Hạnh phúc nơi góc rừng Phá Đáy

19:40 | 05/11/2017

889 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Như một sự sắp đặt của số phận, hai con người khuyết tật sinh ra ở hai bản làng gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng. Dẫu cuộc sống còn muôn vàn gian khó nhưng niềm hạnh phúc vẫn luôn ngập tràn, nhất là khi hai đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh và ngày càng khôn lớn, chăm ngoan.

Bản Phá Đáy, xã Châu Bính (Quỳ Châu, Nghệ An) từng được biết đến là chốn heo hút, nằm tách biệt với bên ngoài bởi những dãy núi đá sừng sững, là nơi cư trú của những gia đình có người bị mắc bệnh phong.

Ngôi nhà đơn sơ của gia đình anh Lương Văn Ngọng nằm ở tận góc rừng, nơi xa nhất của Phá Đáy. Đặt chiếc gùi đầy ngô xuống sàn, hai vợ chồng ngơ ngác nhìn khách, người chồng không thể giao tiếp bằng lời nói; còn người vợ cũng không sõi tiếng phổ thông. Thật may, ông Lương Văn Hòa (SN 1964) là bố dượng của Ngọng vừa đến và nhận làm “phiên dịch”.

hanh phuc noi goc rung pha day
Gia đình Lương Văn Ngọng

Lúc mới chào đời, cậu bé Lương Văn Ngọng vẫn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng lên 2, rồi lên 3 tuổi cậu vẫn không nói được lời nào. Vì lẽ đó, bố mẹ đặt luôn cho cậu cái tên Lương Văn Ngọng - một cái tên chứa đựng nỗi thiệt thòi, đau buồn và bất hạnh. Chồng sớm qua đời vì bệnh hiểm nghèo, mấy năm sau bà Thu đi bước nữa với ông Lương Văn Hòa, Ngọng chung sống cùng mẹ và bố dượng. Lớn lên, Ngọng không được đến lớp học cái chữ, chỉ ở nhà chăn trâu, rồi theo bố mẹ lên rẫy trồng lúa, tỉa bắp, cuộc sống của cậu chỉ quẩn quanh nơi những cánh rừng Phá Đáy.

Khi Ngọng bước sang tuổi 18, trở thành một thanh niên khỏe mạnh và điển trai, bạn bè cùng trang lứa đã rục rịch gia đình riêng, cậu cũng thoáng ước mong mình có được một mái ấm. Rồi một ngày Phá Đáy có đám cưới, người Thái ở đây rất nghèo nhưng khi có đám cưới thì làm khá linh đình, mời anh em, họ hàng khắp nơi về chung vui. Ngọng đến sớm để giúp đám cho nhà hàng xóm, có một cô gái đến từ bản Na Dến, xã Tiền Phong (Quế Phong) cũng đến sớm và giúp đỡ công việc rất nhiệt tình. Cô gái đi khập khiễng, một tay bị tật nặng nhưng làm việc rất siêng năng, hết dọn dẹp, sắp đặt lại nhà cửa, đến đun nước, đồ xôi, soạn sửa mâm cỗ, cô làm một cách khéo léo. Hai người lặng lẽ bên nhau, thi thoảng người này đưa ánh mắt nhìn người kia rồi vội vàng trở lại với công việc. Những ánh nhìn ấy không thể qua mắt được những người xung quanh, họ đoán giữa hai người bắt đầu xuất hiện “tình ý” nên cố tình gán ghép và ven vén tình cảm.

Cô gái ấy tên là Lương Thị Khuyên, bố mất sớm, người mẹ tần tảo nuôi 7 người con, hoàn cảnh và cuộc sống cũng muôn phần khổ cực. Khuyên sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, tay chân phía bên phải bị liệt, phải luyện tập mãi mới cử động được ít phần, miệng cũng không nói được rõ lời, trí não cũng phát triển chậm so với những đứa trẻ khác. Lớn lên, Khuyên không được đến lớp, phải ở nhà làm rẫy, làm cỏ giúp mẹ kiếm cái ăn hằng ngày và nuôi các em.

hanh phuc noi goc rung pha day
Ngôi nhà đơn sơ của vợ chồng Lương Văn Ngọng

Rồi đám cưới được tổ chức vào cuối năm 2006 trong niềm hân hoan của đôi trẻ và niềm vui chung của hai họ và bà con, xóm giềng. Cuối năm 2007, bé Lương Thị Biền chào đời, hoàn toàn lành lặn và khỏe mạnh. 3 năm sau, thêm một bé trai chào đời, đặt tên là Lương Văn Quế, niềm vui và hạnh phúc gia đình được nhân đôi. Có thêm một thành viên nghĩa là việc chi tiêu, trang trải thêm nặng gánh, vợ chồng Lương Văn Ngọng phải khai hoang thêm ruộng, phát cái rẫy ngô rộng hơn, trồng vườn rau sạch, nuôi thêm gà, vịt để bán.

Mấy năm nay, Khuyên thức dậy từ 3 giờ sáng để hái rau, 4 giờ thức hai con dậy rồi đưa chúng đi học. Chặng đường từ nhà đến trường khoảng 7 cây số, người mẹ gùi rau, chân đi khập khiễng, hai đứa nhỏ lẽo đẽo theo sau. Đến nơi, con vào lớp, mẹ ngồi ngoài chờ và tranh thủ bán rau, hết giờ học lại đưa con về.

Niềm động viên lớn nhất của vợ chồng anh Ngọng là 2 con đều chăm ngoan, học giỏi, bé Biền lớp 4 và bé Quế lớp 1. Trên vách gỗ dán đầy những tấm giấy khen của các cháu, bên cạnh đó là tấm bằng công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” khiến cả ngôi nhà như sáng lên - nguồn ánh sáng của niềm hạnh phúc.

Trần Công Kiên