Giới hạn của sáng tạo

12:09 | 17/11/2021

1,663 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nếu không đủ nội lực, không nhạy bén trong sử dụng ca từ mà lại phá cách quá đà những bài hát đã đi vào năm tháng thì việc gây phản ứng ngược là một kết quả tất yếu…

Nữ ca sĩ trẻ Han Sara bị lên án dữ dội khi trình diễn bài hát “Cô gái gen Z” trong chương trình The Heroes (phát sóng VTV3). Đây là bài hát được ê-kíp của cô remix (phối nhạc lại) từ bài “Cô gái mở đường” (NS Xuân Giao) theo phong cách rap.

Không phải vấn đề giai điệu mà lỗi lớn nhất là lời bài hát trong phiên bản mới của Han Sara được đặt để không phù hợp, ê-kíp đã đưa những bậc thánh nhân, những biểu tượng và những vị anh hùng của dân tộc như Mẫu Âu Cơ, Hai Bà Trưng hay nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng những cô gái anh hùng từng là thanh niên xung phong đi mở đường để đặt cạnh những nội dung “buôn dưa lê” và tên của thí sinh trong chương trình. Nhiều người cho rằng, đây là một sự xúc phạm các vị thánh nhân, tiền nhân. Bên cạnh đó, trang phục và phong cách biểu diễn của Han Sara với bài hát này được cho là phản cảm.

Giới hạn của sáng tạo
Trình diễn “Cô gái mở đường” phản cảm, Han Sara bị chỉ trích gay gắt

Ngay sau đó, nữ ca sĩ đã phải lên tiếng xin lỗi và chương trình cũng đã gỡ toàn bộ dữ liệu bài hát này trên các nền tảng xem trực tuyến.

Trào lưu làm mới hoặc đưa những yếu tố văn hóa, lịch sử dân tộc vào bài hát sôi động, trẻ trung theo phong cách thời thượng như Hip Hop, Pop, Rock hay Rap đã xuất hiện khá nhiều thời gian qua. Và đã có không ít những trường hợp thành công, được công chúng nhiệt tình đón nhận, ủng hộ. Không chỉ ở những ca sĩ trẻ mà cả Thanh Lam, Hà Lê, Thái Thùy Linh… cũng đã từng làm mới nhạc Trịnh, nhạc cách mạng, thổi sự tươi trẻ vào những bài hát nổi tiếng ra đời cách đây 50 năm.

Hoàng Thùy Linh là một điển hình ca sĩ trẻ thành công nhất khi đưa văn hóa dân tộc vào bài hát qua album “Hoàng”. Để nói về thành công của album này thì ngoài tạo được hiệu ứng vô cùng mạnh mẽ với công chúng qua các ca khúc như “Để Mị nói cho mà nghe”, “Tứ Phủ”, “Duyên âm”,… thì việc “Hoàng” thắng 4 giải Cống hiến, 8 giải Làn sóng xanh, phá nhiều kỷ lục âm nhạc đã là một mình chứng rõ ràng nhất.

Hay một cách dễ so sánh, cũng làm mới bài hát “Cô gái mở đường”, nhưng nếu bản rap của Han Sara bị chỉ trích gay gắt thì trái lại bản nhảy hip hop của Hậu Hoàng với trang phục chiến sĩ, cổ quấn khăn rằn lại chinh phục nhiều khán giả và nhận được nhiều lời khen ngợi!

Qua đó để thấy rằng, công chúng cũng không phải quá mức khắt khe, không chấp nhận việc làm mới một ca khúc vốn đã đi vào năm tháng, mà vấn đề nằm ở sự biến tấu đó như thế nào. Trong nghệ thuật, sáng tạo là cần thiết nhưng việc phải hướng đến mục tiêu là giữ được và nâng cao những giá trị của lời hát cũng như tinh thần của ca khúc gốc là cốt yếu.

Nếu không đủ nội lực, không nhạy bén trong sử dựng ca từ mà lại phá cách quá đà thì việc gây phản ứng ngược là một kết quả tất yếu!

Trúc Vân

Thời của người yêu âm nhạc Thời của người yêu âm nhạc
Khi “rap rác” thịnh hành… Khi “rap rác” thịnh hành…
Âm nhạc ngày giãn cách Âm nhạc ngày giãn cách
Chạm - Sing & Share - Âm nhạc lan tỏa yêu thương Chạm - Sing & Share - Âm nhạc lan tỏa yêu thương