Hội Luật quốc tế Việt Nam gửi thư ngỏ cho Trung Quốc về Biển Đông

22:36 | 28/08/2019

527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ tịch Hội luật Quốc tế Việt Nam gửi thư cho người đồng cấp ở Hội luật Quốc tế Trung Quốc, bày tỏ lo ngại về tàu Địa chất Hải Dương 8.
Hội Luật quốc tế Việt Nam gửi thư ngỏ cho Trung Quốc về Biển Đông
Tàu Địa chất Hải dương 8 hoạt động gần bờ biển Trung Quốc năm 2018. Ảnh: Schottel.

"Toàn thể Hội viên Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL) hết sức lo ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây do phía Trung Quốc gây ra trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở nam Biển Đông", Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Bá Sơn viết trong thư ngỏ ngày 24/8 gửi đến Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc (CSIL) Hoàng Tiến.

Ông Nguyễn Bá Sơn khẳng định khu vực mà tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động từ đầu tháng 7 nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định trên cơ sở Điều 57 và 76 của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Đây hoàn toàn không phải là khu vực chồng lấn hoặc có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. UNCLOS quy định nếu quốc gia ven biển không thăm dò hay khai thác tài nguyên ở các vùng này thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động này nếu không được phép của quốc gia ven biển.

Hoạt động của tàu Địa chất Hải Dương 8, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam, "đã vi phạm nghiêm trọng quy định của UNCLOS và luật pháp Việt Nam liên quan đến quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam", lá thư có đoạn viết.

Ông Nguyễn Bá Sơn chỉ ra rằng trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết khẳng định không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại vùng biển trong "đường 9 đoạn".

Một số chuyên gia luật quốc tế Trung Quốc sử dụng một đoạn trong lời mở đầu của UNCLOS là "các vấn đề không quy định trong Công ước sẽ tiếp tục được xử lý bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung" để biện minh cho yêu sách mập mờ của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Sơn khẳng định các vấn đề về chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đều đã được UNCLOS quy định rõ ràng.

"Tôi mong CSIL sẽ tư vấn cho các cơ quan hữu quan Trung Quốc những khía cạnh pháp lý quốc tế và kiến nghị chính phủ chấm dứt ngay những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, rút ngay tàu HD8 cùng tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", ông Nguyễn Bá Sơn viết.

Tình hình Biển Đông gần đây trở nên căng thẳng sau khi tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở nam Biển Đông từ đầu tháng 7. Nhóm tàu này tạm rời đi hôm 7/8, nhưng 6 ngày sau quay lại tiếp tục các hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, yêu cầu rút tàu và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết các lực lượng chức năng tiếp tục bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Theo VNE

Tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa
Chuyên gia: Phán quyết Biển Đông chưa đủ để Philippines đối phó Trung Quốc
Tổng thống Philippines nêu phán quyết Biển Đông bất chấp phản ứng của Trung Quốc
Quan chức Philippines: Trung Quốc tạo lịch sử giả của thiên niên kỷ về Biển Đông
“Trung Quốc muốn được tôn trọng thì phải biết tôn trọng nước khác”