Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 9)

07:06 | 13/06/2014

1,515 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nội dung bản “nhiệm vụ thiết kế” đã đáp ứng các yêu cầu của Bộ Chính trị: Lăng - Quảng trường - Khu lưu niệm của Bác trong Phủ Chủ tịch và khu vực tiếp giáp là một tổng thể kiến trúc lịch sử thống nhất mà Lăng Bác là tiêu biểu. Phác thảo kiến trúc Lăng đã thể hiện tính chất dân tộc, hiện đại, trang nghiêm và giản dị.

Năng lượng Mới số 329

>>Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 8)

>>Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 7)

>>Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 6)

Sự bề thế, trang nghiêm và vĩnh cửu của công trình sẽ phần nào thỏa mãn được ý nguyện của nhân dân và bè bạn đối với công lao và sự nghiệp của Bác.

Tuy vậy, với mong muốn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là công trình hoàn mỹ, thể hiện lòng tôn kính Bác và tình cảm keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Xô, trong quá trình hội đàm, hai bên cũng thống nhất với nhau rằng: Các cơ quan thiết kế có liên quan của Liên Xô trong quá trình thiết kế có thể bổ sung vào “nhiệm vụ thiết kế” một số thay đổi cần thiết, sau đó sẽ thông báo và thống nhất ý kiến với phía Việt Nam. Những số liệu gốc cần cho việc thiết kế... phía Việt Nam sẽ khẩn trương thu thập và gửi sang Mátxcơva sau hai tuần lễ kể từ khi bạn rời Hà Nội. Việt Nam sẽ cử một số kiến trúc sư, kỹ sư của một số ngành kỹ thuật chủ yếu sang Liên Xô tham gia thiết kế kỹ thuật.

Hai bên nhất trí tiến hành xây dựng Lăng Bác bằng lực lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam, có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô về kỹ thuật xây, lắp và hiệu chỉnh mà phía Việt Nam không đủ khả năng đảm nhiệm.

Phía Việt Nam nhận giải phóng và tạo mặt bằng thi công, năng lượng điện nước, máy móc thi công, phương tiện vận chuyển, các vật liệu mà trong nước có.

Lần gặp và làm việc đầu tiên này giữa hai đoàn đã gây được ấn tượng đẹp đẽ trong tình cảm chung giữa hai Đảng và nhân dân hai nước đối với Bác Hồ kính yêu. Kết quả bước đầu này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những lần làm việc tiếp theo.

Trước khi đoàn cán bộ Liên Xô lên đường về nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp và nói chuyện với đoàn. Thủ tướng ân cần hỏi thăm sức khỏe đồng chí đoàn trưởng và các thành viên trong đoàn. Người đứng đầu Chính phủ ta, một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa trọng đại của việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người, cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ nhân dân ta thực hiện ý nguyện đó và hoan nghênh kết quả làm việc của bạn trong những ngày vừa qua.

Ngày 23 tháng 1 năm 1970, biên bản làm việc giữa hai đoàn được ký kết.

Theo chỉ thị của đồng chí Đỗ Mười, Bộ Kiến trúc chịu trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thiết kế về mô hình Lăng, giải pháp mặt bằng của công trình, tìm kiếm và xác định các loại vật liệu xây dựng có trong nước phục vụ cho xây dựng và chuẩn bị tổ chức khai thác cho kịp tiến độ thi công. Phía quân đội có nhiệm vụ tham gia vào thiết kế về kiến trúc, đặc biệt là đề xuất các yêu cầu kỹ thuật bảo đảm giữ gìn thi hài tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống.

Tổng bí thư Lê Duẩn chụp ảnh cùng cán bộ, chiễn sĩ Đoàn 69 tại K84 năm 1970

Bằng sự nỗ lực phi thường của tập thể kiến trúc sư, kỹ sư và cán bộ kỹ thuật và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, chỉ hơn một tháng sau, ta đã hoàn thành phương án “thiết kế sơ bộ” của Lăng. Phương án này đã được Bộ Chính trị thông qua.

Từ ngày 19 tháng 3 đến ngày 6 tháng 5 năm 1970, một đoàn cán bộ gồm ba kiến trúc sư của ta được cử sang Liên Xô tiếp tục làm việc với bạn. Đoàn được phép mang theo phương án thiết kế đã được Bộ Chính trị duyệt sơ bộ.

Khi đoàn tới Mátxcơva, bạn cho biết đã chuẩn bị được năm phương án về bố trí cụm tổng thể của Lăng. Các phương án này đều gần giống với phương án của ta mang sang. Khối lượng công việc đồ sộ mà bạn đã làm không chỉ nói lên thái độ làm việc nghiêm túc, tri thức khoa học kỹ thuật tiên tiến, mà còn biểu lộ tình cảm rất đặc biệt của nhân dân Liên Xô đối với Bác Hồ kính yêu.

Dựa trên những phương án đã có của hai đoàn, một phương án chung có tăng cường các giải pháp kỹ thuật phù hợp với môi trường khí hậu nhiệt đới của Việt Nam đã được hình thành. Theo phương án này, phòng đặt hệ thống máy điều hòa trung tâm tăng từ 400 mét vuông lên 750 mét vuông. Các máy móc chủ yếu đặt trong Lăng đều có dự trữ 100% trở lên, để dù bất kỳ tình huống nào máy móc trong công trình vẫn hoạt động 24/24 giờ trong ngày.

“Bản thiết kế sơ bộ” công trình “Lăng Bác” đặt phiên hiệu là công trình 75808. Bạn sẽ in ấn tài liệu này để Trung ương Đảng và Chính phủ ta phê duyệt.

Từ ngày 15 tháng 5 đến 28 tháng 5 năm 1970, cuộc trình bày và bảo vệ phương án “thiết kế sơ bộ” của các tác giả diễn ra tại Hà Nội. Đoàn Liên Xô có đồng chí Xamôdin, đại diện Ban Liên lạc Kinh tế đối ngoại Liên Xô tại Việt Nam dẫn đầu; Đoàn còn có các đồng chí Ixacôvích kiến trúc sư trưởng đồ án và Baicô kỹ sư trưởng đồ án...

Đồng chí Bùi Quang Tạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kiến trúc phụ trách việc xem xét và đánh giá bản đồ án để báo cáo lên Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ.

Tham gia hội đàm về phía quân đội có các đồng chí:

- Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng.

- Kinh Chi, đại diện Tổng cục Chính trị.

- Trần Bá Đặng, Bộ tư lệnh Công binh và một số đồng chí cán bộ giúp việc khác.

Biên bản làm việc của hai đoàn ghi rõ: Bản “thiết kế sơ bộ” đã được thể hiện với trình độ chuyên môn cao, có chất lượng và phù hợp với bản “nhiệm vụ thiết kế” đã được duyệt ngày 19 tháng 1 năm 1970. Đặc biệt, phía Việt Nam ủng hộ phương án mặt đứng số 4, coi đây là phương án tốt nhất.

Sự đánh giá trên là một phần thưởng to lớn đối với tập thể tác giả Liên Xô và Việt Nam sau nhiều ngày đêm lao động cần cù, thông minh và nghiêm túc. Mọi người hồi hộp chờ đợi sự phê duyệt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta.

Cũng vào thời gian này, tin Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định xây dựng Lăng Bác, đã lan truyền nhanh đến mọi tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước. Người Việt Nam nào mà chẳng mong sớm có ngày được chiêm ngưỡng Bác, được đặt chân tới nơi an nghỉ của Người. Rất nhiều thư từ hậu phương lớn miền Bắc, từ tiền tuyến lớn miền Nam và cả từ nhiều Việt kiều ở nước ngoài gửi tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ kiến nghị về thiết kế Lăng, bày tỏ nguyện vọng được đóng góp phần nhỏ bé của mình để đền đáp lại công ơn trời biển của Bác.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định lùi việc duyệt bản “thiết kế sơ bộ” từ 4 đến 5 tháng, để tổ chức một đợt sáng tác các mẫu thiết kế Lăng và trưng bày các mẫu sáng tác đó, lấy ý kiến tham gia của nhân dân. Phương án mặt đứng số 4 mà Bộ Chính trị đã thông qua được đem trưng bày như nhiều phương án khác để quần chúng lựa chọn.

Cuộc vận động sáng tác mô hình thiết kế Lăng Bác nhanh chóng được sự hưởng ứng rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và đông đảo Việt kiều, lưu học sinh Việt Nam và cán bộ Việt Nam công tác ở nước ngoài. Chỉ tính thời gian từ cuối tháng 5 năm 1970 tới cuối tháng 8 năm 1970, Ban tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế khác nhau của 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân gửi tới. Ban tổ chức đã lập Hội đồng sơ tuyển và chọn được 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất để đem trưng bày lấy ý kiến nhân dân.

Để nhân dân, cán bộ, bộ đội giảm bớt khó khăn trong việc tới xem trưng bày các mô hình và góp được nhiều ý kiến, Ban tổ chức cùng một lúc đã tổ chức trưng bày tại năm địa điểm của miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La và Nghệ An.

Tại Hà Nội, phòng trưng bày đặt tại Nhà thông tin Tràng Tiền mở cửa đón đồng bào vào đúng ngày 2 tháng 9 năm 1970, kỷ niệm lần thứ 25 ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập và bế mạc ngày 30 tháng 10 năm 1970. Sau hai tháng liên tục mở cửa nhưng những ngày cuối cùng vẫn đông nghịt khách tới xem.

Đến phút chót, số người tới xem lên tới 462.499 lượt và có 22.518 người ghi ý kiến tham gia. Những người tới xem triển lãm tuy khác nhau về nghề nghiệp, trình độ, lứa tuổi, song đều giống nhau ở chỗ hết sức trân trọng, chăm chú nghe thuyết minh của từng phương án. Người nào cũng mong có thể đóng góp một ý nào đó để Lăng Bác đẹp hơn, tốt hơn.

Tại Nghệ An, quê Bác, phòng trưng bày mở cửa từ mồng 3 tháng 9 năm 1970 đến ngày 30 tháng 10 năm 1970, đón 23.766 lượt người tới xem. Có 1.526 người tham gia ý kiến. Làng Sen những ngày này nhộn nhịp khác thường. Những dòng người bộ hành từ khắp nơi đổ về. Có những cụ già mái tóc bạc phơ, thời trai trẻ từng là đội viên “Xích vệ đỏ” cũng chống gậy đi cả buổi đường tìm đến phòng trưng bày. Có những đơn vị bộ đội trước lúc hành quân ra tiền tuyến lớn, coi việc được tham quan mô hình Lăng Bác là một phần thưởng để vượt “cổng trời”, xuyên dọc Trường Sơn đi thực hiện lời Bác dặn “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Tại thị xã Thái Nguyên, từ ngày 1 tháng 10 đến 5 tháng 11 năm 1970 đã đón 66.084 lượt đồng bào các dân tộc khu tự trị Việt Bắc tới thăm phòng trưng bày mô hình Lăng Bác và có 2.864 ý kiến tham gia.

Phòng trưng bày ở Sơn La mở cửa từ 1 tháng 10 đến 1 tháng 11 năm 1970 đã có 26.623 lượt đồng bào các dân tộc Tây Bắc tới thăm và 1.069 người đã góp ý kiến. Đồng bào Tây Bắc biểu lộ niềm xúc động mộc mạc, chân thành. Nhiều người bước vào phòng triển lãm ôm mặt khóc rất to. Đồng bào nói gọn mấy câu: Xây Lăng cho thật đẹp, thật to, thật nhanh lên để những người Thái, người Mèo... thỏa lòng mong ước...

Cuộc triển lãm tại thành phố Hải Phòng mở cửa muộn nhất (ngày 2 tháng 10 năm 1970) và cũng đóng cửa sau cùng (ngày 8 tháng 11 năm 1970). Trong 32 ngày mở cửa đã có 164.565 lượt đồng bào, cán bộ và chiến sĩ thành phố Cảng và vùng duyên hải tới thăm. Có 6.035 ý kiến tham gia.

Cuộc trưng bày và tuyển chọn mô hình Lăng Bác đã thu được kết quả rất tốt đẹp. Có 745.487 lượt người tới thăm và 34.022 người tham gia ý kiến. Trong đó có 5.477 ý kiến của cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân. Điều đó cũng nói lên một phần tình cảm đặc biệt của cán bộ chiến sĩ quân đội ta đối với Bác Hồ muôn vàn tôn kính - Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ công bố quyết định của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ CHí Minh

Trong đợt trưng bày để tuyển chọn mẫu thiết kế Lăng Bác, quân đội ta chỉ tham gia hai mẫu thiết kế. Đây là hai trong số năm phương án có số phiếu cao nhất trong các cuộc trưng bày: phương án số 1 của Viện thiết kế dân dụng thuộc Bộ Kiến trúc (phương án đã được lãnh đạo sơ duyệt); phương án số 10 của Viện thiết kế quy hoạch thành thị nông thôn thuộc Bộ Kiến trúc; phương án số 13 do một số cán bộ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Cơ khí luyện kim và Trường Đại học Xây dựng “đồng tác giả”; và hai phương án 15 và 16 của quân đội.

Mỗi dân tộc có cách tưởng niệm các danh nhân, các tướng soái của mình, bằng các công trình tưởng niệm kiến trúc mang đặc thù riêng, phản ánh vai trò, vị trí xã hội của nhân vật lịch sử đối với nhân dân và thời đại. Ngót 5.000 năm đã trôi qua, loài người vẫn chưa hết ngạc nhiên về những Kim Tự Tháp Ai Cập - mộ chí của các đời vua dòng họ Pharaông. Kim tự tháp Kêốp được tạo nên bởi trên hai triệu phiến đá, mỗi phiến đá nặng trên hai tấn. Tháp cao tới 148 mét. Qua nhiều niên đại, ngôi mộ này vẫn là công trình cao nhất thế giới. Chỉ tới năm 1889, tháp Épphen của Pháp mới phá được kỷ lục này.

Đầu thế kỷ XX, ở La Mã đã khánh thành đài kỷ niệm hoàng đế đầu tiên của nước Ý thống nhất, được xây dựng sau 25 năm. Kích thước to lớn, có hàng cột hiên khổng lồ gồm 60 cột và một cầu thang rộng dẫn lên. Sau đó vài năm ở Oasinhtơn cũng khánh thành đài kỷ niệm Lincôn được xây dựng dưới hình thức đền thờ cổ Hy Lạp, bao quanh bằng 36 cột lớn.

Lăng Lênin đã thu hút được sự chú ý của những người thiết kế. Bộ phận chính của Lăng là một khối vuông tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Trên đỉnh Lăng là một kim tự tháp ba cấp. Hình thức chung vẫn là một kim tự tháp giật cấp. Đỉnh được bố trí dưới hình thức nắp quan tài đặt trên những cột gỗ màu đen. Lối bố cục kết thúc khối chính thể hiện hàm ý tư tưởng đời đời tưởng niệm.

Phương án số 1 mà những nét đặc trưng đã được chọn để xây dựng Lăng Bác hiện nay, khối chính của Lăng đặt trên bệ tam cấp rất thân thuộc với phong cách Việt Nam. Thân Lăng gợi hình dáng một ngôi nhà 5 gian giản dị. Bậc tam cấp một lần nữa được nhắc lại ở mái Lăng. Hình vát ở mái Lăng gợi lên sự gần gũi những đường nét mái đình hay ở đền thờ các danh nhân đất nước.

Ở phương án số 10, Lăng Bác là một quần thể kiến trúc, cổng đồng thời dùng làm lễ đài cho các ngày lễ lớn. Khách đi viếng Bác sẽ vào cổng qua khu sân vườn, hồ nước, cây cảnh... rồi mới tới nơi Bác an nghỉ. Phương án này - theo lập luận của tác giả - sẽ làm cho Lăng thêm tôn nghiêm hơn, hợp với phong tục tập quán Việt Nam. Nhìn chung các đường nét kiến trúc toát lên chất Á Đông, nhưng đã tước bỏ nhiều trang trí rườm rà khi khai thác vốn cổ dân tộc.

Phương án số 13 lấy chủ đề từ câu ca dao: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” và Bác sinh ra từ Làng Sen xứ Nghệ.

Lăng Bác như một khối bông sen cách điệu ở giữa một hồ sen. Số người không đồng ý phương án này cho rằng lấy bông sen làm hình tượng cuộc đời Bác chưa hẳn đúng. Tạo hình bông sen có tính Phật giáo. Hoa sen cách điệu, trừu tượng quá, nhiều người không nhận ra.

Phương án số 15 của tập thể cán bộ kiến trúc thuộc Bộ Tư lệnh Công binh: quần thể kiến trúc Lăng gồm có khối chính của Lăng, cổng, vườn cây. Khối chính của Lăng, cổng, vườn cây. Khối chính của Lăng, nơi Bác an nghỉ mang dáng dấp một ngôi nhà ba gian có bậc tam cấp. Đặc biệt các đồng chí công binh thiết kế hai đoạn đường dốc cho lối vào thăm Bác và lối ra để các đồng chí thương binh có thể ngồi xe đẩy lên thăm Bác.

Phương án số 16 của tập thể cán bộ thiết kế thuộc Cục Kiến thiết cơ bản Tổng cục Hậu cần là một phương án độc đáo: Tại khu vực Ba Đình, đắp một quả núi (khoảng một triệu mét khối đất) xây Lăng Bác trên quả núi này. Trên đỉnh Lăng có thiết kế giống như một lầu thơ. Xung quanh Lăng là hồ nước và cây cối. Rất nhiều ý kiến đồng tình vì cho rằng mộ tổ tiên của chúng ta (đền Vua Hùng) cũng xây theo lối này. Hàng năm nhân dân ta sẽ tới đây trồng cây nhớ ơn Bác. Từ rất xa, mọi người đã có thể nhìn thấy Lăng Bác. Lầu thơ gợi khung cảnh Bác đang sống và làm việc. Những ý kiến không đồng tình cho rằng: Lầu thơ trông giống như “Khuê văn các”, những đường nét cổ kính ở đây không phù hợp với tính hiện đại của cấu trúc phía dưới. Vả chăng Bác Hồ khi còn sống, Người làm thơ trong khung cảnh giản dị, thấm đậm thiên nhiên, trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa bộn bề công việc.

“Trăng vào cửa sổ đòi thơ

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”.

Mặt khác, đắp một quả núi giữa lòng Thủ đô rất khó thực hiện, đường vào viếng Bác quá cao, gây khó khăn cho các cụ già, các cháu nhỏ và những người tàn tật.

Ngoài những ý kiến đóng góp cụ thể vào các phương án đã trưng bày còn có 6.627 ý kiến đóng góp chung. Một số người chưa bằng lòng với tất cả các phương án đã trưng bày. Họ cho rằng cần có thời gian nghiên cứu thêm, cần tiếp tục cuộc thi sáng tác về mô hình Lăng Bác. Về vị trí Lăng có nhiều ý kiến khác nhau. Có người đề nghị Lăng nên nằm trong vườn Phủ Chủ tịch gần nhà sàn, có người muốn Lăng đặt phía trước Phủ Chủ tịch gần trường trung cao quân đội trước đây. Có ý kiến muốn Lăng xây gần Tam Đảo, gần Đền Hùng hoặc ở quê hương Bác. Không ít ý kiến đề nghị giữ lại lễ đài Ba Đình cũ làm lưu niệm. Có người đề nghị khối chính của Lăng nên tách khỏi lễ đài cho tăng phần tôn nghiêm. Lăng nên quay về hướng Nam, phù hợp với phong tục làm nhà của nhân dân ta và cũng phù hợp với tấm lòng Bác luôn hướng về đồng bào miền Nam - Thành đồng Tổ quốc.

Thư của đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và của kiều bào ở nước ngoài - những người không có may mắn được xem trưng bày các mô hình Lăng - đã gửi tới Ban tổ chức triển lãm rất nhiều và phong phú:

Đồng chí Nguyễn Trọng Hiệp, bộ đội hòm thư 47-170-OR đề nghị xây “Núi Bác Hồ”, tác giả viết:

“Cuộc đời Bác gắn liền với lịch sử dân tộc và lịch sử đấu tranh của những người bị áp bức trên toàn thế giới. Đề nghị làm “Núi Bác Hồ” là một công trình độc đáo của dân tộc mà cũng là công trình độc đáo của thế giới”.

(Xem tiếp kỳ sau)