Ông Trần Văn Chiều, Phó tổng giám đốc Vinacomin:

“Hiệu quả một dự án cần được xét trên vòng đời tổng thể!”

08:25 | 02/06/2013

651 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhiều luồng thông tin xung quanh các dự án bauxite - alumina của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) triển khai tại Tây Nguyên, đang gây “nhiễu” dư luận. Báo Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Chiều, Phó tổng giám đốc Vinacomin phụ trách bauxite - alumin về vấn đề trên.

PV: Ông có thể giới thiệu những nét chính về Dự án Bauxite tại Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng), nơi đang phải hứng chịu nhiều luồng dư luận trái chiều?

Ông Trần Văn Chiều: Năm 2005, Chính phủ giao Vinacomin làm chủ đầu tư các dự án bauxite - alumin tại tỉnh Đắk Nông, Tây Nguyên. Tiếp đó, năm 2006, được sự cho phép của Chính phủ, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam đã chuyển giao Dự án Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là Dự án Tân Rai) cho Vinacomin (dự án đã được Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu từ năm 1997). Sau 2 năm tìm hiểu cặn kẽ, tính toán phương án khả thi, năm 2008 Vinacomin đã chính thức khởi công Gói thầu EPC Nhà máy alumin (gói thầu chính của dự án, do nhà thầu Chalieco - Trung Quốc thực hiện) tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Tân Rai đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, công nghệ khai thác, chế biến quặng bauxit được tiến hành với ba công đoạn: (i) khai thác quặng bauxite từ mỏ, (ii) quặng bauxite được đưa và nhà máy tuyển quặng để sản xuất ra quặng tinh bauxit, và (iii) quặng tinh bauxite được đưa vào nhà máy alumin (nhà máy luyện kim) để tách alumina (ô xit nhôm), nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân. Đến tháng 12/2012, Nhà máy Tân Rai đã cho ra tấn sản phẩm đầu tiên, kết quả phân tích cho thấy chất lượng sản phẩm alumin cơ bản đạt yêu cầu theo hợp đồng EPC đã ký.

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Tân Rai

Theo số liệu, đến tháng 4, Tập đoàn chúng tôi khai thác được trên 1,6 triệu tấn quặng bauxite, sản xuất được  265.000 tấn quặng tinh bauxite và 28.600 tấn alumina (chưa kể sản phẩm trung gian hydroxit nhôm). Tổng giá trị đầu tư đã thực hiện của toàn bộ dự án này khoảng 11.612 tỉ đồng, tổng giá trị đã giải ngân khoảng 11.125 tỉ đồng. Dự kiến trong tháng 6 tới sẽ tiến hành chạy xác định các chỉ tiêu để đưa nhà máy alumin vào sản xuất sản phẩm thương mại.

PV: Như vậy, việc một số nhà khoa học vội vàng đưa ra ý kiến rằng: “Nếu Vinacomin dừng Dự án tại Nhân Cơ (có công suất tương đương Tân Rai) sẽ đỡ tổn thất hơn tiếp tục” liệu có hợp lí không, thưa ông?

Ông Trần Văn Chiều: Tôi thừa nhận Tập đoàn có gặp khó khăn với Dự án Tân Rai, bởi cả hai dự án trên đều mang tính chất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rất khó tránh khỏi. Sự chậm trễ chủ yếu là nguyên nhân khách quan. Cuối năm 2010, trước lo lắng của dư luận, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn cùng các cơ quan hữu quan của Nhà nước đi khảo sát sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary và sau đó, hồ bùn đỏ của dự án đã phải điều chỉnh lại thiết kế, theo ý kiến góp ý của các nhà khoa học để nâng độ an toàn. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có những mặt chủ quan như vấn đề đường sá vận chuyển những thiết bị cồng kềnh, siêu trường, siêu trọng, hay vấn đề về nhân công thầu phụ không đáp ứng yêu cầu...

Tôi không bình luận ý kiến trên có hợp lý hay không, nhưng tôi khẳng định tất cả những khó khăn hiện tại sẽ được giải quyết sau khi Vinacomin đàm phán xong với các đối tác về giá. Tôi cũng xin được thông tin thêm để mọi người hiểu rõ: ngay từ khi dự án còn chưa khởi động, Vinacomin đã chủ động xin ý kiến từ rất nhiều cơ quan hữu quan Trung ương và địa phương; đồng thời cũng nhận lại sự tư vấn tích cực của các bộ, ngành để tiếp tục thực hiện Dự án bauxite Nhân Cơ. Điều mà chúng tôi mong muốn là dư luận hãy tin tưởng vào dự án.

PV: Như vậy, bài toán vận chuyển sản phẩm cũng là một thắc mắc lớn. Vinacomin đã giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Chiều: Đã là sản xuất kinh doanh thì bao giờ cũng có thuận lợi, khó khăn và phải tìm giải pháp. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Belarus mới đây, hai bên đã ký kết hợp tác xây dựng tuyến đường sắt để vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên xuống, cũng như phục vụ nhiều mục tiêu khác nữa. Với Dự án bauxite, Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm những dự án như thế này nên cần học hỏi các chuyên gia nước ngoài, nhờ họ vận hành ban đầu nhưng quan trọng nhất là đào tạo đội ngũ trong nước làm chủ thiết bị để vận hành.

PV: Với công nghệ mà Vinacomin lựa chọn, dường như mức độ tiêu hao nước là rất lớn, trong khi đó an ninh nước luôn là vấn đề rất lớn và thường xuyên ở Tây Nguyên?

Ông Trần Văn Chiều: Chúng tôi đã chuẩn bị cho mỗi dự án những hồ chứa nước lớn, không chỉ đảm bảo cho sản xuất của nhà máy, mà vào mùa khô còn phục vụ cả cho công tác tưới tiêu của nhân dân, điều này đã được chứng minh đối với nhu cầu tưới tiêu cho cây công nghiệp trong mùa nắng hạn vừa qua.

PV: Quay trở lại lo lắng của các nhà khoa học, nhà kinh tế về sự thua lỗ của dự án thí điểm đầu tiên là Tân Rai. Dường như vấn đề giá cả và thuế suất đang là “tâm điểm” của dự án, đúng không thưa ông?

Ông Trần Văn Chiều: Về nguyên tắc đầu tư mà nói, nếu đánh giá một dự án mà không tính đến vòng đời, chỉ tính theo thời điểm thì liệu dư luận có công bằng với Vinacomin? Cần khẳng định lại rằng, khi lập Dự án bauxit Tân Rai - Lâm Đồng năm 2005, dự án được tính toán đạt hiệu quả kinh tế cao trong vòng 10-12 năm, hơn nữa dự án được chỉ định mang tính thử nhiệm. Ở thời điểm hiện nay, do kinh tế thế giới suy giảm và giá các mặt hàng khoáng sản, trong đó có alumin, cũng giảm theo vì tồn kho, cung vượt quá cầu. Vì thế, Vinacomin sẽ đề xuất với Chính phủ một số cơ chế chính sách trong giai đoạn đầu của dự án để tăng tính hiệu quả.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế của dự án chưa đạt theo mục tiêu là vốn đầu tư tăng, trượt giá, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng và đặc biệt giá alumin tại thời điểm hiện nay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lại giảm xuống mức dưới 340USD/tấn. Chúng tôi cho rằng, sẽ không công bằng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế dự án chỉ căn cứ vào hiệu quả kinh tế đơn thuần của dự án đối với chủ đầu tư mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội lan tỏa, cũng như ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng của dự án đối với địa phương và khu vực Tây Nguyên.

Dự án sẽ thu hút tới 1.500-1.700 lao động địa phương, có đóng góp cho ngân sách Trung ương và địa phương, tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như hạ tầng kỹ thuật, văn hóa xã hội cho địa phương và khu vực. Với xu thế nền kinh tế thế giới đang phục hồi, chúng tôi tin chắc rằng ngành công nghiệp sản xuất nhôm sẽ tăng trở lại và việc giá alumin sẽ gia tăng là hiện thực (thời điểm năm 2008 giá alumin đã đạt mức trên 500USD/tấn).

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích thuộc Citigroup Inc, Morgan Stanley và Societe General SA, giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 dự báo dao động trong khoảng 300USD/tấn đến 640USD/tấn, trung bình ở khoảng 450USD/tấn. Với các yếu tố thuận lợi nêu trên cùng các biện pháp tăng cường công tác quản lý, tiết giảm chi phí và cơ chế chính sách thuế, phí hợp lý, về lâu dài, chúng tôi tin rằng Dự án Tân Rai - Lâm Đồng, mặc dù với tính chất là dự án thử nghiệm, nhưng sẽ có hiệu quả kinh tế, đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể.

PV: Như vậy Vinacomin sẽ vẫn tiếp tục Dự án Nhân Cơ, thưa ông?

Ông Trần Văn Chiều: Với tư cách là lãnh đạo Tập đoàn, tôi khẳng định Dự án Nhân Cơ vẫn sẽ tiếp tục. Cá nhân tôi cho rằng với quyết tâm cao, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và nỗ lực không chỉ của Vinacomin và các thành phần kinh tế khác, trong thời gian gần chúng ta sẽ thấy hiệu quả của những dự án trên. Vấn đề là đúng lúc chúng ta trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng, không chỉ alumin mà tất cả các lĩnh vực khác đều khủng hoảng, kể cả gạo và những mặt hàng nông sản. Chúng ta đừng quá lo lắng. Với trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước và các thành phần khác, chúng tôi đều bươn chải tìm đường ra. Thời gian sẽ chứng minh!

PV: Xin cảm ơn ông!

Hữu Tùng (thực hiện)