Học tập tấm gương Nhà báo Hồ Chí Minh lỗi lạc

07:00 | 21/06/2015

2,761 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những người làm báo Việt Nam, ai cũng biết Bác Hồ không chỉ là một nhà báo vĩ đại mà còn là người khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Học tập đạo đức và tấm gương hoạt động báo chí của Bác Hồ là lẽ sống của mỗi nhà báo, mỗi người làm báo Việt Nam chúng ta.

Năng lượng Mới số 432

Trải qua gần 50 năm hoạt động báo chí, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, bằng gần 200 bút danh. Người đã để lại cho các thế hệ nhà báo nhiều bài học lớn về nghề báo.

Bác vào nghề báo bằng những bài báo tiếng Pháp được viết ra bởi nghị lực phi thường trong học tập và rèn luyện cách viết, cách nói, cách làm báo. Và khi đã trở thành người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bác vẫn viết báo.

Học tập tấm gương  Nhà báo Hồ Chí Minh lỗi lạc

Quan điểm của Người về đạo đức báo chí rất  rõ ràng. Trước khi nói về cách làm báo và viết báo, Bác đặc biệt quan tâm đến tư cách của người làm báo, coi người làm báo là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng. Người luôn đặt ra những câu hỏi cụ thể: Viết để làm gì, viết cho ai, viết cái gì và viết như thế nào?

Như vậy, Người đã dạy chúng ta về mục đích, đối tượng phục vụ, nội dung và phương pháp làm báo. Người còn yêu cầu các nhà báo cần phải thường xuyên học tập, suốt đời rèn luyện không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Là vị lãnh tụ uyên thâm, thông thạo nhiều ngoại ngữ, am hiểu sâu sắc nhiều nền văn hóa và dày dạn kinh nghiệm nên các tác phẩm báo chí của Người đều là những mẫu mực về nội dung, hình thức, văn phong, ngôn ngữ. Không ít lần các nhà báo thế hệ học trò, con cháu của Bác băn khoăn tự hỏi, không biết làm sao mà Người viết báo bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài nhiều đến thế và hay đến thế? Với bao nhiêu công việc bề bộn của nhà lãnh đạo tối cao, Bác lại có thể viết được nhiều tác phẩm báo chí như vậy. Chỉ riêng khối lượng sản phẩm báo chí đồ sộ chứng tỏ sức lao động báo chí của Bác bền bỉ biết chừng nào. Đây  cũng là một bài học lớn đối với chúng ta.

Sinh thời, Bác Hồ luôn chỉ rõ: “Bài báo là tờ hịch cách mạng. Đã là nhà báo, chiến sĩ cách mạng, bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là gì? Tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8-9-1962) Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh kể cả hy sinh tính mạng, vì nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu danh thiên cổ, muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn.

Cũng tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác đã chỉ rõ những khuyết điểm đó là: nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn. Vì vậy, Bác căn dặn: “…Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Bác  căn dặn: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng,  cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu thực tế, đi sâu quần chúng lao động”. Bác còn nói: “Báo chí của ta đã có một vị trí quan trọng trong dư luận thế giới. Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”.

Người từng nói: “Tờ báo chỉ là giấy trắng, mực đen mà thôi. Nhưng, với giấy trắng, mực đen ấy, người ta có thể viết những tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương”. Người nói: “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà. Từ quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các nhà báo phải sử dụng đúng sức mạnh của ngòi bút, ngôn từ để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”.

Người cũng đã nhiều lần chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số quần chúng, một tờ báo không được đa số ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo; muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình thì: nội dung  tức là các bài viết  phải đơn giản, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát và hình thức - tức cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ sáng sủa”.

Với tư cách là một nhà báo lỗi lạc, dày dạn  kinh nghiệm và đức tính khiêm tốn, Bác đã truyền đạt cho những người viết báo một cách đơn giản, dễ hiểu: “Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, cho mình là tuyệt rồi. Tự ái là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”. Đó là bài học lớn cho những người làm báo. Vì vậy, Bác khuyên các nhà báo: “Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ. Bác phê phán lối viết lằng nhằng, tràng giang đại hải, dây cà, dây muống, không hợp với trình độ và thời gian của quần chúng; thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta; thiếu cân đối, tin nên dài thì viết  ngắn, nên ngắn lại viết dài, khuyết điểm nặng nhất là dùng từ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”.

Học tập những lời Bác dạy nhà báo về nghề báo trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo hơn bao giờ hết phải đảm bảo tính tư tưởng, giáo dục, chiến đấu, chân thật và thẩm mỹ; Phải kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích và lập trường chính trị của Báo chí Cách mạng; Phải chống khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận; Phải chống hiện tượng lợi dụng báo chí và tự do ngôn luận để làm lộ bí mật quốc gia, thông tin kích động dư luận, xúc phạm và trù dập công dân.

Báo chí phải góp phần vào việc xây dựng con người mới, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân; Tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời đấu tranh chống ảnh hưởng xấu độc của văn hóa ngoại lai, góp phần bảo vệ và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hơn bao giờ hết, chúng ta phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, những người làm báo phải xây dựng lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp báo chí, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân!

Bảo Dân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc