Giữ nét xưa trong khuôn bánh trung thu

11:48 | 20/09/2015

1,893 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiếng cưa xẻ, đục đẽo, đánh bóng... như đang đưa không khí Trung Thu đến gần hơn với làng Thượng Cung (Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với nghề mộc truyền thống, đồng thời cũng là nơi gìn giữ được nghề làm khuôn bánh trung thu của người xưa để lại.

Thượng Cung có truyền thống làm nghề mộc từ xa xưa, và không biết chính xác là bao nhiêu năm. Nhưng trong tiềm thức của người dân nơi đây, nghề mộc đã trở thành một phần không thể thiếu, nó vừa là nghề, vừa là nghiệp.

Trẻ con sinh ra ở làng đã được nuôi dưỡng niềm đam mê với những thanh gỗ, những hoa văn, những nét đẹp tỉ mẩn.

lang giu net xua qua khuon banh trung thu
Ông Trần Văn Bản, một trong những người có thâm niên làm khuôn bánh lâu nhất làng Thượng Cung

Nghề làm khuôn bánh trung thu ở Thượng Cung đã có từ lâu đời. Mấy năm trở lại đây, khi khuôn nhựa được sản xuất nhiều, làng nghề bớt nhộn nhịp hơn. Hiện tại, làng Thượng Cung chỉ còn một vài gia đình còn giữ nghề làm khuôn bánh để cố giữ nét truyền thống cho con cháu..

Ông Trần Văn Bản, một trong những người có thâm niên làm khuôn bánh lâu nhất làng cho biết: “Gia đình tôi là thợ lâu năm ở làng, khuôn bánh chúng tôi làm ra được bán khắp các cơ sở sản xuất bánh trung thu của cả nước”.

Sau một thời gian những thứ bánh được làm theo dây chuyền lên ngôi thì hiện nay phần lớn người dân quay lại tin dùng sản phẩm có giá trị truyền thống. Vì vậy, vài năm trở lại đây nghề làm khuôn bánh dẻo, bánh nướng cũng có thể tồn tại và phát triển, trở thành một nghề truyền thống rất độc đáo của làng.

lang giu net xua qua khuon banh trung thu
Mỗi khuôn bánh là một tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân làng nghề Thượng Cung.

Theo những nghệ nhân trong làng, việc để làm được một khuôn bánh tốn nhiều thời gian và các công đoạn đều đòi hỏi sự khéo tay. Công đoạn đầu tiên người thợ phải cưa cắt gỗ theo hình dáng khuôn bánh. Gỗ được dùng để làm khuôn là gỗ thị hoặc xà cừ.

Đây là 2 loại gỗ mà người làm thường chọn vì bền, dễ đục đẽo và ít mối mọt, giá thành gỗ cũng hợp lý. Sau khi chọn gỗ và cưa thành từng phần, công đoạn tiếp theo dùng các đục chuyên dụng để tạo hoa văn trên khuôn. Phần cán cầm phải dùng máy tiện tròn để người thợ làm bánh có thể cầm chắc tay.

Khuôn bánh đẹp hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng người thợ, bởi chỉ cần đục hơi sâu hơn một chút hay nông đi một chút là tạo hình hoa văn đã khác đi nhiều. Những khuôn bánh hình con thú như hình cá, hình heo, hình rồng… chỉ cần thiếu chút tinh tế là chiếc bánh thành phẩm sẽ thiếu sức sống và nhìn không bắt mắt.

Ông Bản cũng cho biết: “Để làm được nghề này cần có sự yêu thích, đam mê. Nó đòi hỏi rất tỉ mỉ, từ việc cắt khuôn hình sao cho vừa vặn với khối lượng bánh, đến việc đục đẽo tạo hoa văn. Thời gian để làm hoàn chỉnh khuôn bánh, một người thợ chắc tay cũng phải mất tối thiểu 1- 3 tiếng đồng hồ mới có thể làm xong; giá mỗi khuôn bánh dao động trong khoảng 150 - 250 nghìn/chiếc, tùy vào kích thước, độ phức tạp của từng sản phẩm”.

Với thâm niên gần 10 năm trong nghề, anh Trần Văn Biên (con trai ông Bản) chia sẻ: Chúng tôi học làm khuôn bánh từ khi còn học lớp 4, lớp 5, việc đục hình con giống, hoa văn cho khuôn bánh dẻo, bánh nướng quan trọng nhất là người làm có sự hình dung và tính toán từ trước. Nếu không biết cách ước lượng bằng mắt, sản phẩm làm ra sẽ thô, không cân đối.

lang giu net xua qua khuon banh trung thu
Khuôn bánh nướng, bánh dẻo

Khuôn bánh chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng ở khắp mọi nơi, gia đình ông Bản cũng cấp một phần cho cơ sở bán khuôn bánh trên phố Hàng Quạt. Ngoài những khuôn hình, hoa văn truyền thống, gia đình ông còn làm thêm biểu tượng Hoàng Sa, Trường Sa ý nghĩa.

Việc đục đẽo khuôn bánh cũng đã tạo việc làm cho nhiều người trong làng. Mỗi dịp Trung thu, gia đình ông Bản phải thuê vài thợ mang khung gỗ về đục đẽo tạo hình. Mỗi chiếc công thợ được 40 -50 nghìn  đồng, mỗi ngày trung bình làm được 3 cái được hơn 100.000 đồng, không mấy vất vả mà không phải vất vả nắng mưa.

Mặc dù lợi nhuận và số lượng bán không cao bằng các khuôn nhựa đang bán trên thị trường nhưng nhiều gia đình Việt vẫn đang cố giữ lại một nét gì đó rất riêng của Tết Trung Thu để cho con cháu sau này hình dung ra một cái Tết thực sự dành cho các em.

Nguyễn Hoan