Hải quân Mỹ và một hạm đội “xanh”

05:00 | 19/09/2013

692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (cuộc tập trận trên biển lớn nhất thế giới với tham dự của 22 nước) từ ngày 29/6 đến 3/8/2012, người ta thấy một trực thăng Hải quân Hoàng gia Australia hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm USS Nimitz. Chiếc Sikorsky Seahawk của Australia là trực thăng duy nhất không dùng động cơ chạy bằng nhiên liệu sinh học, khi nó xếp cạnh 71 máy bay Mỹ trong boong USS Nimitz.

Cho đến nay, Mỹ đã thử nghiệm thành công nhiên liệu sinh học (tảo và dầu ăn phế phẩm) cho chiến đấu cơ F/A-18 E/F Super Hornet, máy bay tấn công loại nhỏ RCBX, trực thăng MH-60S Seahawk và MV-22 Osprey, máy bay huấn luyện T-45, máy bay do thám EA-6B Prowler, máy bay không người lái MQ-8B Fire Scout và thậm chí một số tàu đổ bộ tấn công…

Một hạm đội “thân thiện môi trường”

Xây dựng một hạm đội “xanh” (sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường) là mục tiêu của Hải quân Mỹ, với cổ súy của ngài Tư lệnh Hải quân Ray Mabus. Viết trên Foreign Policy (6/8/2013), Mabus cho biết, chỉ riêng Bộ Quốc phòng Mỹ đã xài đến 93% trong tổng lượng nhiên liệu hóa thạch được cấp cho toàn bộ cơ quan nhà nước Liên bang Mỹ, với chi phí 15 tỉ USD/năm (cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ xài hơn 355.000 thùng dầu/ngày chỉ trong năm tài khóa 2011; và tại Afghanistan, mỗi ngày một lính Mỹ “đốt” trung bình 83,2 lít xăng). Trong năm tài khóa hiện tại cũng như hai năm trước, do giá dầu tăng nên hóa đơn nhiên liệu của Bộ Quốc phòng cũng bị đội thêm 5 tỉ USD so với ngân sách. Theo Mabus, chỉ riêng đối với lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến, nếu mỗi một thùng dầu tăng 1USD thì Bộ Quốc phòng Mỹ phải tốn thêm 30 triệu USD/năm. Và không chỉ chuyện tiền.

Tàu nhiên liệu USNS Henry J. Kaiser (trái) đang bơm nhiên liệu sinh học hỗn hợp (50-50) cho tàu tuần dương USS Princeton trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương năm 2012

Vấn đề còn ở chuyện an ninh năng lượng, gây ảnh hưởng hiệu năng quân đội một khi nguồn cung cấp năng lượng bị cắt đứt. Hồi Thế chiến thứ II, trong trận đánh lớn nhất lịch sử hải chiến thế giới tại Vịnh Leyte năm 1944, Mỹ đã chặn đứng nguồn cung cấp nhiên liệu từ Đông Nam Á cho Nhật khiến nhiều con tàu chiến Nhật phải thúc thủ buông… neo. Trong khi đó, như đánh giá của Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), khoảng 1/2 lượng dầu thế giới hiện được vận chuyển bằng đường biển, qua những “điểm nghẹt” như eo biển Hormuz, Malacca,
Bab-el-Mandeb… những nơi mà nhiều năm gần đây là địa điểm cát cứ và tung hoành của khủng bố lẫn cướp biển. Từng là Đại sứ Mỹ tại Arập Xêút thời Bill Clinton, Mabus hiểu rõ sự thất thế và thua thiệt như thế nào đối với một nước khi lệ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu (hiện Mỹ vẫn nhập đến 45% dầu cho nhu cầu năng lượng).

Kế hoạch “xanh hóa” quân đội của Bộ Quốc phòng Mỹ, đặc biệt hải quân, đã được Tổng thống Barack Obama ủng hộ. Tháng 5/2013, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố trao gói thầu cho 3 công ty với kế hoạch sản xuất hơn 567,8 triệu lít nhiên liệu sinh học quân sự mỗi năm với giá trung bình thấp hơn 4 USD/gallon (1 gallon = 3,7 lít) - ở mức gần tương đương với giá xăng truyền thống. Một công ty thứ tư sau đó cũng tham gia. Một khi vận hành trơn tru, nhiên liệu sinh học từ các nhà máy này có thể cung cấp gần 25% nhu cầu nhiên liệu hằng năm cho Hải quân Mỹ. Vài năm gần đây, Hải quân Mỹ đã liên tục thử nghiệm chương trình kết hợp 50/50 (giữa nhiên liệu truyền thống và nhiên liệu sinh học) trên nhiều loại máy bay và tàu chiến.

Tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island hiện được trang bị hệ thống động cơ đẩy chạy bằng điện lẫn xăng giúp tiết kiệm gần 1/2 trong ngân sách nhiên liệu 33 triệu USD của nó. Các loại tàu đổ bộ tấn công mới như USS America và USS Tripoli cũng sử dụng động cơ lai (hybrid). Việc chuyển từ nhiên liệu truyền thống sang nhiên liệu sinh học còn giúp giảm thiểu tử vong trong quân đội. Một nghiên cứu cho biết, vào giai đoạn đỉnh điểm cuộc chiến Afghanistan, cứ 50 xe bồn nhiên liệu cần được hộ tống thì “ắt phải có” một thủy quân lục chiến thiệt mạng hoặc bị thương… Tóm lại, việc chuyển sang dùng nhiên liệu sinh học là một xu hướng bắt buộc. Hải quân Mỹ dự kiến, đến năm 2016, một trong 11 hạm đội hàng không mẫu hạm (“carrier strike group” - CSG) phải dùng nhiên liệu sinh học. Cần biết, một CSG thông thường gồm một hàng không mẫu hạm 100.000 tấn, cùng 9 phi đội chiến đấu cơ, khoảng 12 trực thăng, một tàu tuần dương tên lửa hành trình, ít nhất một khu trục hạm và một tàu dầu.

Để đạt mục tiêu 50% (50% nhiên liệu sinh học và 50% nhiên liệu truyền thống, đối với toàn bộ hải quân) vào trước năm 2020, hải quân phải tiến hành cùng lúc hai nhiệm vụ dài hơi: Đầu tư vào công nghiệp nhiên liệu sinh học để giảm giá thành (vài năm tới, Hải quân sẽ đầu tư 170 triệu USD vào các công ty tư nhân chuyên về nhiên liệu sinh học); và chế tạo máy bay - tàu chiến sử dụng nhiên liệu sạch. Tháng 8/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tuyên bố sẽ sử dụng 64.749km2 đất quân đội cho các dự án phát triển năng lượng tái sinh… Đến nay, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm nhiều loại nhiên liệu sinh học, không làm từ bắp, mía hay các loại cây trồng thực phẩm, mà từ tảo biển và dầu ăn phế thải. Các loại nhiên liệu này có thể dùng cho một số tàu chiến và máy bay bình thường mà không cần thay đổi - điều chỉnh kỹ thuật cho động cơ, bởi chúng là hydrocarbon, có cấu trúc phân tử tương tự nhiên liệu hóa thạch. Một trong những minh họa chứng minh tính hiệu quả của chương trình “xanh hóa” hải quân là tàu đổ bộ USS Makin Island. Chiếc tàu dài 258m và nặng 41.649 tấn này chạy bằng động cơ lai với hai turbine chính có thể đẩy nó đi với vận tốc 25knot (46,3km/giờ). Trong hầu hết thời gian, con tàu chỉ chạy với vận tốc ít hơn 12knot (22,2km/giờ). Khi đó, tàu có thể chuyển sang sử dụng hệ thống đẩy bằng nhiên liệu sinh học.

Thách thức về kinh phí

Rào cản lớn nhất cho kế hoạch “xanh hóa” quân đội là vấn đề chi phí. Thượng nghị sĩ John McCain, người phản đối quyết liệt chương trình nhiên liệu sinh học cho quân đội, dẫn ra rằng việc hải quân chi hơn 26USD cho một gallon nhiên liệu sinh học dùng trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2012 so với không đến 4USD/gallon nếu dùng nhiên liệu truyền thống là bằng chứng rõ nhất cho thấy tính bất khả thi và không thực tế của chương trình.

Ngoài ra, công nghiệp nhiên liệu sinh học vẫn còn chưa thật sự phát triển. Năm 2007, Quốc hội Mỹ đặt mục tiêu sản xuất hai tỉ gallon nhiên liệu sinh học trong 5 năm. Tuy nhiên, theo tờ Wired Magazine (17/7/2012), các công ty nhiên liệu sinh học Mỹ hiện chỉ mới cung cấp khoảng 40 triệu gallon - thấp hơn mục tiêu ban đầu đến 98%! Một trong những lý do khiến công nghiệp nhiên liệu sinh học còn èo uột là chi phí đầu tư. Để xây một nhà máy lọc nhiên liệu sinh học, người ta phải tốn từ 65-300 triệu USD… Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng vào năm 2011, Hải quân Mỹ cần mua 336 triệu gallon (khoảng 1,2 tỉ lít) nhiên liệu sinh học mỗi năm mới có thể đáp ứng nhu cầu; mà mỗi gallon lại đắt hơn xăng từ 1,43USD đến 5,24USD. Điều đó có nghĩa Hải quân phải tốn thêm 1,76 tỉ USD/năm cho nhiên liệu sinh học. Đó là số tiền ngang ngửa với việc đóng mới một khu trục hạm!

Dù thế nào, chương trình “xanh hóa” Hải quân cũng đã được Lầu Năm Góc khởi động. Tạm bỏ qua yếu tố chi phí (về giá thành nhiên liệu sinh học) - điều mà trong tương lai chắc chắn có thể được khắc phục, hãy thử hình dung một hạm đội không còn lệ thuộc vào những con tàu tiếp dầu (hoặc lệ thuộc không hoàn toàn) sẽ có lợi thế như thế nào đối với đối phương? Thử hình dung thảm kịch một con tàu chiến bị “chết đứng” ngoài chiến trường chỉ đơn giản bởi “hết xăng” trong khi tàu đối phương vẫn tiếp tục trêu ngươi chạy ngang chạy dọc (nhờ động cơ dùng điện)? Thử hình dung khả năng tác chiến của toàn bộ hạm đội có thể bị tê liệt như thế nào chỉ bởi con tàu cung cấp nhiên liệu chính của hạm đội đã trở thành mục tiêu ngay từ những phút đầu tiên của trận giao chiến? Trong chiến tranh, sự tiên liệu tình huống và sự chủ động khắc phục tình huống luôn là một ưu thế, giúp giảm nguy cơ thất bại!

Mạnh Kim

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc