Giải pháp nào cho cuộc chiến Armenia - Azerbaijan?

06:58 | 09/10/2020

307 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiến sự đang ngày một gay gắt, các cuộc bắn phá ngày càng gia tăng vào Stepanakert, thủ phủ của lãnh thổ tự xưng của quân ly khai Armenia. Hiện tại, không có một giải pháp chính trị khả thi nào cho cuộc xung đột này.

Một cuộc họp hòa giải đầu tiên sẽ được tổ chức vào thứ Năm tuần này tại Geneva và thứ Hai tới tại Moscow, nhưng hai bên xung đột sẽ không gặp nhau. Làm thế nào để tìm kiếm một giải pháp chính trị và ai có thể khởi xướng nó?

Thorniké Gordadze, chuyên gia tại Sciences Po Paris, cựu Bộ trưởng Gruzia chịu trách nhiệm về hội nhập châu Âu có bài trả lời phỏng vấn hãng AFP về vấn đề này.

3202-9d3c7568-e98b-49ad-ba1b-357ee96a2b7e
Bản đồ Nagorno Karabakh và những nước lân cận

Ai là người nắm giữ chìa khóa để bắt đầu một cuộc đối thoại?

Thorniké Gordadze: Tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại phải được tạo điều kiện bởi các cường quốc khu vực có ảnh hưởng đối với những bên tham chiến. Các cường quốc khu vực này trên hết là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Phương Tây, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, cũng có ảnh hưởng nhưng đã giảm đáng kể trong những năm gần đây do họ chỉ hoạt động tích cực hơn vào những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Các cuộc họp hòa sẽ được tổ chức vào thứ Năm tuần này tại Geneva và thứ Hai tuần sau tại Moscow. Mục đích là để mở các cuộc đàm phán giữa Azerbaijan và Armenia. Ông nghĩ điều kiện cần thiết để bắt đầu một cuộc đối thoại là gì?

Thorniké Gordadze: Điều kiện đầu tiên là chấm dứt thù địch. Chúng ta vẫn có thể đàm phán trong khi các cuộc đối đầu quân sự tiếp diễn. Nhưng trong trường hợp này, các cuộc đàm phán sẽ thực sự bị ảnh hưởng bởi tình hình trên chiến trường. Để có các cuộc đàm phán hòa bình, các cường quốc khu vực, cụ thể là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, cũng cần thúc đẩy để tiến tới đàm phán một hiệp ước hòa bình cuối cùng. Đã 26 năm kể từ khi các hành động thù địch chấm dứt vào năm 1994, 28 năm kể từ khi nhóm Minsk (Nga, Pháp, Hoa Kỳ) được hình thành từ năm 1992 để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Nagorno Karabakh, nhưng những nỗ lực này đã không mang lại kết quả gì. Đây cũng là nguyên nhân khiến xung đột bùng phát trở lại cách đây ít ngày. Chúng ta không thể đứng yên trong nhiều năm. Cần phải tiến lên trong quá trình đàm phán.

Người châu Âu và người Mỹ không đủ động lực để can dự vào cuộc xung đột Armenia - Azerbaijan?

Thorniké Gordadze: Người châu Âu và người Mỹ không thiếu động lực. Điều còn thiếu hiện tại chính là sự thiếu sức ảnh hưởng của hai chủ thể này trong khu vực. Về Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp ủng hộ Azerbaijan. Ankara tin rằng Azerbaijan phải giành lại các vùng lãnh thổ mà đồng minh của họ đã mất vào những năm 1990 để đảo ngược tiến trình đàm phán có lợi cho Azerbaijan. Nga đang trì hoãn, hiện tại nước này vẫn chưa thực sự tham gia vào cuộc xung đột và bằng lòng với các tuyên bố kêu gọi những bên tham chiến ngừng bắn.

Làm thế nào chúng ta có thể giải thích hành vi của Nga?

Thorniké Gordadze: Hành vi được thúc đẩy bởi hai yếu tố. Thứ nhất, Nga, quốc gia đã ký hiệp ước đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia, nên không muốn tham gia nhiều vào cuộc xung đột vì chính phủ Armenia hiện tại không phù hợp với sở thích của các nhà lãnh đạo của Moscow. Chính phủ này lên nắm quyền sau một cuộc cách mạng diễn ra trong hòa bình cách đây 2 năm. Điều đó cho thấy, Armenia vẫn là đồng minh của Nga. Các nhà chức trách Armenia cũng đã cố gắng trấn an Moscow vì họ không có nhiều giải pháp thay thế để đảm bảo an ninh cho đất nước của họ. Nhưng Nga có ít mối quan hệ với chính phủ này hơn so với các chính phủ trước. Nga không vội bảo vệ Armenia như trước đây. Và ngoài ra, Nga đang cố gắng tái cân bằng quan hệ với Azerbaijan, điều này cho thấy nước này có một đồng minh hùng mạnh khác trong khu vực, đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, bằng cách làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan đã nâng cao giá trị của mình đối với Nga và hiện đang yêu cầu Moscow nhượng bộ nhiều hơn.

Vì vậy, sự kiềm chế của Nga không phải là điểm yếu, mà là chiến thuật?

Thorniké Gordadze: Đúng vậy, đó là chiến thuật. Nhưng đồng thời, Moscow cũng lo lắng về việc tăng cường quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan và không muốn để mất Baku hoàn toàn. Tôi tin rằng Nga sẽ can thiệp dứt khoát hơn nếu Azerbaijan tiến xa hơn và tấn công trực tiếp Armenia chứ không chỉ các khu vực lân cận Karabakh do Armenia chiếm đóng. Nga không muốn Azerbaijan giành được chiến thắng trọn vẹn và giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ngoại trừ Karabakh. Trong trường hợp này, Nga sẽ mất đòn bẩy đối với cả Armenia và Azerbaijan. Tôi nghĩ Nga đang ở trong tình thế chờ đợi và sẽ làm cho vị thế của họ được biết đến vào một thời điểm nào đó nếu Azerbaijan đi quá xa so với mong muốn của mình.

Cuộc chiến Armenia - Azerbaijan có thể làm rung chuyển thị trường dầu khíCuộc chiến Armenia - Azerbaijan có thể làm rung chuyển thị trường dầu khí
Vì sao các cường quốc thế giới lên tiếng về xung đột Armenia-Azerbaijan?Vì sao các cường quốc thế giới lên tiếng về xung đột Armenia-Azerbaijan?
Armenia-Azerbaijan đang nổ ra chiến tranh thực sự?Armenia-Azerbaijan đang nổ ra chiến tranh thực sự?

Nh.Thạch

AFP