Hết thời “độc thư cao”?!

07:00 | 21/11/2013

3,485 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khoảng 25 năm nay, người đọc sách, mê sách, nhất là sách văn chương ở ta ngày càng hiếm, dẫu rằng nước ta là một trong số không nhiều quốc gia có một ngày hội sách hẳn hoi!

Năng lượng Mới số 275

Sách “Ấu học ngũ ngôn thi” - dạy trẻ em bằng thơ 5 chữ, còn gọi là “Ngũ tự kinh”, khổ đầu tiên đã viết “Vạn việc giai hạ phẩm/ Duy hữu độc thư cao” ca ngợi việc đọc sách (Vạn nghề đều bình thường. Duy có việc đọc sách là cao quý!).

Thế nhưng khoảng 25 năm nay, người đọc sách, mê sách, nhất là sách văn chương ở ta ngày càng hiếm, dẫu rằng nước ta là một trong số không nhiều quốc gia có một ngày hội sách hẳn hoi! Vậy mà, người ta thống kê hằng năm, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được một cuốn sách). Tỷ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng hiện chỉ có 0,38 cuốn. Thế nhưng nghề xuất bản vẫn phát triển với mấy chục đầu mối và rất nhiều công ty văn hóa, nhờ đó có nhiều đầu sách ra mỗi tháng.

Hãy làm con tính tiểu học, 500 cuốn, 700 cuốn sách mới xuất bản cho 90 triệu người thử hỏi ai mua, ai đọc?

Một nhà văn có tên tuổi kể chuyện một lần ghé tiệm sách cũ tìm mua một cuốn sách cũ ông bất chợt thấy có cuốn sách của mình. Ông xúc động mở ra thì thấy còn nguyên nếp gấp và dòng chữ trân trọng kính tặng của mình dành cho một ông VIP. Thì ra ông VIP này không đọc. Nhà ông cũng không ai đọc vì có trang chưa dọc và bây giờ nó nằm trong đống sách bán cân.

Một hiệu sách trên đường Phạm Văn Đồng (ảnh: Hiền Anh)

Hình như qua lâu rồi cái thời đọc sách là một thú vui. Bây giờ nói lại chuyện các anh tân binh với cây gậy Trường Sơn và cuốn sách trong balô ra trận nghe cứ như truyện cổ tích. Ngày xưa, mỗi cuốn sách được ra đời là không dễ dàng nên các tác giả chăm chút nội dung, công việc biên tập, sửa mo-rát, vẽ bìa đều chỉn chu lắm. Bây giờ sách ra ào ào, chẳng mấy cuốn không phải đính chính và lâu lâu lại có thông báo thu hồi vì sách có nội dung xấu. Sách ra nhan nhản, đủ thể loại văn chương, thơ phú, giáo khoa tham khảo, nhiều đến nỗi ngay cả cán bộ quản lý xuất bản cũng không biết hết số lượng sách mà họ cấp phép mỗi tuần, mỗi tháng.

Việc cấp phép xuất bản bây giờ dễ dãi và đơn giản lắm. Đây là con dao hai lưỡi ít lợi hơn hại. Có thể kể đến việc ai cũng thành tác giả, có tiền là in được sách, nhiều nhất là thơ. Chẳng thế mà có ông tiến sĩ làm thơ, qua một đêm “chế tạo” được cả trăm bài, cũng in, cũng hội thảo, lại được một nhà thơ có thẻ bốc thơm rằng, đáng được dự giải Nobel? Lại có ông mê thơ đến độ bán lợn, bán bò, bán xe, bán lúa non để in thơ (vè) khiến vợ con mè nheo cả năm. Đây chính là điều tệ hại. Tệ hại hơn nữa là có không ít cuốn sách có nội dung phản cảm độc hại, kích dục, kích tà, khiến nhiều bậc làm cha làm mẹ giật mình. May quá, con em mình không tiếp cận loại “độc thư” này. Và kỳ cục nhất là đến lúc sách nhảm được truyền tay nhau trên thị trường thì các quan “kiểm thư” mới tá hỏa lo cấm đoán, thu hồi đem đi nghiền thành bột giấy. Tuy nhiên, rất nhiều cuốn sách “đột tử” vì mới ra thị trường đã chết luôn vì 3 không: Không ai quan tâm, không ai mua, không ai ngó qua dù chỉ cái bìa. Nay các nhà sách rút kinh nghiệm kinh doanh, nhất quyết không nhập “hạ thư”.

Thị hiếu độc giả thay đổi dù vẫn còn người chọn sách, đọc sách theo sở thích riêng. Với những cuốn sách hay, sách lạ, người ta vẫn cất công tìm kiếm, “đao loát” trên mạng để đọc nhưng ít người có cái thú ra hiệu sách tìm mua sách quý. Một cô gái bán sách kể rằng, thỉnh thoảng mới có vài sinh viên đến đọc ké nhưng là đọc sách khoa học kỹ thuật, sách phục vụ cho luận văn tốt nghiệp. Có hơn mười đầu sách tinh hoa văn học vẫn phủ bụi trên giá chờ gặp quý nhân. Xưa hay ghép nhà văn - nhà báo thành đôi, nay người ta thích đọc báo hơn đọc sách. Chẳng thế mà báo in 20 vạn bản vẫn bán hết trong khi sách 500 cuốn vẫn ế chỏng, ế chơ. Mấy năm nay, báo giấy cũng “chết” vì  người ta chuộng báo mạng hơn báo giấy. Có điều bạn đọc ít biết là sách cũng… đội giá vì chiết khấu 40-60%. Có dịp ra phố sách Nguyễn Xí, Hà Nội, bạn có thể mua bất cứ cuốn sách nào với giá nhỉnh hơn giá bìa một chút. Thế là thế nào? Chịu, không giải thích được.

Sách bây giờ sống được cũng nhờ PR hoặc bị chê bai hoặc ăn theo sách ngoại. Hầu như chẳng có cuốn nào bán chạy nhờ các nhà phê bình văn học chắp cánh. Họ “dạt” đi đâu hết rồi? Những cuốn sách bán chạy đôi khi là sách bị các ông văn hóa địa phương lên án, chê bôi nhưng may quá lại được hậu thuẫn bởi các công ty sách, nên tái bản ngay, chuyển thể thành phim truyền hình. Tin bài về sách văn chương còn nhạt hơn cả văn chương trong sách, không PR được bao nhiêu. Sách đã ít mà vẫn ế.

Bạn đọc bây giờ “già hóa” nhanh hơn. Xem ra, chỉ những người U40 là còn chăm chút đọc sách. Những người khác quá bận rộn với công danh, thương trường, nặng gánh gia đình, sức nhìn suy giảm càng ít đọc. Việc giới thiệu mỗi ngày một cuốn sách trên tivi vào các buổi sáng lại phát hình vào lúc nhiều người đã ra đường đi làm và nhà đài lại giới thiệu sách theo kiểu “mặt trận”, hầm bà làng đủ loại của toàn dân, từ các cháu tiểu học đến các bậc thức giả. Thế nhưng, cách giới thiệu y chang canh ốc bươu vàng nên chẳng thu hút được mối quan tâm của người ham sách. Có nhà báo ra đảo về khẳng định rằng, có một nơi mà sách được trân trọng, quý mến nhất, được truyền tay nhau đến mức sờn gáy, quăn bìa, đó là Trường Sa với những người lính trẻ không đủ sách mà đọc. Thật buồn khi thanh niên chính là đối tượng có sức đọc mạnh nhất mà không chịu đọc và họ mất thói quen đọc sách rồi.

Việt Nam được xem là đất nước của thi ca và mỗi người Việt đều có thể nói thành thơ, viết ra thơ. Trong Hội Nhà văn, số nhà thơ lấn lướt số nhà văn. Nhưng đáng buồn là họ lại lười đọc. Việc mua sách để đọc thì càng hiếm như thơ hay của họ... Có người tức cảnh lẩy Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/ Thói quen lười đọc khéo là giống nhau”. Bây giờ danh sách những người lười đọc cứ dài ra mãi bởi thói xấu này không phải của riêng ai. Người lao động chân tay không đọc đã đành nhưng trí thức không đọc thì hết biết. Gần đây có chuyện một ông phó giám đốc sở văn hóa thú nhận là ông không đọc sách báo bao giờ. Đến khi bị “ném đá” trên mạng, ông bèn chống chế rằng, ông đọc trên mạng, cần gì đọc trên giấy!? Câu chuyện này khiến người ta suy nghĩ rằng, chuyện suy thoái văn hóa đọc là có thực và ngày càng nghiêm trọng. Không thiếu sách hay để đọc và vẫn còn người đọc ham sách. Thế thì hà cớ gì mà sách hay và người hay đọc không gặp nhau?

Một khi văn hóa đọc của mỗi người và của xã hội suy vong thì văn hóa, đúng ra là văn hiến Việt Nam làm sao có thể bảo tồn và phát triển được? Văn hóa không phát triển ắt sẽ làm cho kinh tế xã hội không thể phát triển vững chắc được. Có cách gì chấn hưng văn hóa đọc hay không? Nghị quyết của Đảng thì đã có. Cơ sở vật chất có đến nỗi nào? Vậy mà sách văn chương vẫn ngắc ngư ngắc ngoải.

Bảo Văn