Hậu trường chính trị Iran: Mâu thuẫn giữa tổng thống và giáo chủ

08:17 | 11/12/2011

482 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ít người biết rằng, chính trường Iran đang xảy ra cuộc đụng độ tóe lửa giữa Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và lãnh tụ tối cao (Ayatollah) Ali Khamenei. "Một mất một còn" là cụm từ chính xác có thể dùng để miêu tả cuộc so găng kịch tính này…

Giáo chủ ra đòn

Ngày 21/11/2011, lực lượng an ninh Iran bất ngờ tấn công văn phòng Hãng thông tấn Cộng hòa Hồi giáo (IRNA) bằng lựu đạn cay và bắt khẩn cấp Giám đốc Ali Akbar Javanfekr như thể đương sự là hiểm họa an ninh quốc gia thật sự. Trước đó, tháng 10/2011, hàng chục nhân vật vai vế khác cũng bị bắt giữ. Tất cả đều thuộc thành phần ủng hộ của vây cánh Mahmoud Ahmadinejad. Đây là một trong những chuỗi đòn liên hoàn đánh trực diện vào Ahmadinejad của đại giáo chủ Ali Khamenei.

Nhiều người tin rằng, vụ tấn công Tòa đại sứ Anh tại Tehran ngày 29/11/2011 cũng do chính Khamenei giật dây nhằm làm tổn hại hình ảnh Ahmadinejad trên trường quốc tế. Sự căng thẳng trong quan hệ giữa Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và đại giáo chủ Ali Khamenei ngày càng thấy rõ, dựa vào mức độ công khai thách thức tăng dần của Ahmadinejad đối với Khamenei, cũng như sắc màu đậm dần và nặng đô hẳn từ những đòn đối phó trừng trị của giáo chủ.

Cách đây không lâu, một cuộc hỗn chiến nho nhỏ đã xảy ra, vào ngày 17/4/2011, khi Ahmadinejad sa thải Bộ trưởng Tình báo Heidar Moslehi. Ahmadinejad tin rằng, Moslehi là “người nhà” của giáo chủ Khamenei, được đưa vào nội các nhằm khống chế quyền lực và cản trở những mục tiêu chính trị của mình. Chỉ vài giờ sau, Moslehi lại được đưa trở về vị trí cũ, bằng mệnh lệnh trực tiếp của giáo chủ Khamenei. Sự việc khiến Ahmadinejad nổi điên và hoãn tất cả cuộc họp nội các trong gần hai tuần để bày tỏ bất mãn.

Ahmadinejad và đồng minh (ông sui) Esfandiar Mashaei

Tờ Los Angeles Times viết rằng, “các đối thủ của Ahmadinejad đã bắt đầu ngửi thấy mùi máu” khi ngày càng hăng tiết lên tiếng chống đối trực diện và thậm chí muốn “luộc chín” Ahmadinejad với đề xuất đưa đương sự ra Quốc hội để luận tội nhằm phế truất tư cách tổng thống. Tại sao Ahmadinejad bị “đập” tơi tả gần như không còn manh giáp? Khamenei tin rằng, Ahmadinejad bây giờ khác với Ahmadinejad ngày trước, khi lần đầu tiên từ năm 1981 trở thành một nhân vật thế tục ngồi ghế tổng thống sau cuộc bầu cử 2005. Lúc đó, Ahmadinejad nổi tiếng bảo thủ, với phong cách chính trị phù hợp với chủ trương cực đoan của “đạo đức chính trị” truyền thống Hồi giáo Iran. Thời trẻ, Ahmadinejad từng là thủ lĩnh sinh viên với loạt chiến dịch xuống đường ủng hộ giáo chủ Ruhollah Khomeini năm 1980.

Cần nhắc lại, các buổi quy tụ sinh viên tương tự trước đó từng dẫn đến việc thành lập Văn phòng củng cố thống nhất – tổ chức sinh viên đứng sau vụ tấn công Tòa đại sứ Mỹ đưa đến cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày bắt đầu từ năm 1979 (lúc đó, Ahmadinejad đề nghị tấn công cả Tòa đại sứ Liên Xô nhưng bị bác bỏ). Giai đoạn chiến tranh Iran – Iraq, Ahmadinejad gia nhập Quân đoàn vệ binh cách mạng năm 1986; chịu trách nhiệm tiến hành điệp vụ mật tại Kirkuk (Iraq).

Năm 2003, Ahmadinejad đắc cử Thị trưởng Tehran. Ở vị trí này, Ahmadinejad thay đổi tất cả cải cách từng được những người tiền nhiệm thực hiện, nhấn mạnh yếu tố thuần khiết Hồi giáo trong sinh hoạt cộng đồng (buộc nam – nữ trong công sở hành chính phải đi thang máy riêng); từng cho đóng cửa các nhà hàng thức ăn nhanh đồng thời yêu cầu viên chức thị chính phải để râu và vận áo thụng; từng đích thân thực hiện chiến dịch chống dùng hình ảnh David Beckham (gương mặt nổi tiếng phương Tây đầu tiên được sử dụng cho quảng cáo thương mại tại Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979)…

Uy tín Ahmadinejad từng bị hoen ố sau vụ tái tranh cử tổng thống tháng 6/2009 với cuộc bạo động chưa từng có kể từ năm 1979

Uy thế Mahmoud Ahmadinejad bắt đầu lung lay sau cuộc tái tranh cử vào tháng 6/2009. Kết quả bầu cử bất minh đã bất ngờ biến thành quả bom hạt nhân chính trị nổ tung, gây chấn động khắp Iran cũng như khu vực, một sự kiện chưa từng có kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 (lật đổ chế độ phong kiến). Nó thể hiện bằng hình ảnh của hàng triệu người biểu tình, hàng ngàn cuộc vây bắt, hàng trăm vụ tra tấn và hàng chục vụ giết chóc. Cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử năm 2009 thật sự là một vụ chính biến cực kỳ nghiêm trọng.

Không chỉ gia đình ứng cử viên Tổng thống Mir-Hossein Mousavi, nhiều nhân vật cộm cán cũng bị bắt trong sự kiện này, từ cựu Phó tổng thống Mohammad-Ali Abtahi, cựu Cố vấn Tổng thống Saeed Hajjarian, Luật sư Shirin Ebadi (Nobel Hòa bình 2003) đến cựu Ngoại trưởng Ebrahim Yazdi… Lần đó, Khamenei đã cứu Ahmadinejad khi công nhận kết quả chiến thắng cho đương sự, với trấn an dân chúng rằng những tình tiết khúc mắt về gian lận lá phiếu sẽ được điều tra. Sở dĩ Khamenei ủng hộ Ahmadinejad là muốn nhanh chóng tháo ngòi quả bom dư luận. Ngài giáo chủ lo rằng, cuộc biểu tình rầm rộ nếu không được chặn đứng thì không khéo có thể trở thành kíp nổ phá vỡ hệ thống chính trị đồng thời dẫn đến sự sụp đổ chế độ Hồi giáo Iran.

Ahmadinejad đã "phạm thượng” như thế nào?

Vấn đề ở chỗ, Ahmadinejad bắt đầu ngày càng “hỗn”. Ông dám “bố láo” khi đương đầu Khamenei, không chỉ trong nội chính mà với cả đối ngoại. Khamenei tin rằng, Ahmadinejad đã bí mật thậm thụt với phương Tây để bán đứng đất nước; rằng Ahmadinejad đang ôm mộng biến Iran thành quốc gia thế tục bằng “những trò cải tổ dân chủ ủy mị lừa bịp dân chúng”. Đầu tháng 5/2011, một chỉ huy Quân đoàn cách mạng Hồi giáo (IRGC) “dự báo” rằng, Ahmadinejad và “bè lũ của hắn” sẽ “đứng lên” chống lại chế độ, tạo ra một mối đe dọa thậm chí kinh khủng hơn cuộc bạo động tháng 6/2009.

Một ông tướng IRGC khác cũng “dự báo” về “một năm đẫm máu” gần kề. Có lúc, Ahmadinejad đã chọn giải pháp lui về thế thủ, bằng cách hạ mình khi lên truyền hình nói với quốc dân rằng ông chỉ là “một anh lính ngoan ngoãn của vị lãnh tụ tối cao (Khamenei)”. Tuy nhiên, Khamenei cho rằng hình ảnh rụt cổ của Ahmadinejad chỉ là một động tác giả che đậy âm mưu bẩn thỉu nào đó đang được thai nghén. Cần nhấn mạnh rằng, bản thân Ali Khamenei từng ngồi ghế tổng thống (từ năm 1981 đến 1989) nên ông biết quá rõ chỗ đứng “tổng thống” trong một nước theo “thể chế Cộng hòa” mà những ông lãnh tụ Hồi giáo mới là thế lực thật sự, biết quá rõ đâu là điểm dừng và khi nào nên hãm trong các vấn đề đối đầu với lãnh tụ tối cao (Khamenei trở thành lãnh tụ tối cao chỉ một ngày sau khi đại giáo chủ Ruhollah Khomeini chết vào tháng 6/1989).

Trong hệ thống chính trị Iran, lãnh tụ Hồi giáo tối cao có quyền can thiệp vào mọi vấn đề, đối nội lẫn đối ngoại (trong ảnh là đại giáo chủ Khamenei - giữa)

Có nhiều chi tiết cho thấy Ahmadinejad đã “vuốt mặt không nể mũi”, chẳng hạn việc cổ súy “tinh thần quốc gia” hơn là “tinh thần Hồi giáo”; ủng hộ nhiều vị vua quá khứ Ba Tư chẳng hạn Cyprus Đại đế, người từng thả người Do Thái khỏi Babylon như “một hành động mang màu sắc nhân quyền”; ủng hộ việc chọn ngày (tết) mừng tân niên là Nowruz (tiếng Ba Tư có nghĩa “Ngày mới”) theo lịch cũ truyền thống (Hồi giáo cực đoan Iran phản đối Nowruz dù nét văn hóa này đã được UNESCO đưa vào danh sách “Những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” năm 2009). Việc Ahmadinejad tuyên bố kiêm nhiệm Bộ trưởng Dầu hỏa (một chức vụ nhạy cảm đặc biệt, đối với một ngành công nghiệp mang lại hơn 80% cho ngân sách chính phủ) cũng khiến phe Khamenei khó chịu. Ahmadinejad thậm chí thách thức ra mặt ngay cả khi Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp cho rằng, hành động trên là bất hợp pháp. Cuối cùng, cho đến khi “vụ án” được đưa ra “xử” tại Quốc hội (Majlis), Ahmadinejad mới đồng ý thôi.

Điều quan trọng khiến giáo chủ Khamenei lẫn thành phần Hồi giáo cực đoan tin rằng, Ahmadinejad đang “mafia hóa chính trị” quốc gia để “thế tục hóa” Iran là việc xây dựng một liên minh sau hậu trường với nhân vật Esfandiar Mashaei nằm ở vị trí trung tâm. Vốn là sui gia (con gái Mashaei lập gia đình với con trai Ahmadinejad), quan hệ chính trị giữa hai người đã được thắt chặt từ nhiều năm trước.

Tính đến nay, Ahmadinejad đã bổ nhiệm Mashaei tổng cộng 13 vị trí quan trọng (trong đó có chức bộ trưởng văn hóa với quyền kiểm soát hàng trăm triệu đôla ngân sách). Cánh Khamenei tin rằng, Ahmadinejad cùng Mashaei đã lập ra nhiều nguồn quỹ đen để mua chuộc hậu thuẫn chính trị. Đặc biệt, họ dường như đang ấp ủ kế hoạch nắm tay chơi vũ khúc tương tự “vũ điệu tango Putin – Medvedev” bằng việc thay nhau kiểm soát chính trường Iran, sau khi Ahmadinejad hết nhiệm kỳ năm 2013 (Hiến pháp Iran không cho phép tổng thống đương nhiệm ứng cử nhiệm kỳ ba).

Với tư tưởng cách tân, Mashaei không được lòng Khamenei. Ngài giáo chủ từng phản đối dữ dội khi Ahmadinejad bổ nhiệm Mashaei ghế phó tổng thống ngay sau cuộc bầu cử 2009. Ahmadinejad buộc phải nhượng bộ nhưng lại đưa ông sui gia Mashaei vào ghế đổng lý văn phòng tổng thống kiêm nhiệm hơn 10 vị trí khác trong chính phủ… Một chiến dịch tấn công Mashaei đang được thực hiện, khi “có nguồn tin tiết lộ” rằng, đương sự dính vào vụ biển thủ đến 2,6 tỉ USD.

Ahmadinejad sẽ bị quẳng vào "thùng rác lịch sử"

“Bị quẳng vào thùng rác lịch sử” – một cụm từ ưa thích của giới chính trị Trung Đông – có thể được dùng với trường hợp Ahmadinejad. Bới móc đang là một trong những thủ đoạn dành cho ngài tổng thống. “Nhiều nguồn tin nội bộ” đang được xì ra cho báo chí, cho biết tỉ lệ thất nghiệp thật sự của Iran hiện ở mức hơn 30% và lạm phát khoảng 25%. Những con số này được tô đậm với ý nghĩa rằng, Ahmadinejad bắt đầu tỏ ra bất tài khi lèo lái con tàu kinh tế quốc gia. Ít nhất hai ông nghị đã đăng đàn lên tiếng buộc tội Chính phủ Ahmadinejad tung ra những con số thống kê gian trá nhằm che đậy sự yếu kém trong điều hành. Tuy nhiên, đó chỉ là những “đòn gió” nhằm làm hạ uy tín Ahmadinejad. Trong hậu trường, người ta còn toan tính một kịch bản gay cấn hơn: Xóa sổ ghế Tổng thống Iran!

Để ngừa những trường hợp đối đầu trong tương lai, nhóm soạn kịch bản với đạo diễn Khamenei tin rằng, tốt hơn hết là hủy bỏ chế độ chính trị tổng thống dân cử và có thể thay bằng ghế thủ tướng. Ngài giáo chủ đã chẳng úp mở gì kế hoạch này, khi “thử đưa ra ý tưởng” trên tại một buổi nói chuyện trung tuần tháng 11/2011. Trong lịch sử Cộng hòa Hồi giáo Iran, ghế thủ tướng thật ra từng tồn tại (từ 1979-1989), sau đó được tu chính Hiến pháp hủy bỏ. Chính tiền lệ này đã trở thành điểm thuận lợi “xét về mặt lịch sử” để hồi phục ghế thủ tướng (được Quốc hội bổ nhiệm), thay cho ghế tổng thống (dân cử). Nói chung Khamenei đang có nhiều chiêu trò để loại Ahmadinejad. Và cả những Ahmadinejad tương lai.

Hệ thống chính trị Iran

- Tổng thống: Được bầu với nhiệm kỳ 4 năm và không được tranh cử quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Hiến pháp ghi tổng thống là nhân vật quyền lực thứ hai trong thể chế chính trị quốc gia, sau lãnh tụ tối cao. Ông là người đứng đầu hành pháp và có trách nhiệm đảm bảo Hiến pháp được thực thi. Ứng cử viên tổng thống phải được duyệt bởi Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp. Trong thực tế, quyền hạn tổng thống bị chi phối bởi lãnh tụ Hồi giáo tối cao – người có quyền kiểm soát quân đội và có tiếng nói quyết định ở những vấn đề liên quan an ninh, quốc phòng và đối ngoại.

- Nội các: Được chọn bởi tổng thống nhưng phải được chuẩn y bởi Quốc hội. Thường thì đại giáo chủ can thiệp vào việc bổ nhiệm các bộ trưởng quốc phòng, an ninh, tình báo, ngoại giao.

- Quốc hội: Có 290 thành viên, được bầu từ lá phiếu phổ thông mỗi 4 năm. Tất cả dự luật Quốc hội phải được Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp chuẩn y.

- Hội đồng các chuyên gia: Gồm những người có quyền chỉ định (chọn) lãnh tụ tối cao. Họ cũng có quyền giám sát cũng như truất phế lãnh tụ tối cao.

- Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp: Gồm 6 ông thần học (được lãnh tụ tối cao chỉ định) và 6 ông luật gia (được hệ thống tư pháp đề cử và Quốc hội chuẩn y).

- Lãnh tụ tối cao: Người đứng đầu tháp quyền lực chính trị Iran, có quyền bổ nhiệm viên chức hệ thống tư pháp, 6 thành viên Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp; các viên tướng lãnh quân đội, các chánh giáo sĩ địa phương, giám đốc truyền hình và đài phát thanh nhà nước. Nhân vật này cũng có quyền phán quyết kết quả bầu cử tổng thống.

Mạnh Kim