Hành trình đi tìm sự thật về “xác rũ” tại An Giang (Phần 2)

20:30 | 12/06/2016

2,907 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Như những thông tin mà chúng tôi tìm thấy trong phần 1, thì không thể phủ nhận rằng, những lời đồn đoán, cũng như những điều khó hiểu xung quanh cậu Hạo luôn huyền bí và gây tò mò cho nhiều người, vậy sự thật nằm sau câu chuyện này là gì? Và những người thân hiện tại trong gia đình cậu Hạo nói như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tiếp trong phần 2 này.
hanh trinh di tim su that ve xac ru tai an giang phan 2
Căn nhà và xác ướp cậu Hạo. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Người chủ nhà đã dắt chúng tôi đi vào viếng chính là cô em ruột của cậu Hạo, cô tiếp chúng tôi rất niềm nở, với giọng nói nhẹ nhàng và hiền lành của một người con miền Tây.

Cô bảo chúng tôi ngồi xuống quán nước, rồi bưng một dĩa thịt luộc ra vừa sắt thịt vừa trò chuyện cùng với chúng tôi. Cô bảo: “Mùa này cô bận buôn bán nên không có nhiều thời gian để tiếp chuyện với các con, nên có gì thì các con cứ hỏi cô sẽ trả lời”.

Không chần chừ lâu, chúng tôi bắt đầu đi vào vấn đề chính: “Cô có thể cho tụi con biết vì sao mà người nhà lại đào cậu Hạo lên khi đã an táng rồi không ạ?”

“Do cậu báo mộng đó con! Trong những đêm sau khi chôn cất cậu xong, ba của cô nghe thấy tiếng văng vẳng bên tai: Hãy đào con lên, con vẫn còn sống”! – Cô trả lời.

 “Lúc đó ba cô cũng nửa tin nửa ngờ, một phần vì sự ám ảnh do cậu Hạo ra đi khi còn quá trẻ, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh; một phần vì quá thương nhớ con, nên ba cô quyết định thử một phen. Nhưng đây là vấn đề lớn, không thể tự ý hành động, cần phải có sự chấp thuận của gia đình. Lúc đó ba cô đến hỏi ý kiến của ông nội, ông bảo rằng xưa giờ ông cũng chưa từng gặp hiện tượng như vậy, thôi thì cứ đào lên xem sao, nếu sống thì nuôi tiếp còn chết thì chôn lại”.

hanh trinh di tim su that ve xac ru tai an giang phan 2

Quan tài cậu Hạo. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

“Vậy lúc đem cậu Hạo lên từ lòng đất gia đình có gặp trở ngại gì không cô?” – Chúng tôi hỏi tiếp.

“Có chứ con, để bốc một thi hài lên đâu phải là chuyện đơn giản, phải làm đơn trình lên Bộ Y tế, họ cử người xuống khám nghiệm và cuối cùng là chính quyền chứng nhận thì mới được đào. Còn phải đảm bảo vệ sinh môi trường nữa, ngày xưa người ta hay gọi là bệnh truyền nhiễm, nói chung cũng có nhiều cái khó khăn nhưng lúc đó ba cô làm việc cho nhà nước nên cũng dễ hơn”.

“Tụi con đọc trên các báo thấy viết về thời niên thiếu của cậu Hạo qua lời kể của cậu Trí, người đã canh giữ và chăm sóc cho thi hài của cậu Hạo mấy chục năm qua. Cậu Trí bây giờ thế nào và cô có thể kể một chút về cậu Hạo không ạ?”

“Rất tiếc! Cậu trí đã mất cách đây một năm rồi con à. Ba má cô sinh ra được bốn người con, cậu cả là Đinh Công Hạo, cậu út là Đinh Hữu Trí, cô là Đinh Thị Ngọc Mai và cô còn một người chị hiện đang sinh sống tại Mỹ”.

“Ngày xưa ông cố là thầy nho, nên cậu Hạo được tiếp xúc với chữ nho từ khá sớm. Nhưng đến cỡ 5-6 tuổi là ông cố vừa cho học chữ nho vừa cho học chữ Quốc ngữ, cậu Hạo chăm chỉ và rất thông minh. Khi có khách là những người am hiểu về nho học đến nhà, ông sẽ bảo cậu ra rồi vấn đáp những câu Tam tự kinh đại loại như: Nhân chi sơ, tính bản thiện…”

“Con nghe người ta nói rằng, cậu về báo mộng nhưng 7 ngày sau gia đình mới đào lên, vì qua giờ nên cậu Hạo không thể tỉnh lại được, sự việc cụ thể như thế nào và cậu mất lúc mấy tuổi ạ?”

Cô thở dài rồi nói tiếp: “Dư luận mà con, người ta đồn thổi nhiều lắm nên gia đình cô cũng gặp không ít phiền phức. Cậu mất năm 18 tuổi, chính là năm Mậu thân 1968, tính đến nay đã 48 năm rồi. Lúc đó cô còn quá nhỏ nên cũng không nhớ hết sự việc, tính từ lúc anh báo mộng cho đến khi ba cô đào anh lên là 3 ngày 4 đêm”.

“Ngày anh mất cô đang học ở trường, người nhà lên trường rước cô về, khi an táng anh xong cô lại đi học lại. Vào cái ngày bốc mộ anh, cô nhớ lúc đó tan trường về, người ta kéo đến xem nghẹt cứng cả cây số, cô không có cách nào về được nhà. Chen chúc mãi cho đến tận chiều tối cô mới vô được nhà”.

hanh trinh di tim su that ve xac ru tai an giang phan 2
 Quan tài cậu Hạo. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Quả thật sự việc kỳ lạ này đã gây chấn động cả cái làng nhỏ bé, rồi dần dần tiếng đồn vang ra khắp các tỉnh thành, rồi khắp cả nước thậm chí là sang tận nước ngoài. Như các báo đã đưa tin trước đó, có rất nhiều bác sĩ nổi tiếng cũng như các nhà khoa học cả trong và ngoài nước đến tìm hiểu về hiện tượng bí ẩn này, nhưng tất cả đều chưa ngã ngũ.

Chúng ta biết rằng, thế giới đã không còn xa lạ với những xác ướp, có những xác ướp tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm và kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập cổ đại là một phát triển vượt bậc về khoa học. Ngày nay, người ta cũng điều chế ra các loại hóa chất để giữ nguyên vẹn thi hài của các nhà lãnh tụ và người có cống hiến lớn cho Quốc gia. Còn một loại nữa cũng được gọi là xác ướp nhưng không hề sử dụng đến một hóa chất nào cả – đó là những chân thể của các nhà tu Đạo sau khi kết thúc quá trình tu luyện của mình.

Quay về với trường hợp của cậu Hạo, người nhà khẳng định rằng, họ không hề thực hiện một quá trình ướp xác nào khi ông mất. Sinh thời ông Hạo có thể được gọi là một nho sĩ chứ không phải là một người tu đạo. Như vậy nếu ở góc độ khoa học hiện hữu này mà lý giải thì sẽ không thể tìm ra nguyên nhân thật sự của điều kỳ lạ này.

Ở một góc độ khác, chúng ta có thể đưa ra một giả thuyết từ đạo Phật, con người là trải qua luân hồi nhiều đời nhiều kiếp, có thể ở nhiều kiếp trước cậu Hạo là một người tu đạo, nên kiếp này ông tiếp tục sứ mệnh của mình. Có lẽ ở một không gian khác ông đang thực hiện quá trình tu luyện của mình, hoặc cũng có thể ông đang chờ đợi một cơ duyên tương lai nào đó giúp ông hoàn thành sứ mệnh.

Tuy hiện tại xác của cậu Hạo đã có phần khô cứng lại, thế nhưng không ai dám chắc rằng trong tương lai cậu có tỉnh lại hay không. Cũng có thể cậu sẽ tỉnh lại hoặc chẳng bao giờ tỉnh lại nữa. Nhưng tạm thời, đừng nhìn bề ngoài, mà hãy nhìn vào góc độ tâm linh, những gì khoa học không lý giải được. Cậu Hạo nằm nguyên vẹn ở đó để minh chứng cho nhân loại một điều rằng, trên đời có tồn tại cõi dương thì cũng có tồn tại cõi âm và Thần Phật. Chết tuyệt nhiên không phải là hết, hãy sống lương thiện và đúng với chuẩn mực đạo đức của con người, mọi việc đều có nợ duyên và nhân quả.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc nhẹ nhàng bằng câu chuyện về người cháu nội của cô chủ nhà, cô kể rằng: “Cô có một đứa cháu nó rất thích vẽ, đặc biệt là chỉ thích vẽ hình Phật thôi, nó vẽ rất đẹp, mặc dù đó là nét vẽ của một đứa con nít mới 3, 4 tuổi nhưng con có thể nhận ra ngay rằng đó là hình ảnh của Phật…”.

* Ghi chú: Câu chuyện về hai người bạn thân đã rút súng bắn lẫn nhau ở phần 1 chỉ là lời đồn của cô bán hàng nước mà chúng tôi đã ghé dọc đường và người nhà cậu Hạo đã xác minh câu chuyện này không có thật.

ĐKN