Họp khẩn vì siêu bão cấp 17 đã vào Biển Đông
>> "Siêu bão" Utor tăng cấp với diễn biến khó lường
Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 690 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Vị trí và đường đi của bão Utor
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 113,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km. Đến 16 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12, cấp 13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Từ sáng mai (13/8), vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.
Trước diễn biến phức tạp của bão Utor (cơn bão số 7) vừa đi vào Biển Đông, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã có cuộc họp khẩn vào lúc cuối giờ chiều 12/8. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hồi 16 giờ chiều, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 690 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Ông Hải nhận định tuy đa số dự báo cho thấy khoảng 60-70% là tâm bão sẽ đi vào Lôi Châu, Trung Quốc, tuy nhiên vì đây là cơn bão mạnh nên vùng ảnh hưởng của nó rất lớn. Khả năng gió mạnh cấp 10 có thể bao trùm toàn bộ phía Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ, trong đó có một phần của tỉnh Quảng Ninh. Gió cấp 6 có thể hiện diện ở hầu hết cả khu Đông Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn...
Tham dự cuộc họp, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương cho biết, tính đến 16 giờ 30 chiều nay, biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.457 phương tiện với tổng số 295.604 người biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 7 để chủ động di chuyển phòng tránh.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát – Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã ký công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên; Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận Tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao.
Theo đó, để chủ động đối phó với bão, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7, tìm mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm được xác định là Bắc vĩ tuyến 15 nhất là các vùng Đông Bắc Biển Đông và Tây Bắc của Vịnh Bắc Bộ. Các tỉnh ven biển Bắc Bộ, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng chủ động cấm biển.
Linh Nguyễn
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025