Giờ G - tổng tấn công... nợ xấu
Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nghị quyết này được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15-8-2017.
![]() |
Đây là một “cuộc tổng tấn công” đã được chuẩn bị từ nhiều năm nhằm phá tan “những cục máu đông” trong nền kinh tế của nước nhà vốn đang mong muốn ngày càng khỏe mạnh, tạo ra nguồn động lực mới cho phát triển.
Đã có thời điểm như năm 2012, tỷ lệ nợ xấu ước tính một cách thận trọng đã là khoảng 17% dư nợ, còn nếu đánh giá đầy đủ theo con số của thanh tra thì có thể cao hơn. Khi ấy, nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ đã được triển khai nhưng đến hết năm 2016, tổng nợ xấu vẫn là 10,08%, tương đương khoảng 600.000 tỉ đồng.
Với khoảng 600.000 tỉ đồng nợ xấu, trở thành cục máu đông làm nghẽn huyết mạch đã khiến nền kinh tế bị thiếu hụt một nguồn lực không nhỏ.
TS Lê Xuân Nghĩa từng cho rằng, nhiều nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm đến thị trường nợ của Việt Nam. |
Nay nhiều đường thoát đã được nghị quyết của Quốc hội khai mở với những quyết sách chưa từng có, như mở rộng quyền thu giữ tài sản đảm bảo; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo; cho phép tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu; cho phép mua bán nợ theo giá thị trường, có thể cao, thấp hơn giá trị ghi sổ và phân bổ lãi dự thu, chênh lệch lỗ khi bán khoản nợ xấu của TCTD...
Theo các nhà phân tích, một trong những cửa mở quan trọng nhất là việc các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Đây là một quy định giải tỏa cho những người chịu trách nhiệm xử lý nợ xấu đang không dám bán nợ xấu với giá thị trường, nhưng lại thấp hơn giá sổ sách. Họ biết về khả năng bị kết tội làm thất thoát tài sản của tổ chức và cá nhân khác.
Một cửa mở nữa là mở rộng đối tượng tham gia. Nghị quyết cho phép tổ chức mua bán nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân và cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ xấu. Điều này có nghĩa là ai và tổ chức nào trong nước cũng có quyền mua nợ xấu, một sự rất mở để việc mua bán nợ xấu diễn ra nhanh chóng, dễ dàng mà không bị trói buộc bởi những loại giấy cho phép kinh doanh nợ xấu, cũng như để tài sản nợ xấu không bị trói buộc trong phạm vi sở hữu chỉ của những cá nhân và tổ chức có chức năng kinh doanh nợ xấu v.v...
Thật dễ dàng thấy rằng, thị trường mua bán nợ xấu sẽ diễn ra sôi nổi bởi cơ hội sản sinh lợi nhuận sau các hợp đồng và các cuộc thương thảo. Trước đây, thị trường này dường như là nơi “độc diễn” của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thì nay sẽ có rất nhiều đối tượng tham gia, có thể là các tổ chức quản lý tài sản của ngân hàng thương mại (AMC) hoặc các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu độc lập, đã hoặc sẽ được thành lập. TS Lê Xuân Nghĩa từng cho rằng, nhiều nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm đến thị trường nợ của Việt Nam, trong đó có cả những tập đoàn hùng mạnh trên thế giới (có thể mua tới hàng tỉ USD nợ xấu).
Tuy có nhiều cửa mở thông thoáng, nhưng ngay khi thảo luận trước Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề cập đến sự lợi dụng những cánh cửa mở này để trốn tránh trách nhiệm gây ra nợ xấu trước đây hoặc trục lợi. Bởi lẽ, qua thực tiễn những vụ án lớn gần đây, nhiều khoản nợ xấu khổng lồ là do nội bộ cán bộ, nhân viên các TCTD gây nên.
Chỉ tính riêng một số vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hàng trăm cán bộ ngân hàng, trong đó có nhiều đối tượng là lãnh đạo cao nhất của TCTD với nhiều mức án nghiêm khắc như tù 20 năm, 30 năm, chung thân và tử hình.
Tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thừa nhận về yếu tố chủ quan, nguyên nhân chính gây ra nợ xấu thuộc về TCTD. Quy trình tín dụng chưa được thực hiện đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Năng lực quản trị rủi ro của một số TCTD còn hạn chế, kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa tốt, tính tuân thủ chưa cao…
Về rủi ro đạo đức của ngân hàng, một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định. Các hành vi vi phạm này trong thời gian qua đã, đang và sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, nợ xấu dường như là căn bệnh khó tránh khỏi trên thị trường tài chính và ngân hàng, kể cả ở những nước phát triển. Vì thế, cho dù chuẩn bị một cuộc “tổng tấn công” vào nợ xấu cũ thì vẫn phải có những biện pháp ngăn ngừa “những cục máu đông” mới tiếp tục nảy sinh vì cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Theo các chuyên gia, Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ tác động lên nền kinh tế nói chung, giúp giảm chi phí xã hội và hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng. Riêng phía ngân hàng, xử lý nợ xấu sẽ giúp họ giảm được chi phí dự phòng rủi ro. Nhưng quan trọng hơn cả là giúp các nhà băng nâng cao được chất lượng tín dụng, bởi người đi vay sẽ có ý thức hơn trong việc vay vốn khi các ràng buộc về xử lý tài sản đảm bảo được quy định rõ ràng hơn. Nghị quyết giúp tháo gỡ nút thắt, hỗ trợ cho xử lý tài sản thế chấp cầm cố thuận lợi hơn, minh bạch hơn theo thông lệ quốc tế, giúp làm lưu động hóa các tài sản bất động. Tức là các tài sản xưa nay không xử lý được, không chuyển nhượng được, không đầu tư được, không thanh lý được, cứ nằm ì một chỗ, thì từ nay sẽ được lưu động được, mua bán được. |
Nguyễn Long Vân
-
Cần cơ chế hậu kiểm đủ mạnh để phát triển bền vững kinh tế tư nhân
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 16/5: Xu hướng chậm lại trong các dự án năng lượng tái tạo
-
4 tháng đầu năm, tiêu thụ xăng dầu tăng gần 6%
-
Khởi công phân khu 35ha The Grand Ho Tram: Cú hích mới cho bất động sản du lịch Việt Nam
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay quay đầu giảm