nghiệp 10 tháng chỉ tăng 9%