Giữ chân thợ lò như thế nào?

07:07 | 04/07/2014

1,578 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tìm giải pháp thu hút thợ lò, khuyến khích họ gắn bó lâu dài với nghề đang là bài toán khó đối với ngành than. Đó là một trong những chủ đề nóng được thảo luận tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm 2013, phương hướng nhiệm vụ năm 2014 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) diễn ra mới đây.

Năng lượng Mới số 335

Thực trạng nan giải

Ngành than đang đối mặt với thực tế là số thợ lò bỏ việc có xu hướng ngày càng gia tăng, trong khi việc tuyển dụng thợ lò ngày càng khó. Phải tìm mọi cách để giữ chân thợ lò, khuyến khích họ gắn bó lâu dài với nghề đang là bài toán khó với cả ngành Than. Theo một kết quả khảo sát mới đây do Công đoàn TKV phối hợp với Viện Công nhân - Công đoàn Việt Nam thực hiện cho thấy, khi được hỏi: “Liệu có thiết tha gắn bó lâu dài với công việc hiện tại hay không?” thì đã có tới 48,3% số công nhân có thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng đều trả lời “không”; đối với công nhân có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng thì câu trả lời tương tự cũng chiếm 37,9% số người được hỏi.

Đây cũng không phải điều gì quá ngạc nhiên khi hiện nay việc khai thác than càng ngày càng vất vả, hầm lò phải đào sâu hơn vào lòng đất từ -300m đến -500m. Trong khi đó, tiêu thụ than cũng khó khăn, khiến thu nhập của công nhân cũng giảm sút rõ rệt. Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, TKV đã đặt trọng tâm vào cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động, để họ yên tâm gắn bó lâu dài.

Cụ thể hơn, các đơn vị đã không ngừng đổi mới công nghệ, cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu sản xuất nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh được triển khai trên nhiều lĩnh vực. Các mỏ lộ thiên đã sử dụng thiết bị cơ giới hóa công suất lớn trong các khâu khoan, xúc bốc và vận tải; các khâu sàng tuyển, nhiệt điện, luyện kim đều có sự đầu tư đáng kể, nhằm từng bước cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.

Nụ cười người thợ lò mỏ Mạo Khê

Đồng thời, để đảm bảo tiền lương thu nhập cho người lao động, Tập đoàn đã tăng cường công tác quản lý, quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ năm 2010, Hội đồng Thành viên Tập đoàn đã có nghị quyết về lộ trình tăng tiền lương cho người lao động theo từng giai đoạn; đặc biệt với thợ lò thực hiện lộ trình tăng lương bình quân hàng năm từ 5 đến 10%. Từ 1-1-2014, Tập đoàn đang thực hiện tăng tiền lương cho thợ lò 5% so với năm 2013.

Tuyển sinh thợ hầm lò chỉ đạt nửa chỉ tiêu

Năm 2013, công tác đào tạo của tập đoàn và các đơn vị thành viên tập trung vào 3 đối tượng chính là: cán bộ quản lý cao cấp, trung cấp; chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ, quản lý; công nhân kỹ thuật các ngành, nghề chính. Mặc dù đã tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách đối với đào tạo nghề, song kết quả tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò chỉ đạt 51,3%; hệ sơ cấp nghề đạt 80,7% kế hoạch. Chất lượng đào tạo tiếp tục được chú trọng, nâng cao. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do tập đoàn chủ trì như 2 lớp cao cấp lý luận chính trị; đào tạo dự bị giám đốc; cán bộ kế cận cấp cao cho 32 học viên, đồng thời chọn cử trên 90 cán bộ, công nhân đào tạo ở các nước Nhật, Nga...

Đặc biệt, vấn đề nan giải nhất hiện nay là giải pháp thu hút thợ làm việc trong các hầm lò than. Với việc đánh giá, phân tích kỹ thực trạng hiện nay, đặc biệt là khó khăn trong tuyển sinh đào tạo, thu hút, giữ chân thợ lò làm việc, hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận về nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể; trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà trường, các ban điều hành trong việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt hiệu quả cao trong tuyển sinh đào tạo, tuyển dụng các nghề mỏ hầm lò. Nhất là hiện nay, việc khai thác than càng ngày càng vất vả, hầm lò phải đào sâu hơn vào lòng đất từ -300m đến -500m, trong khi tiêu thụ than ngày càng khó khăn, khiến thu nhập của công nhân giảm sút rõ rệt.

Điều kiện lao động là yếu tố quyết định

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều khẳng định: Để thu hút, giữ chân thợ lò làm việc, các đơn vị phải tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp, đầu tư thích đáng cho cải thiện điều kiện làm việc, đi lại trong lò. Đây là yếu tố mang tính quyết định. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, để thu hút thợ lò, các đơn vị cần thực hiện cơ giới hóa trong đào lò, khai thác để nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập của thợ lò; chăm lo tốt hơn nữa về đời sống, văn hóa tinh thần, xây dựng nhà ở cho thợ lò (hộ độc thân và gia đình); thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong ứng xử, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của đơn vị để thu hút, giữ chân thợ lò, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền những gương thợ lò tiêu biểu lao động giỏi, thu nhập cao, những bước tiến vượt bậc về khoa học công nghệ trong sản xuất, điều kiện làm việc ngày càng tốt hơn và các chế độ ưu đãi đối với thợ lò của tập đoàn để thợ lò yêu nghề, yêu mỏ, yên tâm gắn bó với nghề.

Một trong những giải pháp đào tạo, nâng cao tay nghề  cho công nhân đang được tập đoàn rất chú trọng là tổ chức các hội thi thợ giỏi ngành than. Thông qua hội thi, các công nhân, thợ lò có cơ hội rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, biện pháp an toàn trong sản xuất, công tác tự chủ an toàn, văn hóa an toàn trong công nhân. Giúp công nhân hệ thống lại kiến thức, nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp; thực hành công tác tổ chức sản xuất, an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng đội ngũ công nhân lao động có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu sản xuất, tạo khí thế thi đua lao động sản xuất.

Theo đánh giá của Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn, công tác đào tạo nguồn nhân lực có vai trò quan trọng, đặc biệt là đào tạo thợ lò để đáp ứng cho sản xuất, thực hiện lộ trình phát triển của Tập đoàn. Để thu hút, giữ chân thợ lò làm việc, các đơn vị phải tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp, đầu tư thích đáng cho cải thiện điều kiện làm việc, đi lại trong lò; thực hiện cơ giới hóa trong đào lò, khai thác để nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập của thợ lò; chăm lo tốt hơn nữa về đời sống, văn hóa tinh thần, xây dựng nhà ở cho thợ lò (hộ độc thân và gia đình); thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong ứng xử, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của đơn vị để thu hút, giữ chân thợ lò, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền những gương thợ lò tiêu biểu lao động giỏi, thu nhập cao, những bước tiến vượt bậc về khoa học công nghệ trong sản xuất, điều kiện làm việc ngày càng tốt hơn và các chế độ ưu đãi đối với thợ lò của Tập đoàn để thợ lò yêu nghề, yêu mỏ, yên tâm gắn bó với nghề, xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững.

Do những nỗ lực trong việc tiết giảm chi phí, chế độ ưu đãi cho người lao động, 6 tháng đầu năm nay, thu nhập bình quân của công nhân lao động ngành than đạt 7,6 trệu đồng/người/tháng, bằng 103% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyễn Kiên