Gỗ sưa giờ ở đâu?

09:35 | 30/08/2011

1,856 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ một loài cây hết sức bình thường, giá trị kinh tế không có gì đặc biệt, thậm chí nó chỉ được trồng trên vỉa hè để lấy bóng mát thì bỗng dưng mấy năm gần đây, gỗ sưa trở thành hàng “hot” với giá lùng mua tới mức kỷ lục: 11 tỉ đồng/m3. Với giá bán khủng khiếp như vậy, đương nhiên, gỗ sưa trở thành mục tiêu săn lùng của những kẻ trộm cắp hết sức liều lĩnh. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ dư luận bấy lâu nay vẫn đặt ra câu hỏi là: Lượng gỗ sưa thu giữ được từ vô số những vụ trộm cắp ấy đang ở đâu?

Tại sao gỗ sưa lại “siêu đắt”?

Tôi còn nhớ rất rõ rằng, chỉ cách đây khoảng 5 năm, gỗ sưa bị coi là loài cây không ai quan tâm đến. Vào dịp cuối năm, khi quả và lá sưa rụng xuống đường, người ta phải gom lại đốt bỏ và khói có mùi rất thối nên dân gian gọi cây gỗ sưa bằng một cái tên rất xấu xí: cây trắc thối. Bỗng từ năm 2007, cơn “sốt” gỗ sưa bùng phát ở Việt Nam. Ban đầu chỉ vài trăm ngàn đồng 1kg, chỉ trong một thời gian ngắn, vào thời điểm “sốt” nhất, giá 1kg sưa lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí đến 11 tỉ đồng/m3. Từ đó, đã có không ít những câu chuyện dở khóc, dở cười liên quan đến cây gỗ sưa mà trước đó, người dân Việt Nam hoàn toàn không biết nó có giá trị đến mức ấy. Bán được giá tiền triệu, thậm chí là trăm triệu, người ta dỡ cả bàn ghế, giường, hoành phi câu đối, thậm chí là cả bàn thờ tổ tiên mang đi bán.

Không ai hiểu nổi tại sao gỗ sưa lại có giá đắt đến như vậy

Tôi đã bỏ thời gian tìm đến những xưởng gỗ lớn nhất Hà Nội với mong muốn họ có thể trả lời được câu hỏi này, song cũng không thu thập được thông tin gì đáng tin cậy. Có một chủ xưởng gỗ trên phố Đê La Thành bật mí rằng, trò mua bán gỗ sưa chẳng khác gì trò lừa đảo đồng đen ngày trước. Nghĩa là, người Trung Quốc tung tin mua gỗ sưa về làm đủ thứ huyền bí, với giá cao, khiến người dân Việt Nam đổ xô chặt cây đem bán cho họ. Thế rồi, mỗi ngày họ lại thổi giá lên cao, sau đó thì bí mật chuyển gỗ sang Việt Nam bán lại cho giới buôn gỗ. Nếu đây là sự thực thì nó quả là một trò lừa đảo quá cao thủ!

Nhưng cũng vì thế mà không ít những truyền kỳ đầy huyễn hoặc về công dụng của loại gỗ sưa này được lan truyền trong dân gian. Người thì nói rằng, người Trung Quốc mua về làm đồ thờ cúng, làm mực in, làm đồ gia dụng… Kẻ thì lại đồn thổi các đại gia Hồng Công mua gỗ sưa về để ướp xác, rồi mafia Trung Quốc mua về nghiền thành bột trộn với ma túy để bán… Những thông tin này đã làm cho dư luận thêm nghi hoặc và cơn sốt gỗ sưa chỉ tăng chứ không giảm.

Cũng nhiều người cho rằng, gỗ sưa đỏ ở Hải Nam, Trung Quốc là có giá trị nhất và nó rất đắt, đắt hơn rất nhiều so với gỗ sưa Việt Nam bởi nó là loại gỗ thường được vua chúa, quan lại ngày xưa ưa chuộng. Chính vì lẽ đó, những người giàu Trung Quốc ráo riết săn lùng các sản phẩm gỗ sưa đỏ Hải Nam. Tuy nhiên, để có được một cây sưa phải mất hàng trăm năm, mà nguồn gỗ sưa Hải Nam đã cạn kiệt, nên thương lái chuyển sang tìm kiếm gỗ sưa ở Việt Nam và đã tạo ra cơn sốt gỗ sưa kinh khủng ở nước ta.

Cũng có người đưa ra giả thiết có vẻ hợp logic và thực tế hơn khi cho rằng, Trung Quốc mua gỗ sưa về để trùng tu lăng tẩm chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh tổ chức vào tháng 8-2008. Thế nhưng cho đến nay, khi Thế vận hội Bắc Kinh đã qua đi từ lâu, cơn sốt gỗ sưa vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáp án về công dụng của loại gỗ sưa một lần nữa lại rơi vào bế tắc.

Có bao nhiêu tấn gỗ sưa trong kho?

Việc trả lời câu hỏi vì sao gỗ sưa lại đắt như vậy có lẽ không “nóng” bằng việc loài cây này đang là một đối tượng bị săn lùng, rình mò ráo riết bởi hàng trăm con mắt thèm thuồng của giới đạo chích.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 20 vụ cưa trộm cây sưa. Theo thống kê của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cây xanh Hà Nội, tính đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội chỉ còn hơn 700 cây sưa đỏ; trong đó trên đường phố có khoảng 500 cây, trong công viên, vườn hoa có hơn 200 cây, phân bổ nhiều nhất tại các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng. Tình trạng cưa trộm loài cây này đã ở mức báo động đỏ.

Trước tình trạng ấy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập Chuyên án với bí số 145P. Một tuần, Ban Chuyên án họp giao ban một lần do đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội chủ trì.

Ông Chung cho biết: “Trước tình trạng cây gỗ sưa bị săn lùng ráo riết như hiện nay, các phòng nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội phối hợp với công an các quận, huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra mật phục từ 0giờ đến 4 giờ hàng ngày tại các tuyến phố có nhiều cây sưa. Bên cạnh đó, Công an thành phố đã tổ chức đồng loạt sinh hoạt mạng lưới bí mật của lực lượng CSHS, CSKV, CSMT… nhằm phát hiện đối tượng trộm cắp, tiêu thụ gỗ sưa”.

Nhờ đó, Công an thành phố đã điều tra, phát hiện ra nhiều vụ trộm cướp gỗ sưa nghiêm trọng. Đặc biệt là vào rạng sáng ngày 10-8-2011, xảy ra liên tiếp 2 vụ các đối tượng dùng dao khống chế, đe dọa bảo vệ của Công ty Môi trường đô thị để cưa trộm cây sưa tại huyện Đông Anh và quận Hoàng Mai. Chúng rất manh động và liều lĩnh, sẵn sàng tấn công những người phát hiện và ngăn chặn hành vi trộm cắp.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, công tác tuần tra, theo dõi bảo vệ cây sưa trên địa bàn thành phố gặp vô vàn khó khăn. Cây sưa thường nằm trên vỉa hè dọc các tuyến phố Hà Nội, đó là một mục tiêu có rất nhiều sơ hở mà có vô vàn con mắt của đạo trích rình mò ngày đêm, chờ cơ hội ra tay. Vào những đêm trời mưa bão, việc bảo vệ cây rất khó khăn. Thêm nữa, nếu phải chia người để bảo vệ tất cả các cây sưa trên địa bàn thành phố thì lực lượng không đủ.

Thực tế, lực lượng Công an TP Hà Nội với trách nhiệm của mình đã tổ chức bảo vệ, ngăn chặn và điều tra ra vô số những vụ trộm cướp cây sưa. Điều tra để khởi tố đối tượng, thu giữ tang vật cũng là trách nhiệm của cơ quan này. Thế nhưng, sau khi thu giữ được những thân cây sưa tiền tỉ ấy, nó được giao lại cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cây xanh Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) lưu giữ, quản lý. Thống kê từ các vụ trộm cắp từ trước tới nay thì lượng gỗ sưa thu giữ được cũng lên đến hàng chục tấn. Vậy, số lượng gỗ sưa đó đang ở đâu và dùng vào việc gì?!

Để làm rõ việc này, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cây xanh Hà Nội. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn “xin” thông tin về số gỗ sưa đã nhập kho thì ngay lập tức bị từ chối vì “vấn đề để đảm bảo an ninh”. Thậm chí, khi chúng tôi đề nghị gặp ông Hưng để tìm hiểu về công tác bảo vệ, phòng chống trộm cắp gỗ sưa, ông Hưng cũng cương quyết từ chối với lý do: Đã từ lâu không cung cấp thông tin cho báo chí nữa rồi, chúng tôi không có bất cứ thông tin nào có thể cung cấp được cho báo chí.

Theo nguồn tin riêng, chúng tôi được biết, lượng gỗ sưa khổng lồ đó đang được lưu giữ tại kho của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cây xanh Hà Nội ở khu vực Cầu Diễn. Dư luận đặt câu hỏi: Số lượng gỗ sưa được Công ty Công viên cây xanh thu giữ bảo quản từ trước tới nay có khối lượng, trị giá bao nhiêu, liệu số gỗ đó có bị hao hụt? Rồi đây, lượng gỗ sưa ấy sẽ sử dụng vào việc gì cho hợp lý?

Theo ý kiến của nhiều người, với giá trị rất cao của gỗ sưa, tại sao chúng ta không tiến hành đấu giá để bán lượng gỗ sưa đó đi để lấy tiền phục vụ công tác phúc lợi xã hội. Việc này sẽ có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều so với việc chúng ta cứ để nguyên gỗ sưa trong kho để chờ mối mọt.

Việc bảo vệ cây sưa suy cho cùng là trách nhiệm chung của cả xã hội chứ không riêng gì lực lượng Công an. Và việc “minh bạch hóa” kho gỗ sưa thu được từ trước tới nay cũng cần làm ngay khi loại cây này đã mang trong mình quá nhiều huyễn hoặc và huyền bí.

Vũ Minh Tiến